Giọt nước nghĩa tình - mùa 2 năm 2024: Giải cơn khát đồng bằng

Nhắc đến các hoạt động cứu trợ thường gắn với lương thực, thực phẩm, y tế, sách vở cho các em học sinh, nhà cho người nghèo... Nhưng chương trình do Chuyên đề Công an TPHCM đang kêu gọi lại liên quan đến nước. Miền Tây đang khát giữa lúc không khí nóng hực, người đi cõng nước, cây trái quắt queo, lúa chết đỏ đồng...

Bà con miền Tây quay quắt giữa hạn mặn

Hình ảnh miền Tây sông nước nhưng lại đang lâm cảnh đại hạn khiến nhiều người bàng hoàng. Trên các trang báo, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh người dân ngồi bên cạnh đống can nhựa thức chờ thâu đêm. Có những câu chuyện khiến ai cũng nghĩ không phải xảy ra ở miền Tây, giống như những hòn đảo xa bờ vào thập niên 90 của thế kỷ trước, đó là tắm xong thì giữ lại nước để giặt quần áo hoặc đem đi tưới cây.

Năm 2020, Báo Công an TPHCM (nay là Chuyên đề Công an TPHCM) thực hiện Chương trình "Tiếp sức đồng bằng vượt qua hạn mặn". Đơn vị đã phối hợp với Công an tỉnh Tiền Giang, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre tổ chức trao hàng vạn lít nước ngọt cho dân nghèo. Tổng cộng đơn vị đã phối hợp trao tặng bà con 5.832 bồn chứa, 25.600 bình, thùng nước uống, 32 hệ thống lọc nước mặn, 200 máy lọc nước sạch, 8 điểm cấp nước (16 bồn loại 2m3), 18 điểm nước uống miễn phí, 10.000 can nhựa (20 lít), 57 chuyến tàu, sà lan, ghe cấp trên 47.500m3...

Ngày trước, về miền Tây, cứ vào buổi sáng tinh mơ hoặc lúc chiều hôm, trong gió thoảng thường mang theo mùi của sông nước - bùn lầy, bèo trôi, cây cỏ... Còn giờ đây, miền Tây khát và trong gió thoảng mùi đất khô, mùi cỏ cháy, mùi của bụi và lá khô. Những tháng ngày này, ngay từ sáng sớm hoặc lúc nửa đêm, trên đường quê vẫn thấp thoáng bóng cha mẹ già tần tảo với chiếc xe đẩy cố gắng vét hoặc xin từng can nước ngọt. Miền Tây thiếu nước, ghe nằm chết trên những dòng sông, con suối cạn trơ đáy. Khung cảnh buồn đến nao lòng!

Bà Nguyễn Thị Dậu cùng Ban Biên tập Báo Công an TPHCM trong một lần tặng cầu và quà cho người dân nghèo Trà Vinh

Một bộ phim nổi tiếng ở Việt Nam là Mêkông ký sự được quay cách đây 20 năm. Sông Mêkông bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Tạng của Trung Quốc, chảy qua các quốc gia Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia rồi sang Việt Nam. Đầu nguồn là Tử Khúc Hà, Trác Khúc Hà và Ngang Khúc Hà, nằm ở độ cao hơn 4.360 mét. Điểm chung và xuyên suốt của bộ phim là cuộc sống thanh bình của các dân tộc bên dòng Mêkông. Ai cũng nghĩ con sông này sẽ mãi chảy, cuộc sống của cư dân đầu dòng, cuối khúc dập dìu trên sông từ đời này sang đời khác... Nhưng 20 năm sau, con sông này đã kiệt dòng vì gần 500 thủy điện được xây trên đó. Nếu bây giờ thực hiện tiếp Mêkông ký sự thì sẽ là một ký sự buồn, cư dân cuối dòng chảy này đang quay quắt khát, khi các tỉnh Cà Mau, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh... đang bị nước mặn xâm nhập!

