Giới khoa học lo ngại khi không có sự hợp tác của Nga

Không có sự hỗ trợ của Nga, các nhà khoa học khí hậu lo lắng về việc duy trì công việc ghi lại dữ liệu về tình trạng ấm lên tại Bắc Cực.

Rocket của Nga được phóng tại sân bay vũ trụ Kourou ở French Guiana năm 2019. Ảnh: AP

Rocket của Nga được phóng tại sân bay vũ trụ Kourou ở French Guiana năm 2019. Ảnh: AP

Trong khi đó, các cơ quan vũ trụ châu Âu phải đau đầu giải quyết bài toán liên quan đến các tàu thăm dò Sao Hỏa sẽ tồn tại thế nào trong môi trường lạnh cóng khi thiếu đi thiết bị cung cấp nhiệt của Nga.

Ngoài ra, số phận của lò phản ứng năng lượng nhiệt hạch thí điểm tại Pháp với sự hợp tác của 35 quốc gia cũng mơ hồ khi không thể vận chuyển các linh kiện quan trọng của Nga. Hiện nay, Nga nằm trong 7 nước cùng chia sẻ chi phí và kết quả từ dự án thí điểm này.

Hãng thông tấn AP (Mỹ) đánh giá mối quan hệ hậu Chiến tranh Lạnh dựa trên cầu nối khoa học giữa Nga và phương Tây đang gặp nhiều khó khăn khi các quốc gia phương Tây tìm cách trừng phạt Moskva, trong đó có việc ngừng ủng hộ các chương trình khoa học liên quan đến Nga.

Các nhà khoa học cảnh báo rằng cả hai phía có thể đều phải hứng chịu hậu quả. Công việc liên quan biến đổi khí hậu và các vấn đề khác sẽ khó khăn và mất thời gian hơn nếu thiếu hợp tác.

Các nhà khoa học Nga và phương Tây đã phụ thuộc vào chuyên môn của nhau khi cùng hợp tác trong giải quyết các vấn đề hóc búa của khoa học.

Ảnh minh họa về tàu thăm dò Sao Hỏa của ESA mà Nga và châu Âu cùng hợp tác. Ảnh: AP

Ảnh minh họa về tàu thăm dò Sao Hỏa của ESA mà Nga và châu Âu cùng hợp tác. Ảnh: AP

Một ví dụ là tàu thăm dò Sao Hỏa của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). Hàng loạt cảm biến do Nga sản xuất để nghiên cứu môi trường Sao Hỏa có thể phải tháo rời và thay thế. Bên cạnh đó, châu Âu sẽ phải sử dụng bệ phóng tên lửa không phải của Nga nếu hợp tác của hai phía bị cắt đứt. Như vậy, kế hoạch phóng tàu thăm dò dự định thực hiện trong năm nay khó có thể triển khai trước năm 2026.

Giám đốc ESA Josef Aschbacher chia sẻ: “Ngừng mọi hợp tác đã có là một quá trình vô cùng phức tạp và tổn thương. Việc phụ thuộc vào nhau tất nhiên tạo ra sự ổn định và tin tưởng. Và đây là điều chúng ta đang và sẽ đánh mất do xung đột Nga-Ukraine”.

Các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga khiến việc hợp tác trở nên khó khăn. Các nhà khoa học đã trở thành bạn bè và duy trì liên lạc nhưng nay mất kết nối về các dự án lớn nhỏ của họ. Liên minh châu Âu (EU) đã gạt các thực thể Nga khỏi quỹ 105 tỷ USD dành cho nghiên cứu, ngưng chi trả và cảnh báo không có thêm hợp đồng mới. Tại Đức, Anh và nhiều nơi khác, chi phí và hỗ trợ dành cho các dự án có sự tham gia của Nga đã bị rút dần.

Tại Mỹ, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã cắt đứt quan hệ với một trường đại học nghiên cứu mà chính MIT đã hỗ trợ thành lập ở Moskva. Trường đại học lớn nhất tại Estonia tuyên bố không nhận sinh viên mới từ Nga.

Nhà khoa học Đức Markus Rex than phiền rằng cuộc nghiên cứu quốc tế ông dẫn đầu tại Bắc Cực trong năm 2019-2020 sẽ trở nên bất khả khi nếu thiếu các tàu của Nga để phá băng và cung cấp thực phẩm, nhiên liệu cho các tàu nghiên cứu. Ông nói: “Thật sự là ác mộng bởi Bắc Cực đang thay đổi nhanh chóng”.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/gioi-khoa-hoc-lo-ngai-khi-khong-co-su-hop-tac-cua-nga-20220328154939721.htm