Giữ bình tĩnh khi trò chuyện cùng con cái

Để con trẻ nghe lời, cha mẹ phải giữ bình tĩnh khi trò chuyện, bảo ban trẻ. Nếu bố mẹ thường xuyên nổi nóng, con cái sẽ có xu hướng phản kháng và tỏ ra ngang bướng.

Cha mẹ hãy giữ thái độ bình tĩnh khi trò chuyện cùng con cái. Ảnh: Prudential.

Bên cạnh việc giúp con cảm nhận được sự tử tế, bạn cũng cần làm mẫu cho con xem sự tử tế biểu hiện qua những hành động nào. Yêu cầu con cái chúng ta cư xử tử tế hoặc thể hiện lòng trắc ẩn là chuyện không khó, nhưng nếu không được cha mẹ minh họa cho xem thì chúng sẽ khó tuân theo các quy tắc mà bạn đặt ra. Trong suốt nhiều nǎm làm tư vấn, tôi đã nói chuyện với hàng chục bậc cha mẹ tuyệt vọng về hành vi của con họ: la hét, cáu giận, chửi thề... và các biểu hiện tiêu cực khác nữa.

Tôi nhớ có lần một người mẹ đưa cậu con trai nhỏ của mình đến để được tư vấn, cô buồn bã kể về những hành vi đầy thách thức của cậu con trai, đặc biệt là chửi thề. Cô cũng nêu ra những biện pháp đã thử lâu nay để giúp con trở nên lễ độ hơn nhưng vẫn chưa thấy bất kỳ tiến bộ nào và cô lo lắng không hiểu tại sao con vẫn liên tục lặp lại những hành vi đầy ngang bướng đó.

Sau vài buổi tư vấn, tôi tình cờ nghe thấy cô ấy nói chuyện điện thoại trong lúc ngồi ở phòng chờ, và cô đã chửi thề, mặc dù không hề thô thiển, chỉ là để nhấn mạnh vấn đề. Đó cũng không phải là một bà mẹ tồi; cô ấy chỉ quên mất rằng con trai mình đang chứng kiến những điều này. Rõ ràng là, hành vi của người mẹ không tương thích với những gì cô ấy đang yêu cầu con trai mình thực hiện. Đây là lý do chính khiến cô gặp khó khǎn trong việc điều chỉnh hành vi chửi thề ở cậu bé.

Ví dụ trên nhấn mạnh một điều, nếu chúng ta không làm gương thì trẻ sẽ không nghe theo lời khuyên của chúng ta. Điều này đúng với hầu hết các hành vi, bao gồm cả sự tử tế. Trẻ em cần được chứng kiến lòng tốt và tự mình cảm nhận nó thì mới hiểu rằng việc đối xử tốt với người khác là điều đáng giá như thế nào.

Chúng ta thường nghĩ chỉ cần đối xử tốt với con mình là đủ mà quên không làm điều tương tự với những người khác (gia đình, bạn bè, người lạ), và tất cả những điều này khiến bọn trẻ cảm thấy bối rối. Đối xử tốt với con mình là việc khá dễ thực hiện; vì bạn nhận thức được rằng ở độ tuổi hoặc giai đoạn phát triển đó, tìm cách tương tác với con và đặt kỳ vọng gì ở con sẽ cần rất nhiều sự kiên nhẫn.

Tuy nhiên, bạn có thể không dành mức độ kiên nhẫn tương tự cho mọi người xung quanh. Người bạn đời có thể bắt gặp gương mặt não nề của bạn khi bạn trở về nhà sau một ngày dài, hoặc có thể bạn đang vội vã hoặc sắp trễ giờ làm nên quay qua cằn nhằn đứa con lớn phải đi đứng nhanh lên.

Việc đặt những kỳ vọng khác nhau cho mỗi người trong cuộc sống là điều rất bình thường, nhưng nó có thể khiến trẻ lúng túng vì chúng có xu hướng tư duy rất cụ thể và phân biệt trắng đen rõ ràng về mọi thứ.

Bạn cũng có thể dễ dàng đối xử tốt với những người quen biết hơn là với người lạ. Mặc dù có nhiều lý do chính đáng đằng sau những hành động không thống nhất đó, nhưng khi bắt gặp bạn xử sự phân biệt như vậy, con bạn có thể hiểu rằng không phải ai cũng nên nhận hoặc xứng đáng được nhận lòng tốt của chúng.

Rachel Tomlinson/ Gieobooks & NXB Văn học

Nguồn Znews: https://znews.vn/giu-binh-tinh-khi-tro-chuyen-cung-con-cai-post1469337.html