Giới trẻ 'cày đêm' và những nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe

Thức đêm, ngủ muộn là thói quen của nhiều người, nhất là giới trẻ. Theo các bác sĩ, điều này mang đến nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Đã nhiều tháng nay, anh Dương Việt Cường, sinh viên Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang đều đi ngủ vào khoảng 2 giờ sáng. Lý do ban đầu khiến anh thức khuya như vậy là vì năm học cuối, anh có nhiều bài tập phải hoàn thành nên cần có không gian yên tĩnh, độ tập trung cao. Sau một thời gian thay đổi lịch sinh hoạt, việc thức khuya giờ trở thành thói quen của anh Cường. Vì vậy dù nhiều hôm không có bài tập anh vẫn thức muộn và "giết" thời gian bằng cách xem phim, chơi game. Do luôn phải thức dậy vào hơn 6 giờ để đi học nên điều này khiến chàng sinh viên năm cuối nhiều lần đến lớp trong trạng thái mệt mỏi, tinh thần rệu rã.

Nhiều người trẻ có thói quen thức muộn để làm việc, chơi game.

Dù biết việc thức khuya có hại cho sức khỏe nhưng vì đang làm thêm tại quán ăn đêm nên thời gian sinh hoạt, nghỉ ngơi hằng ngày của anh Nguyễn Hoàng Anh ở xã Mai Trung (Hiệp Hòa) lệch với các thành viên khác trong gia đình. Khi anh đi làm về đã quá nửa đêm. Anh Hoàng Anh nói: “Dù đi làm về khá mệt nhưng đặt lưng lên giường rồi lướt web một lúc tôi lại tỉnh như sáo và khó vào giấc.

Có những thời điểm mất ngủ kéo dài nửa tháng khiến tôi thường xuyên đau đầu, mệt mỏi, sức lực như bị vắt kiệt. Tôi đang cố gắng điều chỉnh lại thời gian sinh hoạt, làm việc để cải thiện sức khỏe”. Bà Nguyễn Thị Hoài ở xã Xuân Hương (Lạng Giang) cho biết, bà khá lo lắng khi con trai liên tục thức khuya trong khoảng thời gian dài. Bà Hoài nói: "Con trai tôi thường xuyên thức khuya đến 1-2 giờ sáng để chơi game, xem Facebook. Mặc dù, tôi đã nhắc nhở nhiều lần nhưng con nói đến giờ đó mới buồn ngủ".

Lối sống về đêm đang trở thành xu hướng của giới trẻ hiện nay khi mà công nghệ 4.0 và chuyển đổi số ngày càng phát triển song đây là thói quen có hại. Theo một khảo sát gần đây do Báo Thanh Niên thực hiện đối với hơn 2 nghìn học sinh, sinh viên ở 80 trường học về thời gian đi ngủ thì có 66,2% trả lời thường ngủ sau 23 giờ đêm, trong đó tới 20% ngủ sau 0 giờ và 16,4% ngủ sau 1 giờ sáng. Điều này cho thấy tình trạng thức khuya trong giới trẻ đang ở mức báo động. Người trẻ có thói quen sử dụng thường xuyên các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính vào ban đêm.

Thức đêm, ngủ muộn có hại cho sức khỏe.

Qua khảo sát này cũng cho thấy, người trẻ thức khuya với nhiều lý do khác nhau, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất với 61,5% là xem mạng xã hội; số còn lại là học bài, xem phim, chơi game và làm việc khác. Sóng điện từ, ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử là nguyên nhân gây hại cho hệ thần kinh và mắt. Lối sống thiếu khoa học làm cho hormone melatonin (hormone quyết định giấc ngủ) bị rối loạn, từ đó gây ra chứng mất ngủ ở người trẻ.

Sóng điện từ, ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử là nguyên nhân gây hại cho hệ thần kinh và mắt. Lối sống thiếu khoa học làm cho hormone melatonin (hormone quyết định giấc ngủ) bị rối loạn, từ đó gây ra chứng mất ngủ ở người trẻ.

Thói quen thức quá khuya làm đảo lộn đồng hồ sinh học của cơ thể, thiếu ngủ dẫn đến tình trạng căng thẳng thần kinh, rối loạn sức khỏe tâm thần như: Trầm cảm, rối loạn lo âu, suy giảm trí nhớ.

Theo bác sĩ Mạc Hoàng Dương, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), trong hai năm trở lại đây, số bệnh nhân là thanh niên bị rối loạn hành vi, nhận thức điều trị tại khoa có xu hướng tăng, phần lớn trong số đó có chung một nguyên nhân là thiếu ngủ.

Các bệnh nhân này đều mắc chứng suy giảm trí nhớ. Trong đó có học sinh làm đâu quên đó, tâm tính thay đổi đến mức rối loạn hành vi và nhận thức. Ông cảnh báo, nếu tiếp tục thức khuya, thiếu ngủ kéo dài liên tục sẽ dẫn đến trầm cảm, thay đổi chức năng hormone, thay đổi tính cách, suy giảm trí nhớ và mắc các bệnh lý về thần kinh.

Về mặt sinh học, mỗi người cần ngủ đủ 8 tiếng/đêm. Thời điểm từ 21 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau là thời gian quan trọng để các bộ phận nội tạng trong cơ thể nghỉ ngơi và thải độc. Quá trình thải độc chỉ diễn ra khi cơ thể đã ngủ sâu. Nếu việc thải độc không diễn ra hoặc diễn ra chậm, các độc tố sẽ tích tụ là mầm mống gây nên nhiều bệnh tật. Duy trì việc thức khuya trong thời gian dài sẽ là mối nguy hiểm cho sức khỏe và tinh thần.

Do đó, mỗi người cần bố trí thời gian học tập, làm việc, giải trí khoa học, tạo phản xạ đi ngủ, thức dậy đúng giờ. Với những cá nhân có vấn đề rối loạn giấc ngủ cần kịp thời tới gặp bác sĩ để được tư vấn, điều chỉnh. Để giấc ngủ sâu, trước khi đi ngủ cần tránh sử dụng chất kích thích; tắt máy tính, điện thoại, ti vi để không bị tác hại của ánh sáng xanh; đọc sách, tắm nước ấm hoặc tập yoga trước khi đi ngủ khoảng nửa giờ.

Bài, ảnh: Thu Thủy

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/nhip-song-tre/417788/gioi-tre-cay-dem-va-nhung-nguy-co-anh-huong-suc-khoe.html