Giữ chữ tín để liên kết thành công

Một trong những khó khăn của sản xuất theo chuỗi sản phẩm nông nghiệp hiện nay là tình trạng 'bẻ kèo' khi thấy giá bên ngoài có lợi hơn. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, các hợp tác xã, doanh nghiệp với vai trò là cầu nối, chủ thể dẫn dắt của chuỗi liên kết phải chủ động tăng cường năng lực quản lý, điều hành; phải giữ uy tín các bên, nếu không sẽ khó liên kết thành công.

Nông dân hưởng lợi nhờ sản xuất theo chuỗi

Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Cường (Bạc Liêu) được thành lập năm 2016 với 30 thành viên. Đến nay, quy mô hợp tác xã nâng lên 485 thành viên với tổng tài sản hơn 17 tỷ đồng. Hợp tác xã đang liên kết, hợp tác với 3 tập đoàn và 9 doanh nghiệp xuất khẩu gạo; 7 doanh nghiệp sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong chuỗi liên kết sản xuất lúa của hợp tác xã và hơn 15 hợp tác xã vệ tinh thuộc địa bàn 3 tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang và An Giang. Hằng năm, hợp tác xã thực hiện bao tiêu lúa hàng hóa cho hơn 10.000 hộ.

Chia sẻ tại Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2024 với chủ đề “Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm” do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức sáng 11.4, ông Trịnh Văn Cường, Chủ tịch HĐQT hợp tác xã, xác nhận, khi tham gia vào chuỗi liên kết, bà con nông dân rất yên tâm vì được lo đầu vào, đầu ra cho sản phẩm. Nhờ đó, việc làm, thu nhập của bà con luôn được bảo đảm và cải thiện.

Tương tự, tại Hợp tác xã Tài Hoan (Bắc Kạn), nhờ phát triển theo chuỗi giá trị, với 35 thành viên và hơn 2.000 thành viên liên kết thông qua các hợp đồng bao tiêu sản phẩm củ dong riềng để sản xuất miến dong và tinh bột dong riềng, sản phẩm của hợp tác xã hiện đã tiêu thụ tại chuỗi 16 siêu thị lớn ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng… và xuất khẩu. Bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc hợp tác xã cho biết, việc xây dựng các chuỗi giá trị giúp kết nối từ khâu sản xuất đến phân phối, tiêu thụ, rút ngắn khoảng cách giữa nhà tiêu thụ và nhà sản xuất; gia tăng giá trị sản phẩm…

Quang cảnh diễn đàn

Rõ ràng, sản xuất theo chuỗi giá trị trong các hợp tác xã đã chứng minh hiệu quả. Dù vậy, thực tế cũng bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế. Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn nêu dẫn chứng, ngay từ giai đoạn đầu, tập đoàn xác định phục vụ bà con nông dân từ giống, dịch vụ, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo yêu cầu, dần dần khuyến khích bà con nông dân liên kết với nhau và liên kết với doanh nghiệp song thực tế nảy sinh nhiều vấn đề, nhất là tình trạng “bẻ kèo” vẫn diễn ra. “Chúng tôi xác định liên kết cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con nông dân nhưng vẫn khó khăn trong chính mối liên kết của mình”, ông Thòn thừa nhận, và cho rằng một trong những nguyên nhân chính bởi “thái độ hợp tác nói chung chưa tốt”, chưa kể có sự cạnh tranh không lành mạnh.

Giám đốc Hợp tác xã Tân Tiến (Lâm Đồng) Mai Văn Khẩn bổ sung, việc sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết với doanh nghiệp giúp sản phẩm không còn đối mặt tình trạng “được mùa mất giá”, song nhận thức của các thành viên hợp tác xã về chuỗi liên kết còn hạn chế. Các thành viên vẫn còn tâm lý so sánh, bán hàng ra ngoài, phá vỡ liên kết khi giá cả thị trường tăng; tình trạng sản xuất manh mún nhỏ lẻ còn nhiều, canh tác theo thói quen nên việc tuân thủ theo quy trình kỹ thuật đồng nhất còn khó khăn.

Không có hợp tác xã đủ lớn, doanh nghiệp khó liên kết hiệu quả

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho rằng, phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm là đòi hỏi khách quan cũng như yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển. Khu vực kinh tế tập thể không nằm ngoài quỹ đạo đó. Hiện nay, cả nước có hơn 31.700 hợp tác xã, 158 liên hiệp hợp tác xã và 73.000 tổ hợp tác. Với xu hướng phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn như hiện nay, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã là yếu tố không thể bỏ ngỏ trong việc tham gia tạo dựng các chuỗi giá trị có tính bền vững, bà Xuân nhấn mạnh.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân phát biểu tại diễn đàn

Để phát triển chuỗi giá trị sản phẩm bền vững, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề nghị, ở cấp độ quốc gia, địa phương, phải tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, địa phương, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển chuỗi giá trị bền vững. Ở cấp độ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ hợp tác, đòi hỏi sự đổi mới tư duy, bảo đảm liêm chính trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị thông qua thực hành quản trị kinh doanh bền vững, thúc đẩy tính đa dạng và bao trùm trong kinh doanh theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Theo ông Huỳnh Văn Thòn, nếu không có tổ chức hợp tác xã đủ lớn, doanh nghiệp không thể liên kết hiệu quả. Trong giai đoạn hiện nay, bà con nông dân và hợp tác xã cần liên kết với nhau thật tốt để tổ chức nguồn nguyên liệu, sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Điều này cần sự tham gia đầu tư sâu của doanh nghiệp về thị trường, về cơ sở vật chất, về chất lượng sản phẩm theo quy trình canh tác và yêu cầu của đơn đặt hàng. Cũng trong chuỗi đó, người sản xuất có trình độ giống như thủ lĩnh và doanh nghiệp bắt tay với họ. Quy mô hợp tác xã tối thiểu phải đạt 1.000ha.

Cho rằng hiện nay nhiều doanh nghiệp rất khó thực hiện liên kết do không tìm được hợp tác xã nông nghiệp đủ mạnh để có thể đứng ra làm đầu mối, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh kiến nghị, để thúc đẩy sản xuất theo chuỗi, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hợp tác xã thông qua bồi dưỡng, nâng cao trình độ và năng lực cho cán bộ quản lý chủ chốt về quản trị, kỹ năng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, kiến thức quản trị; đào tạo về chuyên môn kỹ thuật cho thành viên hợp tác xã áp dụng quy trình công nghệ cao. Cùng với đó, cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã; đẩy mạnh xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm sản xuất theo chuỗi, gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy liên kết, phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; tổ chức củng cố, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung…

Về phía các hợp tác xã, các doanh nghiệp với vai trò là cầu nối, chủ thể dẫn dắt của chuỗi liên kết, phải chủ động tăng cường năng lực quản lý, điều hành, thích ứng bối cảnh, xu hướng phát triển mới, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, liên kết theo hướng công khai, minh bạch. "Quan trọng nhất là phải công khai, minh bạch, tự nguyện, thống nhất, giữ uy tín giữa các bên; không giữ được chữ tín thì không thể liên kết thành công", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/giu-chu-tin-de-lien-ket-thanh-cong-i366253/