Giữ gìn nét đẹp, bản sắc văn hóa của dân tộc Pa Kô

Từ bao đời nay, dệt thổ cẩm đã trở thành nét văn hóa trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số Pa Kô ở xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Đây là một nghề thủ công không chỉ làm ra sản phẩm phục vụ nhu cầu ăn mặc hằng ngày, mà còn mang bản sắc độc đáo của người Pa Kô.

Tổ dệt thôn A Bung cuốn sợi và dệt thổ cẩm. Ảnh: Nguyễn Thành Phú

Cùng với sự thay đổi của đời sống hiện tại, quan niệm thẩm mỹ... đã tác động không nhỏ đến việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủ công truyền thống. Tuy nhiên, dệt thổ cẩm trong đồng bào Pa Kô trên vùng biên cương này vẫn luôn được trân trọng gìn giữ và bảo tồn.

Giữ nét đẹp truyền thống văn hóa

Sống giữa núi rừng đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, công việc dệt vải thổ cẩm là chuyện thường ngày của những người phụ nữ dân tộc Pa Kô. Trước khi biết dệt vải bằng sợi bông, người Pa Kô đã biết dùng vỏ cây làm áo, khố để chống chọi lại với sự khắc nghiệt của thiên nhiên và những loại trang phục được lưu truyền từ đời này sang đời khác đã hình thành nên truyền thống, phong cách trang phục của dân tộc Pa Kô, chính vì thế, nghề dệt thổ cẩm của người Pa Kô được hình thành khá lâu đời và luôn gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của họ.

Trải qua năm tháng, cuộc sống biến đổi, nhiều nghề thủ công truyền thống gắn bó, thân thiết lâu đời với đời sống người dân tộc Pa Kô ở các thôn bản vùng cao đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền, trong đó có nghề dệt thổ cẩm. Một thời gian dài, những khung cửi thưa tiếng, những bản làng nơi đây vắng bóng dần sắc màu áo váy thổ cẩm.

Nguyên do là những người biết dệt thổ cẩm hầu hết đã lớn tuổi, lại thêm sự phát triển của ngành may mặc, nhu cầu và thị hiếu của người sử dụng cũng đã thay đổi. Người trẻ lại thích sự tiện lợi, thời trang và hơn hết, giá thành của một bộ thổ cẩm cao hơn rất nhiều so với bộ trang phục may sẵn, vì thế mà càng ngày càng ít người đam mê với nghề dệt truyền thống.

Nhận thức về giá trị, ý nghĩa sâu sắc của nghề dệt thổ cẩm đối với việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc truyền thống dân tộc, các chị em dân tộc Pa Kô ở xã A Bung đã cùng nhau vận động thành lập Câu lạc bộ dệt thổ cẩm A Bung. Năm 1999, UBND xã A Bung đã cử một số chị có niềm đam mê với nghề dệt lên huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế để học nghề, đến đầu năm 2000 thì mở câu lạc bộ tại quê hương.

Vậy là sau một thời gian dài, những khung cửi bị bỏ đi vào quên lãng thì nay đã được hồi sinh trong mỗi nếp nhà sàn, mỗi bản làng. Những tấm vải thổ cẩm đầy màu sắc, hoa văn được dệt nên bằng cả sự cần mẫn, chăm chỉ của chị em phụ nữ đã góp phần gìn giữ bản sắc riêng của dân tộc mình.

Khi mới thành lập năm 2000, câu lạc bộ chỉ có 4 chị em biết và đam mê với công việc dệt vải thổ cẩm, song với tinh thần vừa làm, vừa truyền dạy nghề, động viên những người trẻ theo nghề, đến nay, số thành viên của câu lạc bộ là 20 người được chia làm 4 tổ, thành viên trẻ nhất năm nay vừa bước vào tuổi 16.

Chị Hồ Thị Chưa, 37 tuổi, Tổ phó Tổ dệt thôn A Bung chia sẻ: “Ngày xưa, người phụ nữ dân tộc Pa Kô từ nhỏ đã được mẹ dạy nghề dệt thổ cẩm, thế nhưng, khi điều kiện xã hội phát triển, vải thổ cẩm rất khó bán nên nghề dệt cũng bị mai một đi rất nhiều. Từ khi được chính quyền địa phương quan tâm, sau khi được đi học ở A Lưới về, tôi đã mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm miễn phí cho chị em trong thôn. Tôi thường xuyên vận động chị em tham gia lớp học đầy đủ. Đến nay, hầu hết các chị em sau khi tham gia lớp học đã tự dệt ra sản phẩm riêng cho bản thân mình, từ đó, tạo nên một sắc phục dân tộc đặc sắc của dân tộc Pa Kô”.

Dẫu khó song không để mai một

Việc dệt thổ cẩm được chị em tranh thủ làm vào thời gian nhàn rỗi và những ngày trời mưa gió không thể lên rẫy. Mỗi bộ váy, áo thổ cẩm bình thường dệt khoảng 3 ngày, nếu đính thêm cườm và trang trí hoa văn phức tạp thì mất từ 5 đến 7 ngày. Sự kỳ công chắt lọc từ bao giọt mồ hôi, công sức nhưng việc tiêu thụ sản phẩm làm ra cũng rất nhỏ giọt, lâu lâu chỉ khi trong thôn, trong vùng có đám cưới hay lễ hội thì mới có người hỏi mua với giá 300 nghìn đồng cho mỗi bộ bình thường và khoảng 450 nghìn đến 700 nghìn đồng cho bộ váy áo có đính thêm cườm và dệt nhiều hoa văn cầu kỳ.

Ông Hồ Văn Hiền, Quyền Chủ tịch UBND xã A Bung cho biết: “Để nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống của địa phương, chính quyền xã luôn tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích cơ sở dệt thổ cẩm phát triển sản xuất mặt hàng truyền thống, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, xã có chính sách miễn phí hoàn toàn cho những ai thích học nghề dệt thổ cẩm để phát triển và giữ nghề dệt thổ cẩm của địa phương cũng như gìn giữ nét văn hóa truyền thống của người dân tộc Pa Kô”.

Nói đi đôi với làm, bắt đầu từ năm 2018, UBND xã A Bung đã ban hành quy định, theo đó, đội ngũ cán bộ, công chức xã phải may đồng phục bằng thổ cẩm để mặc vào mỗi ngày thứ 2 đầu tuần trong giờ hành chính và các ngày lễ, Tết, dịp lễ hội hay kỷ niệm của địa phương. Ngoài việc quy định đối với cán bộ, công chức sử dụng đồng phục từ thổ cẩm, xã còn tuyên truyền, vận động giáo viên, học sinh và nhân dân trên địa bàn thường xuyên mang trang phục thổ cẩm. Cách làm này đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Pa Kô, mà còn tạo đầu ra cho sản phẩm truyền thống của địa phương.

Ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Chủ tịch UBND phụ trách mảng văn hóa, xã hội huyện Đakrông cho biết thêm: “Những năm qua, huyện đã có nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm, đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân mặc trang phục truyền thống của dân tộc trong các dịp lễ, Tết. Thời gian tới, để các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của địa phương có thể vươn xa tới nhiều thị trường, huyện quyết tâm thực hiện các tiêu chí theo quy định để đưa sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống ở xã A Bung trở thành một trong các sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương”.

Nguyễn Thành Phú

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giu-gin-net-dep-ban-sac-van-hoa-cua-dan-toc-pa-ko-post459991.html