Giới trẻ ở TP.HCM ngồi vỉa hè uống trà đào, trà dâu tối cuối tuần

Sau giãn cách, quán trà dâu cô Thọ (đường Đông Du, quận 1) không biển hiệu hay bàn ghế vẫn có thể bán hơn 1.000 ly mỗi ngày.

Tối 22/10, sau khi chạy xe máy dạo một vòng quanh khu vực quận 1 (TP.HCM), Thanh Triệu (19 tuổi) và Minh Hiếu (16 tuổi) quyết định chọn công viên sát Nhà thờ Đức Bà làm nơi hóng mát.

Trên đường từ nhà ở quận 8 tới đây, đôi bạn không quên mua 2 ly nước và một bịch bánh tráng, vừa ăn vặt, vừa ngồi trò chuyện trên ghế đá.

“Lâu lắm chúng mình mới đi dạo phố. Hai đứa chọn ngồi công viên vì nơi này có thể ngắm phố xá tấp nập, lại rộng rãi và đảm bảo khoảng cách với người khác”, Triệu nói với Zing.

Thanh Triệu (bên phải) và Minh Hiếu ngồi trò chuyện trên ghế đá tại công viên gần Nhà thờ Đức Bà.

Ngồi vỉa hè

Thanh Triệu cho biết anh có chút buồn khi thấy đường phố TP.HCM vắng vẻ hơn sau hơn 4 tháng giãn cách.

“Trước kia, các tụ điểm giới trẻ như phố đi bộ Nguyễn Huệ, Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát Thành phố náo nhiệt hơn, nhưng như thế này đã vui lắm rồi. Mình là F0 khỏi bệnh, nên càng thấy cơ hội được dạo phố như vậy quý giá”.

Cách Thanh Triệu, Minh Hiếu không xa, hàng chục bạn trẻ khác cũng đang vui chơi, trò chuyện rôm rả. Họ lựa chọn những chiếc ghế đá trong công viên hoặc lót giấy ngồi ngay dưới gốc cây, chia nhau vài chai nước và bịch đồ ăn vặt như bánh tráng, xoài lắc...

Minh Phú cùng 4 người bạn của mình nằm trong số đó. Nam sinh viên 21 tuổi đi từ TP Thủ Đức lên Nhà thờ Đức Bà gặp gỡ bạn bè, cảm thấy khá bất ngờ bởi khu vực này không còn đông đúc như trước đây.

“Trước dịch, chúng mình thường hẹn nhau ở vỉa hè cho thoáng đãng và thoải mái. Sau nhiều tháng quay trở lại, mình thấy khu vực này đã vắng đi khá nhiều", Minh Phú cho hay.

Nhóm bạn của Minh Phú ngồi bệt vỉa hè, vừa trò chuyện, uống nước, vừa chơi đàn guitar.

Minh Phú cũng tâm sự bản thân cậu khá lo lắng nguy cơ lây nhiễm virus, do vậy đã chủ động nhắc nhở nhóm bạn ngồi giãn cách so với những người xung quanh, đồng thời hạn chế tiếp xúc với người lạ.

Xếp hàng mua trà dâu, trà đào

Trong khi đó, tại những tiệm đồ uống quen thuộc của giới trẻ ở quận 1 như trà dâu, trà đào, khách hàng cũng phải ngồi ăn uống ngay trên vỉa hè hoặc yên xe máy bởi tiệm chưa phục vụ tại chỗ.

Tiệm Trà sữa Bố Già nằm bên cạnh Nhà hát Thành phố không còn những dãy ly nhựa, dụng cụ pha chế. Tiệm chỉ bày 2-3 thùng lạnh cùng túi lớn đựng hàng chục cốc trà. Hơn nữa, tiệm chỉ bán 2 món mang đi: trà đào sữa và trà đào miếng.

Hàng chục bạn trẻ xếp hàng chờ mua nước uống tại tiệm Trà sữa Bố Già.

Khách tới mua xếp hàng dài, nhanh chóng lựa chọn trong 2 thức uống trên rồi rời đi. Cứ khoảng 20 phút, thùng lạnh đã hết sạch nước, nhân viên lại tiếp thêm 1-2 thùng đồ uống mới để phục vụ nhu cầu của người mua.

