Giới trẻ đang đánh đổi điều gì khi làm thế hệ 'cú đêm'

Hiện nay, giới trẻ hiện đại được xem là thế hệ 'cú đêm' khi phần lớn bạn trẻ có thói quen ngủ muộn. Nhiều người coi việc thức quá 24h là điều hiển nhiên, mà họ không biết rằng về sức khỏe, có thể đối mặt với hệ lụy khôn lường.

Thức khuya triền miên khiến sức khỏe giảm sút, gây ra một số bệnh nguy hiểm (Ảnh minh họa)

Không “cú đêm” tại nhà, thì làm thêm buổi đêm để tăng thu nhập

Đối với nhiều người trong giới trẻ, ban đêm là thời điểm lý tưởng để bắt đầu làm việc và sáng tạo. Hầu hết người trẻ thường xuyên làm việc về đêm là những người làm việc tự do (freelance), editor,... không bị bó buộc thời gian trong ngày và buổi đêm là thời điểm được cho là giúp các bạn tập trung tốt hơn.

Làm công việc sáng tạo nội dung đã hơn 2 năm, Bạn Ngọc Mai (22 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Mình đã có thói quen ngủ muộn từ khi lên đại học đến giờ, mình thường thức khuya để làm việc vì mình thấy không gian về đêm khá yên tĩnh, không bị phân tâm bởi nhiều tiếng ồn nên giúp mình tập trung tư duy và có nhiều ý tưởng sáng tạo hơn.”

Không chỉ những người đi làm, ngay cả thế hệ sinh viên thay vì học và làm việc vào thời gian ban ngày, nhiều sinh viên vẫn chọn cách thức xuyên đêm với lý do chạy deadline.

Bạn Vũ Thị Thùy (sinh viên năm 3, Học viện Báo Chí và Tuyên truyền) cho biết: “Ban ngày em đi học và làm thêm việc part-time nên tối về thường ăn uống, nghỉ ngơi và giải trí. Em thường chạy deadline vào buổi tối vì em cảm thấy có thể tập trung hơn và hiệu quả cũng tốt hơn”.

Dù biết thức khuya là không tốt, nhưng thay vì sắp xếp lại thời gian sinh hoạt, Thùy vẫn lựa chọn để dành công việc đến đêm vì không thể bỏ thói quen thức khuya đã lâu của mình.

Không làm “cú đêm” tại nhà, một số bạn trẻ khác dấn thân vào công việc buổi đêm để tăng thu nhập như làm shipper đêm, làm ca đêm tại các cửa hàng tiện lợi...

Ngọc Mai thường thức đến 2h-3h sáng để làm việc vì cho rằng ban đêm là việc hiệu quả hơn (Ảnh: Mai Phương Thảo)

Chia sẻ với phóng viên, bạn Tô Thị Thủy (sinh viên năm 4, Đại học Lao động và Xã hội): “ Mình chọn làm ca đêm ở kho hàng của các hãng giao hàng, mình cũng biết thức đêm thì cơ thể dễ bị mệt mỏi nhưng vì lương ca đêm cao hơn nhiều nên mình vẫn chấp nhận và cố ngủ bù vào ban ngày thôi.”

Hoa thường làm việc từ 6h sáng đến 6h sáng sau đó về ăn uống và ngủ để tiếp tục công việc vào buổi chiều.

Giới trẻ duy trì thói quen thức khuya ngày càng tăng

Với những công việc sáng tạo nội dung tại nhà có thu nhập trung bình khoảng 3 triệu/tháng, đối với công việc ca đêm bên ngoài thì thu nhập phụ thuộc vào số giờ làm và số sản phẩm trong tháng.

Đối với nhiều bạn trẻ số tiền đó có thể giúp các bạn chi trả một phần chi phí trong cuộc sống. Nhưng việc chấp nhận thức khuya trong thời gian dài sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe.

Bạn Mai Thương Linh (25 tuổi, Mai Dịch, Hà Nội) tâm sự, khi còn là sinh viên mình đã từng làm việc đêm ở cửa hàng tiện lợi để dành thời gian buổi sáng cho nhiều việc khác. Tuy công việc không có gì nặng nhọc nhưng vì phải thức đêm trong thời gian dài nên mình cảm thấy sức khỏe giảm sút rõ rệt, cơ thể luôn trong trạng thái uể oải, mệt mỏi.

“Đỉnh điểm là năm 3 đại học mình thường xuyên đau bụng, khi đi khám mình được chẩn đoán đã bị viêm loét dạ dày do thức đêm và ăn uống không khoa học. Dù nghỉ việc đã lâu nhưng đến tận bây giờ mỗi đợt công việc căng thẳng mình lại bị tái lại, rất khó để chữa dứt điểm, bây giờ mới thấy tai hại của thức đêm”, Linh chia sẻ thêm.

Giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z là độ tuổi có nhiều sức trẻ, chưa bị ảnh hưởng quá nhiều từ việc thức khuya nhưng về lâu về dài, việc thức khuya sẽ khiến sức khỏe giảm sút nghiệm trọng.

Tác hại của việc thức khuya đã được tuyên truyền trên khắp các trang thông tin, các bạn trẻ rất nhạy bén trong tiếp cận thông tin trên internet, biết rõ hậu quả nhưng đôi khi vẫn nhắm mắt bỏ qua, nhiều sinh viên không có kế hoạch làm việc, mang tâm lý “nước đến chân mới nhảy” rồi làm việc từ đêm khuya đến tận sáng.

Một số thì phải làm thêm những công việc ca đêm dẫn đến cơ thể mệt mỏi, tâm lý căng thẳng khiến cho hiệu quả công việc không cao. Đáng lo ngại hơn nữa là số lượng các bạn trẻ duy trì thói quen thức khuya đang ngày một gia tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả một thế hệ lao động trẻ, gây tác động tiêu cực đến nguồn lực phát triển kinh tế của đất nước.

Ban đêm là lúc cơ thể nghỉ ngơi lấy lại năng lượng sau ngày dài hoạt động. Các bạn phải hiểu rằng công việc chỉ là công cụ để chúng ta duy trì cuộc sống, sức khỏe mới là quan trọng nhất. Từ đó từng bước thay đổi thói quen xấu, đảm bảo giấc ngủ khoa học, đúng giờ.

Mai Phương Thảo

Dân sinh

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/gioi-tre-dang-danh-doi-dieu-gi-khi-lam-the-he-cu-dem-20240415120723776.htm