Giọt nước mắt vì học trò của HLV trưởng U19 Việt Nam

HLV Hoàng Anh Tuấn khóc không phải vì muốn có thành tích để giữ ghế HLV trưởng. Những giọt nước mắt của ông xuất phát từ tận đáy lòng của một người thầy hết lòng vì cầu thủ trẻ.

Sau vòng chung kết U19 châu Á 2016, phần lớn lứa cầu thủ của HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ chia tay đội tuyển U19 Việt Nam, để chuẩn bị bước lên sân chơi chuyên nghiệp.

Đây cũng chính là lý do khiến HLV Hoàng Anh Tuấn khóc ngon lành trước mắt học trò trong phòng thay đồ ở trận U19 Việt Nam vs U19 Iraq. Bởi ngoài thành tích vào tứ kết ở giải châu Á 2016, ông Tuấn đã nhìn xa hơn, vì đây chính là trận đấu mang tính "định giá" lứa cầu thủ U19 Việt Nam mà vị HLV người Khánh Hòa đang dẫn dắt.

Mác tuyển thủ giúp U19 Việt Nam ghi tên vào lịch sử, lần đầu tiên giành vé vào tứ kết giải U19 châu Á sẽ còn được báo chí, truyền thông nhắc mãi về sau. Điều này giúp các học trò của ông có giá hơn khi chuyển nhượng hoặc ký hợp đồng chuyên nghiệp với các CLB trong nước, sau khi chia tay đội tuyển U19 Việt Nam.

Thêm nữa, từ sau cột mốc này, những người có ý định so sánh U19 Việt Nam kém cỏi hơn lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh chắc sẽ phải suy nghĩ kỹ hơn trước khi buông lời. Bởi thành tích các học trò của HLV Hoàng Anh Tuấn đạt được hôm nay tốt hơn bất kỳ lứa U19 Việt Nam nào trong lịch sử bóng đá nước nhà.

HLV Hoàng Anh Tuấn giành sự quan tâm, lo lắng cho tương lai của các cầu thủ trẻ, vì ông coi học trò như chính những người con trong gia đình. Ảnh: Tùng Lê.

"Thầy Tuấn nặng lòng với bọn em lắm. Có lần, thầy nói là huấn luyện viên thì vất đâu cũng sống được, mặc kệ dư luận. Nhưng cầu thủ trẻ mà không có thành tích, đá đâu cũng bị chỉ trích thì sau này khó mà rạng danh, rồi chuyển nhượng cũng sẽ bị chèn ép, gặp nhiều thiệt thòi", cầu thủ U19 Việt Nam trải lòng về sự quan tâm, lo lắng của thầy Tuấn dành cho toàn đội.

Có thể nhiều người nghĩ HLV Hoàng Anh Tuấn khóc vì ông muốn có thành tích với U19 Việt Nam để giữ ghế HLV trưởng, nhưng sự thật không phải như vậy. Những giọt nước mắt của ông xuất phát từ tận đáy lòng của một người thầy hết lòng vì cầu thủ trẻ.

Sau khi từ vòng chung kết U19 châu Á 2016 trở về nước, HLV Hoàng Anh Tuấn tin rằng sẽ có nhiều đội bóng chào đón cầu thủ U19 Việt Nam, sẵn sàng ký những bản hợp đồng dài hạn với số tiền lót tay không nhỏ để ghi nhận sự cố gắng của các học trò.

HLV Hoàng Anh Tuấn ăn mừng cùng ban huấn luyện sau khi U19 Việt Nam giành vé vào tứ kết giải U19 châu Á 2016.

Ở nước ngoài có thể khác, nhưng tại Việt Nam, đa số cầu thủ xuất thân từ gia đình nghèo. Bên cạnh đam mê, cầu thủ chọn nghề là để có thu nhập ổn định. Tiền bạc không phải tất cả, nhưng nó giúp gia đình họ vượt qua khó khăn, giúp cuộc sống tương lai của họ và những người thân yêu no đủ.

Tuy nhiên, ở bất kỳ môi trường bóng đá nào, không phải tất cả cầu thủ đều thuận buồm xuôi gió để có lót tay tiền tỷ, lương vài chục triệu đồng mỗi tháng khi chuyển giao từ lứa cầu thủ trẻ lên ký hợp đồng ở sân chơi chuyên nghiệp.

Tất cả đều phải đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt. Thậm chí, có những cầu thủ đánh đổi mãi mà vẫn không đi đến cái kết có hậu. Vậy để biết, nghề quần đùi, áo số hào nhoáng chỉ là vẻ bề ngoài, phía sau đó là sự cạnh tranh khốc liệt và có phần nghiệt ngã.

Nếu U19 Việt Nam để thua đậm U19 Iraq tối qua (20/10), nếu U19 Việt Nam không giành vé vào tứ kết giải U19 châu Á 2016, 22 học trò của HLV Hoàng Anh Tuấn có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn.

Lúc này, trong đội hình U19 Việt Nam đã có một số cầu thủ chập chững lên sân chơi chuyên nghiệp ở V.League như Hà Đức Chinh (Quảng Ninh), Bùi Tiến Dũng (Thanh Hóa), Phan Thanh Hậu (HAGL)... Tuy nhiên, các em đang thi đấu dưới hợp đồng cho mượn giữa đơn vị đào tạo và CLB chủ quan. Đương nhiên, các em không có tiền lót tay, không có mức lương hàng chục triệu đồng mỗi tháng như gia đình kỳ vọng.

Trong khi đó, lứa U19 Việt Nam dưới thời HLV Graechen đã có những thu nhập ở mức nhất định. Cụ thể, Công Phượng sang Mito Hollyhock với bản hợp đồng trị giá hơn 2 tỷ, mức lương gần 70 triệu đồng mỗi tháng. Bên cạnh đó là Xuân Trường, Tuấn Anh cũng ở mức tương tự hoặc cao hơn.

Ở mặt bằng trong nước, cựu tuyển thủ U19 Việt Nam như thủ môn Phí Minh Long, tiền vệ Phạm Đức Huy, Đỗ Duy Mạnh cũng có mức lương gần 30 triệu đồng mỗi tháng khi ký hợp đồng chuyên nghiệp với CLB chủ quản Hà Nội T&T ở V.League, chưa kể các khoản thưởng thành tích sau mỗi trận thắng, sau mỗi giải đấu.

Hà Giang

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/giot-nuoc-mat-vi-hoc-tro-cua-hlv-truong-u19-viet-nam-post691449.html