Giới đầu tư đổ xổ vào ngành khai khoáng của châu Âu

Một lần nữa, chứng khoán ngành khai thác tài nguyên châu Âu đã thu hút giới đầu tư trở lại. Họ muốn nắm bắt cơ hội sau khi Trung Quốc quyết định những biện pháp phục hồi kinh tế.

Chỉ số chứng khoán Stoxx 600 của ngành khai thác khoáng sản trên toàn châu Âu đã giảm 15% trong năm nay, cho thấy đây là lĩnh vực có hoạt động kém nhất trong khu vực, chỉ sau ngành bất động sản (giảm 4,5% trong cùng kỳ). Trong khi đó, phân phối là lĩnh vực hoạt động tốt nhất, với mức tăng 27%.

Kim loại và khoáng sản thường được săn đón ở châu Âu, giúp họ tiếp cận Trung Quốc - nước tiêu thụ nguyên liệu thô lớn nhất trên toàn thế giới. Thế nhưng, lĩnh vực này đã giảm tăng trưởng, hệt như thực tế hiện nay của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc cất cánh trở lại. Họ chỉ có một đợt tăng tốc ngắn ngủi sau khi đã dỡ bỏ những chính sách phòng ngừa Covid-19 vào mùa đông năm trước. Trên thực tế, đất nước này phải đối mặt với một khoản nợ khổng lồ, hình thành nên từ nhiều thập kỷ đầu tư vào cơ sở hạ tầng và sự suy thoái của thị trường bất động sản - một thị trường trọng điểm trong nền kinh tế.

Reuters đã thực hiện một cuộc khảo sát với các nhà kinh tế và công bố kết quả trong tuần này. Theo đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc dự kiến sẽ chỉ tăng 5% trong năm nay - mức chậm nhất từ năm 1990, nếu trừ ra những năm bùng phát dịch Covid-19.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, Bắc Kinh đã thực hiện nhiều biện pháp cụ thể nhằm hỗ trợ những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, thúc đẩy chỉ số ngành khai khoáng thoát khỏi mức thấp nhất từ 31 tháng qua. Trong tháng vừa rồi, chỉ số Stoxx 600 của ngành đã tăng chỉ từ 2,5% lên đến gần 10%.

Ông Nathan Sweeney - Giám đốc đầu tư của công ty Marlborough Investment Management, cho biết: “Trung Quốc đang xây dựng lại bức tường phục hồi, nhưng họ đặt một lần một viên gạch. Đến một lúc nào đó, mọi người sẽ nhận ra rằng họ đã xây dựng xong bức tường, nhưng điều đó không xảy ra ngay lập tức”.

Chiết khấu hơn 20%

Trong 3 tháng qua, Trung Quốc đã nới lỏng quy định mua và vay nhà ở. Quốc gia này cũng thực hiện nhiều biện pháp giảm thuế mới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và đầu tư tư nhân trong một số lĩnh vực cơ sở hạ tầng nhất định.

Theo ông Nathan Sweeney, loạt biện pháp này có thể đóng vai trò làm chất xúc tác cho sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất kim loại và khai thác mỏ.

Chỉ số trong ngành tài nguyên thiên nhiên thấp hơn chỉ số Stoxx 600 những 20%. Theo LSEG Datastream, tỷ lệ giá/thu nhập (P/E) 12 tháng của ngành khai thác là 9,8 so với 12,3 của những phần khác của thị trường.

Chỉ số của một số đối thủ nặng ký trong ngành như Glencore và Boliden đã giảm hơn 20% kể từ đầu năm, còn Anglo American thì giảm đến 30%, so với mức tăng 7,5% của Stoxx 600.

Quặng đồng và sắt không có xu hướng giảm nhiều. Tại Sàn giao dịch kim loại London, giá đồng theo hợp đồng kỳ hạn ba tháng vẫn ổn định từ đầu năm với mức 8.380 USD/tấn, còn giá quặng sắt theo kỳ hạn ba tháng ở Singapore tăng gần 9,0%.

Các nhà phân tích đã đưa ra nhiều dự đoán dựa vào sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực nguyên liệu thô. Morningstar ước tính rằng nước này chiếm hơn 50% nhu cầu đồng tinh luyện và 70% giao dịch quặng sắt qua đường biển. Do đó, giá đồng sẽ không bị giảm nhiều.

Ông Peter Mallin-Jones - nhà phân tích khai thác mỏ tại ngân hàng đầu tư Peel Hunt của Vương quốc Anh, cho biết: “Rõ ràng quốc gia có nhu cầu lớn về kim loại cơ bản là Trung Quốc. Tôi cảm thấy khá lạc quan vì tôi thấy những dấu hiệu đáng kể về nhu cầu kim loại cơ bản ở những thị trường bị thắt chặt về nguồn cung”.

Chuyển dịch năng lượng

Theo ông Peter Mallin-Jones, quá trình chuyển dịch năng lượng của thế giới, trong bối cảnh theo đuổi nền kinh tế khử carbon, có thể dẫn đến sự gia tăng đáng kể nhu cầu từ những nước đang phát triển như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Nigeria.

Đồng là xương sống của ngành điện lực và điện tử. Nguyên liệu này cũng rất cần thiết cho việc hiện đại hóa mạng lưới điện, xây dựng những trang trại điện mặt trời và gió, cũng như sản xuất xe điện.

Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ nâng công suất sản xuất năng lượng mặt trời lên mức kỷ lục trong năm nay. Mỹ sẽ nhắm đến mục tiêu 32 GW, còn Trung Quốc là 95 - 120 GW.

Ông Daniel Major - nhà phân tích chuyên về kim loại và khai thác mỏ tại Ngân hàng UBS, cho biết: “Đây là một con số khổng lồ, giúp hỗ trợ đáng kể nhu cầu đồng, và ở một mức độ nào đó, là nhu cầu nhôm”.

Tuy nhiên, ông Daniel Major không nghĩ rằng những biện pháp phục hồi kinh tế của Trung Quốc sẽ dẫn đến sự bùng nổ về nhu cầu nguyên liệu thô, như đã chứng kiến vào giai đoạn sau năm 2008 - thời điểm hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Do đó, nhà phân tích của UBS đưa ra khuyến nghị "bán" đối với những công ty khai thác nhiều loại khoáng sản đa dạng như Rio Tinto và BHP Group và ưu tiên mua từ những doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp hơn với đồng.

Trong năm nay, chỉ số của Antofagasta - tập đoàn khai thác đồng lớn nhất châu Âu dựa theo vốn hóa thị trường, cũng như KGHM (Ba Lan) và Aurubis (Đức), đều giảm chưa đến 12%. Thành tích tổng quan của họ tương đối vượt trội so với những tập đoàn khai thác nguyên liệu đa dạng như Glencore, Rio Tinto và Anglo American - với mức giảm từ 14% đến 35%.

Ông Nathan Sweeney của Marlborough Investment Management cho biết: “Thực tế là lĩnh vực này hiện đang trở nên rất hấp dẫn và có rất nhiều tin xấu sắp xảy ra”.

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/gioi-dau-tu-do-xo-vao-nganh-khai-khoang-cua-chau-au-694476.html