Giông tố nào đang chờ nước Pháp khi 'mở đường' dự luật gây tranh cãi?

Tòa án Hiến pháp của Pháp đã phê chuẩn các yếu tố chính trong dự luật cải cách lương hưu của Tổng thống Emmanuel Macron, một quyết định có thể làm hài lòng nhà lãnh đạo nước này, nhưng lại chưa thể hài lòng chính người dân.

Quyết định gây tranh cãi

Hội đồng Hiến pháp Pháp ngày 14/4 (giờ địa phương) đã phê chuẩn các điều khoản quan trọng trong dự luật cải cách hưu trí gây tranh cãi của Tổng thống Emmanuel Macron, bao gồm việc tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64.

Tuy nhiên, Hội đồng đã bác bỏ 6 đề xuất, bao gồm nỗ lực buộc các công ty lớn công bố dữ liệu về số lượng người trên 55 tuổi mà họ tuyển dụng , và một ý tưởng riêng biệt nhằm tạo ra một hợp đồng đặc biệt cho những người lao động lớn tuổi.

Tòa án đồng thời bác bỏ yêu cầu của phe cánh tả nhằm tổ chức trưng cầu dân ý về luật hưu trí thay thế, theo đó giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu ở tuổi 62.

Người biểu tình xuống đường phản đối dự luật do chính quyền của Tổng thống Macron đưa ra. Ảnh: RT

Mặc dù vậy, phán quyết này vẫn mở đường cho Tổng thống Macron thực hiện những cải cách lớn về vấn đề nghỉ hưu vốn đang tạo nên làn sóng phản đối tại Pháp, với nhiều tháng biểu tình và đình công đã diễn ra trong cộng đồng người lao động.

Al Jazeera cho rằng, dù phán quyết này thể hiện chiến thắng "nghiêng" về ông Macron, nhưng nó cũng có thể khiến nhà lãnh đạo Pháp phải trả giá đắt trong việc định vị hình ảnh cá nhân với chính người dân của mình.

“Hãy kiên trì, đó là phương châm của tôi,” Macron chia sẻ ngày 14/4 (giờ địa phương), trong bối cảnh hàng nghìn người đã tập trung bên ngoài tòa thị chính Paris phản đối quyết định của Hội đồng Hiến pháp.

Phản ứng ngay lập tức

Do lo ngại các cuộc tụ tập trái phép có thể gây áp lực đối với việc đưa ra quyết định, cảnh sát Paris đã ban hành lệnh cấm biểu tình gần Hội đồng Hiến pháp đến sáng 15/4.

Tuy nhiên, các cuộc biểu tình quy tụ hàng trăm người đã đồng loạt nổ ra ở các thành phố khác, bao gồm Marseille và Toulouse và ở Lyon, nơi cảnh sát phải sử dụng hơi cay để giải tán người biểu tình. Tại Rennes, những người biểu tình đã đốt cháy lối vào của một đồn cảnh sát, trong khi các đám cháy khác cũng bùng phát trong thành phố.

Các cuộc biểu tình diễn ra liên tục tại Pháp trên diện rộng, với nhiều cuộc biểu tình trở thành bạo lực. Ảnh: RT

Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin chia sẻ trên Twitter: “Các cuộc tấn công ở Renne, vốn được thực hiện bởi những tên côn đồ quyết tâm chống lại đạo luật, là không thể chấp nhận được".

Trong khi đó, lãnh đạo công đoàn CGT Sophie Binet cho biết: “Tất cả các liên đoàn lao động đang kêu gọi Tổng thống thể hiện sự khôn ngoan, lắng nghe và hiểu những gì đang xảy ra trong nước và không ban hành luật này".

Trong một tuyên bố chung, các công đoàn cho biết đây là “cách duy nhất để xoa dịu sự tức giận trong nước”.

Tháng trước, một cuộc đình công của các công nhân từ chối thu gom rác ở Paris đã khiến thủ đô tràn ngập 10.000 tấn rác không được dọn dẹp, trong khi các dịch vụ xe lửa, nhà máy lọc dầu và trường học đã bị ảnh hưởng do ngừng hoạt động thường xuyên kể từ đầu năm.

Khoảng 380.000 người đã xuống đường trên toàn quốc hôm 13/4 yêu cầu chính quyền của ông Macron từ bỏ dự luật này. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ trong số gần 1,3 triệu người đã tham gia biểu tình vào giai đoạn đỉnh điểm nhất hồi tháng 3 vừa qua.

Tổng thống Pháp liệu có "xuống thang"?

Những người phản đối đạo luật này cho rằng đạo luật không công bằng đối với những người lao động phổ thông bắt đầu làm việc từ sớm, trong khi có những người chỉ trích rằng đạo luật đã cắt xén quyền được nghỉ hưu dài hạn của người lao động.

Mức độ ủng hộ ông Macron đang ở mức thấp nhất thời gian qua. Ảnh: Politico

Trên thực tế, ngay cả sau khi cải cách, tuổi nghỉ hưu mới ở Pháp vẫn thấp hơn các nước châu Âu cùng nhiều nước phát triển khác, khi các chính phủ này quy định tuổi nghỉ hưu hưởng đầy đủ trợ cấp hưu trí là 65 và dần tiến tới độ tuổi 67.

Tổng thống Macron đã nhiều lần gọi sự thay đổi này là “cần thiết” để tránh thâm hụt lương hưu hàng năm được dự báo sẽ đạt 13,5 tỷ euro (14,8 tỷ USD) vào năm 2030, theo số liệu của chính phủ.

“Tôi tự hào về mô hình xã hội của Pháp và tôi bảo vệ nó, nhưng nếu chúng ta muốn làm cho nó bền vững, chúng ta phải lao động nhiều hơn”, ông nói trong khuôn khổ chuyến công du đến Hà Lan hai ngày trước.

“Chúng ta phải tái công nghiệp hóa đất nước. Chúng ta phải giảm tỷ lệ thất nghiệp và chúng ta phải tăng số lượng công việc được giao trong nước. Cải cách lương hưu này là một phần của nó”, Tổng thống Pháp nhấn mạnh.

Tổng thống Macron trước đó nói ông sẵn sàng chấp nhận mất lòng người dân với luật cải cách hưu trí. Ông đang trong nhiệm kỳ hai và không thể tái tranh cử năm 2027. Kết quả một cuộc thăm dò ngày 19/3 cho thấy chỉ 28% người được hỏi ủng hộ ông Macron, thấp nhất kể từ cao điểm phong trào "Áo Gile vàng" phản đối chính phủ năm 2018-2019.

An Nhiên

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/giong-to-nao-dang-cho-nuoc-phap-khi-mo-duong-du-luat-gay-tranh-cai--i690162/