Giới trẻ và "cơn sốt" Karik

PN - Thử tìm trên Google, sẽ thấy đến hơn 1.200.000 kết quả liên quan đến Karik (Phạm Hoàng Khoa). Giới trẻ Việt, đặc biệt là lứa tuổi mới lớn đang phát “cuồng” với những bản nhạc của rapper mới nổi này. Ra đường, dễ bắt gặp tuổi teen đang nhép môi theo lời của những bài 3 thằng bạn, Hai thế giới, Em là ngôi sao… Điều đáng nói là chàng “ca sĩ kiêm nhạc sĩ” sinh năm 1989 này thu hút nhờ… những ca từ tục tĩu, thiếu văn hóa.

Choáng! Điều phản cảm đầu tiên có thể thấy ở Karik là lối xưng hô “tao-mày” được dùng cả trong bài hát. Tay rapper này tự bạch: “Tao rap những gì tao thấy, tao nghe, tao mặc kệ người đời nhận xét gì về tao vì mỗi người mỗi quan điểm, mỗi cuộc sống, mỗi hoàn cảnh khác nhau... Đôi khi tụi mày cho là những suy nghĩ của tao lệch lạc trong một thời điểm, nhưng khi mày va chạm những gì tao đã từng gặp, mày sẽ hiểu được lời bài hát của tao tại sao như vậy”. Thật choáng! Dù có trí tưởng tượng phong phú đến mấy, và dù có cái nhìn thoáng đối với giới trẻ đến đâu, cũng khó chấp nhận được cách phát ngôn bất chấp và chợ búa đến vậy. Và đúng rằng “người làm sao, của chiêm bao làm vậy”, Karik đã đặt bút viết được những lời như thế này: “Tao có một thằng bạn thân khá là bản lĩnh/ Lúc nào mở miệng cũng nói chơi chung với tao không hề toan tính/ Nhưng sau lưng thì lại đâm chọt để cho tao mất bạn tình/ What the f.! (lời chửi tục-PV)/ nhiều khi tao không dám tin đó là bạn mình!/ Nhưng không sao! Sống như vậy cũng hay/ Nhờ vậy tao mới tìm được điểm chung của đám súc vật và mày/ Đề cao vậy thôi! Chứ thua xa chó nhà tao…” (lời bài 3 thằng bạn). Rapper Karik - Ảnh: Dunkare.com Mặc dù vậy, 3 thằng bạn vẫn được cộng đồng trẻ trên mạng nhận xét là một trong những bài rap thành công nhất của Karik và thậm chí, một số bạn còn hát lại bài này, quay video, tung lên trang Youtube.com! Với những bài về tình yêu, Karik cũng thể hiện một cách thiếu văn hóa không kém: “Em thích villa anh vẫn lo…/ Chỉ cần em chơi với anh là cả thế giới này thuộc về em…/ Anh lớn lên từ đường phố chỗ xe hơi không có đường vô/ Chỗ công nhân ăn mì bằng xô, mỗi khi mưa xuống hứng nước bằng tô/ Chỗ em gọi là căn hộ còn chỗ anh ở họ gọi là ổ…”. “Nhạc sĩ” này sáng tác khá nhiều, chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng có thể lên đến gần 100 bài, với nhiều “chủ đề”. Có bài, Karik còn khái quát lối sống của giới trẻ, bằng cái nhìn xỉn màu chẳng kém màu “âm nhạc” của anh. Nhạc sĩ “tự kỷ” được đón nhận nồng nhiệt (?!) Trong phần tự bạch, Karik nêu: “Đôi khi thấy mình tự kỷ nặng nhưng không cần người tâm sự”. Karik chia sẻ với cộng đồng mạng rằng, anh bắt đầu tập viết rap khi còn học lớp 10 Trường Nguyễn Thái Bình (TP.HCM). Tức anh có đi học (ít nhất là lớp 10), nhưng cách xưng hô trong phát ngôn, cũng như lời lẽ trong bài hát thể hiện thì… Chắc Karik hiểu, cộng đồng mạng gồm nhiều người, nhiều độ tuổi khác nhau, vậy Karik xưng “mày-tao” với ai? Đáng báo động là dù cho những bài rap của Karik “rẻ tiền” đến vậy, nhưng giới trẻ vẫn đón nhận nồng nhiệt. Nhiều cư dân mạng phong anh là “Vua thể loại Life” hay “Thiên tài nhạc rap”... Số lượng fan hâm mộ Karik tăng lên từng ngày và các clip của rapper này tràn ngập trên các trang âm nhạc dành cho giới trẻ. Tháng 7/2010, lần đầu tiên clip ca khúc Khu tao sống do Karik trình bày xuất hiện trên trang chia sẻ video Youtube.com, chỉ sau tám tháng, số lượt người xem đã vượt qua con số 1.400.000 lượt. Các bài khác như 3 thằng bạn, Em là ngôi sao cũng được đón nhận nồng nhiệt không kém. Trên diễn đàn luongthevinh.com.vn, một bạn có nick abc123 đã nhận xét: “Thật tuyệt vời. Em đã đợi rất lâu để được thưởng thức cái gọi là rap Việt. Khóc mất, sung sướng quá!”. Còn nickname danchoi12 đã viết trên blog của mình rằng: “Karik viết nhạc có hơi tục, nhưng viết như thế mới hay. Em là con gái nhưng em cũng thích sự mạnh mẽ, dám nói thẳng vào sự thật cuộc sống của anh Karik…”. Thật hết biết! Rap vốn xuất xứ từ tầng lớp lao động nghèo ở Mỹ. Cái gốc của dòng nhạc này chính là phản ứng với bất công, tìm niềm vui trong bất hạnh, tìm tương lai trong bế tắc, được thể hiện qua ca từ của người lao động nghèo. Nhưng đâu phải cứ người lao động là nói năng thô tục và thiếu văn hóa? Rap đang dần được thế giới công nhận như một thể loại giải trí lành mạnh. Nhưng nếu rap theo kiểu của Karik, và theo kiểu của những người phát cuồng theo Karik, thì… thật đáng lo! Trần Triều Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết: “Những bài hát của “người lớn” có thẩm mỹ âm nhạc khác biệt so với cảm nhận của giới trẻ, đặc biệt là tuổi mới lớn, khiến các bạn trẻ phải đi tìm thứ âm nhạc cho riêng mình. Giới trẻ rất thích những gì mới lạ, thích những bài có ca từ mạnh mẽ. Thế nên, khi gặp những bài rap kiểu như của Karik là họ dễ đón nhận một cách vồ vập, thích thú. Trong sự đón nhận đó, tất nhiên là các bạn trẻ dễ bỏ qua những ca từ thiếu văn hóa. Mê một bản nhạc có ca từ tục tĩu, cũng chưa làm cho người nghe bị băng hoại về nhân cách, nhưng điều đó ảnh hưởng không nhỏ trong thói quen cư xử, giao tiếp”.

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/honnhan-giadinh/2011/Pages/gioi-tre-va-con-sot-karik.aspx