“Hôm nay, chúng mình định mua 4 ly trà đào sữa nhưng tới lượt thì lại hết mất. Lâu lắm mới xuống phố hóng mát, cả nhóm đành mua trà đào miếng. Dù không quá hợp ý, nhưng mình thấy hương vị ngon hơn bình thường. Chắc do lâu rồi không thưởng thức món này”, Duy Tuấn (18 tuổi) nói với Zing.

Thanh Thương (ngoài cùng, bên trái) cùng nhóm bạn tiếc nuối bởi không mua được món đồ uống yêu thích.

Nhóm của Thanh Thương (21 tuổi) cũng có cảm xúc tương tự khi nghe nhân viên của tiệm thông báo hết trà đào sữa.

“Mình may mắn chỉ phải chờ 5 phút thôi, nhưng lại không có nhiều lựa chọn về thức uống. Mỗi ly có giá 20.000 đồng, tăng 5.000 đồng so với trước đây. Tuy nhiên, mình thấy mức tăng này không đáng kể”, Thương chia sẻ.

Thay vì đem đồ uống ra công viên đối diện ngồi trò chuyện, nhóm bạn của Thương quyết định mua mang về, vừa đi vừa uống trên đường để đảm bảo quy định phòng dịch.

Khách hàng dừng xe, mua trà dâu trên đường Đông Du.

Còn tại quán trà dâu cô Thọ trên đường Đông Du, không khí mua bán đồ uống cũng rất sôi động. Quán nước chỉ bày bán tại vỉa hè, không biển hiệu hay bàn ghế nhưng có đến 5-6 nhân viên cùng làm việc.

“Uống gì hả em? Trà dâu chua, ngọt hay vừa?” - một nữ nhân viên đon đả khi thấy chiếc xe máy dừng trước quán.

Người này cũng nhanh chóng tính tiền cho khách, trong khi những người khác tất bật pha chế, giao đồ hoặc thu dọn.

Chia sẻ với Zing, nhân viên cho biết quán bán hàng từ 16h-22h mỗi ngày, tuy nhiên những đồ uống được ưa thích thường hết khá sớm. Từ sau giai đoạn giãn cách xã hội, quán chưa có được lượng khách đông đảo như trước đây nhưng trung bình mỗi ngày đều có thể bán được hơn 1.000 ly nước.

“Khách nên đến sớm thì chúng tôi mới còn trà dâu. Nhiều ngày, khoảng 21h-22h, chúng tôi đã hết dâu rồi, chỉ còn đồ uống khác khiến nhiều khách khá tiếc nuối”, nhân viên cho hay.

Quán trà dâu Cô Thọ bán hơn 1.000 ly nước mỗi ngày.

Hồng Phượng (23 tuổi) cùng 2 người bạn đã ghé quán mua trà dâu, sau đó mang đến Nhà hát Thành phố thưởng thức. Thay vì ngồi lại vỉa hè gần quán như nhiều người khác, nhóm bạn muốn tìm đến một góc vắng hơn nhằm tránh tập trung đông người.

“Mình đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19, bạn mình lại là F0 đã khỏi bệnh, chúng mình khá yên tâm để lên phố chơi thế này. Tuy nhiên, cả nhóm cũng bảo nhau rằng nên đảm bảo giãn cách, vì thế đã chọn một góc khuất để cùng uống trà dâu”, Phượng nói.

Các bạn trẻ hào hứng khoe thành quả mua trà dâu sau nhiều tháng giãn cách xã hội.

Xuân Uyên (19 tuổi, quận 1) lại dừng chân ở quán trà dâu Hồng Hiền quen thuộc trên đường Đông Du, gọi 5 ly trà dâu mang về.

Thay vì nhận đồ tận tay từ nhân viên như trước dịch, cô chỉ gọi đồ, gửi tiền, sau đó lấy ly trà từ chiếc rổ đặt trước quán để đảm bảo giãn cách với người khác.

“Trước đây, mình mua trà xong sẽ ngồi tại chỗ, hoặc đem qua mạn Nhà hát Thành phố, phố đi bộ ngồi vừa uống nước, vừa ngắm đường phố và hòa vào không khí náo nhiệt. Giờ chỉ có thể mua mang về, mình có chút buồn, nhưng hiểu đây là quy định. Sắp tới khi được ngồi tại chỗ trở lại, mình mong có thể nán lại lâu hơn, trò chuyện với bạn bè”.

Thục Hạnh, Trang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gioi-tre-o-tphcm-ngoi-via-he-uong-tra-dao-tra-dau-toi-cuoi-tuan-post1272574.html