Giữ cho mình có cái nhìn bao dung hơn

Ai cũng từng đi qua thời tuổi trẻ nông nổi, bồng bột. Ai cũng từng 'phình' cái tôi của mình thật lớn. Ai cũng từng sai lầm không chỉ một lần…

Nhưng tất cả sẽ đổi thay khi bạn trưởng thành, là khi bạn biết quên đi bản thân để nhìn sang thấu hiểu những người xung quanh. Đó trước tiên là cha mẹ, là anh em, bạn bè, đồng nghiệp… những người gặp gỡ tiếp xúc bạn hàng ngày. Khi đó mới nhìn lại thời tuổi trẻ bật cười “sao hồi đó mình trẻ trâu quá!”.

Người hâm mộ in hình thần tượng. Ảnh minh họa.

Một diễn giả đã từng nói với chúng tôi: Đúng hay sai không phải là điều quan trọng nhất, quan trọng nhất là sự trải nghiệm vì cuộc đời này được xây dựng trên nguyên tắc những phép thử. Tôi đã suy ngẫm rất nhiều về điều anh nói. Có lẽ chúng tôi đã được dạy từ nhỏ rằng chỉ có đúng chứ sai là bị chửi, bị đánh, bị lên án liền lập tức; thành ra chúng tôi rất sợ làm sai, mà càng sợ lại càng co mình không dám trải nghiệm cái mới chỉ ở mãi vùng an toàn. Thành ra chúng tôi tự bằng lòng với cuộc sống hiện tại, tự biện minh bằng đủ lý do mà mục đích cuối cùng chỉ là tránh thất bại ít nhất.

“Cuộc đời này đơn giản chỉ là sự trải nghiệm”, câu nói đó ám ảnh tôi suốt mấy tháng trời. Tôi tự hỏi bản thân mình đã dám trải nghiệm chưa, dám đối mặt với thất bại chưa, và dám đứng lên làm lại từ chỗ mình vấp ngã chưa hay ngã một lần là trốn chạy đi nơi khác. Tôi đã cật vấn bản thân rằng mình đã bao dung với con đủ chưa, chấp nhận được những sai lầm của con chưa, đã hướng dẫn con đứng dậy từ thất bại chưa hay chỉ biết chửi mắng, trách móc. Tôi đã ngồi tự đánh giá lại chính bản thân mình từ trước đến nay đã đủ bao dung với những người xung quanh chưa hay lúc nào cũng chỉ khăng khăng bảo vệ quan điểm của chính mình, phán xét người khác.

Tôi đã hỏi chính mình rất nhiều câu hỏi. Sau mỗi câu hỏi rồi tự trả lời như vậy, tôi ngộ ra được hóa ra sự u mê lớn nhất nằm ở bản thân mình. Vẫn thường nghe người ta bảo “tâm an vạn sự an”, cứ tưởng đơn giản mà hóa ra để làm theo được năm chữ ngắn gọn ấy mình cố gắng cả đời chưa chắc đã đạt được. Có người tu cả đời vẫn chưa bỏ được tham, sân, si trong chính con người mình.

Chúng ta nhìn thấy gì, trước tiên đều sẽ phán xét ngay lập tức. Một cái bĩu môi, một ánh mắt khinh khi, một cái nhếch mép, hay chỉ là một ánh nhìn xa cách… Chúng ta đã quen phán xét mọi thứ theo cái chuẩn đúng/sai mất rồi. Để thay đổi, để bao dung hơn nói thì dễ mà làm lại khó cực kỳ.

Như mới đây thôi, khi giới trẻ đổ xô đi xem show ca nhạc của BlackPink tại Hà Nội, biết bao nhiêu người lớn đã rần rần đưa ra những quan điểm nghe có vẻ nghiêm trọng. Cũng phải, báo đưa tin có bạn trẻ tâm sự phải đi mượn nợ để có đủ tiền mua vé, và cũng chính báo đưa tin sau khi xem ca nhạc xong khán giả vứt cả một núi rác xuống sân vận động. Rất nhiều người phê phán rằng giới trẻ hiện nay sống không có lý tưởng, hâm mộ thần tượng một cách điên cuồng, ba mẹ thì cãi lời, bỏ mặc, lại đi thần tượng một nhóm nhạc. Cũng có một số ít người bênh vực cho rằng hâm mộ ai là quyền tự do của giới trẻ, chỉ cần qua tuổi thanh niên sẽ “chững” hơn thôi, sống có trách nhiệm hơn thôi.

Nhóm nhạc Hàn Quốc BlackPink biểu diễn tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình vào tối 29/7.

Thật ra chuyện hâm mộ thần tượng không phải là chuyện bây giờ mới có, hồi xưa khi chúng ta còn trẻ, chúng ta chẳng phải đã suốt ngày nghêu ngao hát theo những Phương Thanh, Lam Trường, Mỹ Tâm… đó sao. Hay mới đây khi Vũ Linh mất, có biết bao nhiêu người lớn tuổi lặn lội từ quê lên thành phố để đi đưa nghệ sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng. Thế hệ nào cũng có những thần tượng cho riêng mình, phù hợp với sở thích, thị hiếu của riêng mình. Điều này là bình thường, hết sức bình thường. Chẳng qua chúng ta thấy giới trẻ đổ xô đi xem show diễn của bốn cô gái Hàn Quốc nhiều quá, chúng ta thấy giá của show cao quá, chúng ta “sốc”, thế là nổ ra tranh cãi.

Và thực ra, chẳng phải rằng khi người ta trưởng thành sẽ không còn thần tượng ai nữa, chỉ là khi trưởng thành người ta biết tiết chế cảm xúc hơn, không thể hiện bằng hành động thái quá mà thôi. Hơn nữa khi đã trưởng thành người ta hiểu ra rằng thần tượng cũng chỉ là những con người bình thường, cũng có những mặt tốt và mặt chưa tốt nên có cái nhìn bao dung hơn, không hâm mộ mù quáng, không có những hành động “trẻ trâu” nữa.

Chẳng thể đổ lỗi do thời nay internet quá phát triển nên bọn trẻ điên cuồng chạy theo trào lưu số đông được. Mỗi thời đại mỗi khác. Phải biết chấp nhận cái khác, biết thay đổi bản thân mình cho phù hợp. Làm ba mẹ, làm người lớn, cũng nên thay đổi cách nhìn, làm sao để có cái nhìn tôn trọng và bao dung hơn đối với con cái, với những người trẻ tuổi. Nếu con mình có những biểu hiện hâm mộ thần tượng thái quá, tiêu cực quá thì mình phải xem lại cách giáo dục con đã phù hợp chưa. Nên tôn trọng sở thích của con, cuộc sống của con thì con có quyền sống theo ý mình, ba mẹ chỉ là người định hướng chứ không thể sống thay cuộc sống cho con được. Một khi con tìm được con người của chính mình, sức mạnh nội tại của chính bản thân mình thì con sẽ biết cách để tỏa sáng bản thân, có cái nhìn bao dung với người khác, không còn điên cuồng vì hâm mộ một ai đó nữa.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/giu-cho-minh-co-cai-nhin-bao-dung-hon-111079.html