Tiếp nối hành trình cùng ĐBSCL vượt qua khó khăn

Chuyên đề Công an TPHCM từng đăng loạt bài về cơn khát của miền Tây. Khó thể tưởng tượng ra được vùng đất có 9 dòng sông chở nặng phù sa, đổ ra biển nhưng bây giờ lại trở thành những con kênh chảy ngược. Cơn khát ở các làng quê nằm sâu trong nội địa khiến nước biển âm thầm chảy ngược, lấn sâu vào xứ miệt vườn. Trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, nước mặn tiến vào 80km; còn sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên, sông Hậu đều bị nước biển tiến sâu vào 45 - 65km.

Những cánh đồng khô cạn ở miền Tây theo các chuyên gia là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trữ lượng nước thấp ở Biển Hồ và dòng chảy của sông Mêkông bị chặn bởi các dự án thủy điện ở thượng nguồn. Năm 2020, Chuyên đề Công an TPHCM đã có loạt bài Tiếng gọi đồng bằng khát, đưa ra viễn cảnh trong tương lai, kêu gọi người dân bắt đầu thích ứng với những gì sẽ diễn ra, phỏng vấn các chuyên gia hàng đầu trên thế giới về cuộc sống của người dân ở cuối dòng Mêkông trong tương lai.

Bồn nước bê-tông do bà Dậu Sài Gòn tặng từ năm 2016 vẫn được người dân Bến Tre bảo quản, sử dụng tốt

Ở loạt bài đó, ông Brian Eyler - chuyên gia nghiên cứu về sông Mêkông - chia sẻ: "Hơn 3.000 năm qua, mỗi năm dòng Mêkông đều tải khoảng 150 triệu tấn trầm tích về đồng bằng hạ lưu để bồi đắp. Lượng lớn trầm tích kẹt lại ở những con đập là các chất "nặng" hơn, dẫn đến hiện tượng sông bị "đói" và nước vì thế cũng trở nên "nhẹ” hơn. Nước càng "nhẹ” thì càng chảy mạnh và nhanh, có thể cuốn phăng đất đá hai bên bờ gây sạt lở, kèm với nước biển xâm nhập sâu vào trong sông". Những gì chuyên gia Eyler cảnh báo giờ đã thành sự thật!

Trong chuyến công tác về Đồng bằng Sông Cửu Long mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã động viên bà con nông dân và phát biểu rằng: "Người dân miền Tây cần tự trữ nước cho mùa khô... Địa phương cần tính toán kết nối với các nhà máy để đưa nước sạch về cho người dân, bố trí lại địa bàn dân cư phù hợp...".

Những ngày này, chúng tôi về miền Tây và nghe văng vẳng lời bài hát Mùa nước nổi: "Quê tôi mênh mông mùa nước nổi/Con nước sông Tiền chảy xuống miệt Cà Mau/Miền Tây cây trái xanh muôn màu...". Bài hát ấy một thời được cất lên với vẻ tư lự, cứ vui đi cho hết ngày tháng, cứ sống chầm chậm vì quanh ta luôn đầy ắp cá, tôm... Còn bây giờ, lời bài hát lại gợi lên ước mơ sông nước róc rách khi nào mới trở về với miền Tây?

Báo Công an TPHCM khởi động Chương trình Giọt nước nghĩa tình - mùa 2 năm 2024. Phát động chương trình này, chúng tôi không thể quên những nghĩa cử ân tình mà các nhà tài trợ đã đồng hành trong mùa 1 năm 2020. Có những tấm lòng luôn được người dân nhắc đến, trong đó có bà Nguyễn Thị Dậu (bà con gọi thân mật là "Bà Dậu Sài Gòn"), người có tầm nhìn xa khi đã tài trợ 200 chiếc bồn chứa nước xây bằng bê-tông kiên cố cho bà con. Những bồn chứa này được dùng hứng nước mưa tích trữ đủ cho 3 - 5 hộ dân sinh hoạt qua mùa hạn mặn.

VĂN CHƯƠNG - DUY TRUNG

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tu-thien/giai-con-khat-dong-bang_161206.html