Gió vào nhà trống

Sau trận lũ quét kinh hoàng tháng 10-2022, người dân xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) được cấp ủy, chính quyền, nhân dân nhiều địa phương yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ, hỗ trợ khôi phục cuộc sống, đến nay cuộc sống của bà con đã dần ổn định.

Dẫu còn khó khăn nhưng các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tà Cạ đã được đến trường với niềm tin trong trẻo vào thầy, cô giáo, vào các bác bí thư, trưởng bản, cựu chiến binh và cán bộ cấp trên khi họ về thăm, động viên, khích lệ.

Vậy mà, cái tin thầy Hà Thắm Cảnh, hiệu trưởng của các em vừa bị bắt tạm giam và bị khởi tố vì hành vi chiếm đoạt tiền, quà tài trợ, ủng hộ bão lụt và một số sai phạm khác, đối với các em học sinh tiểu học non nớt, thật không thể nào tin được. Làm sao có thể tin được, bởi ví dụ mỗi em được các tấm lòng hảo tâm tặng 5 cuốn vở thì thầy hiệu trưởng chỉ trao cho 3 cuốn? Số tiền 147,5 triệu đồng mà thầy chiếm đoạt làm của riêng không chỉ gây tác hại, làm tổn thương niềm tin trong tâm hồn các em học sinh mà còn làm xói mòn niềm tin của các tấm lòng nhân ái.

Gia đình bà Vang Thị Bình, khối 1, Thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) bị lũ cuốn đi toàn bộ tài sản nhưng nhờ sự giúp đỡ của chính quyền, các nhà hảo tâm nên nay cuộc sống đã trở lại bình thường. Ảnh minh họa: Văn Tý/TTXVN

Tà Cạ, Kỳ Sơn sau lũ quét, nhiều nhà dân, công sở, trường học tường đổ kềnh, trống hoác, gió núi lùa vào rét lạnh căm căm. Tiền bạc, áo quần, lương thực, mì tôm, sách vở cứu trợ từ miền xuôi, cả nước ủng hộ đổ vào, cứ như gió vào nhà trống. Đã thế, một ông hiệu trưởng ở đó lại làm cho nhà trống thêm vì lòng tham của mình.

Đã đến lúc mọi cấp, mọi ngành, tổ chức và cá nhân làm công tác từ thiện và tiếp nhận từ thiện cần phải thực hiện nghiêm túc hơn Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Theo đó, một trong những điều nghiêm cấm là “Báo cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật; chiếm đoạt; phân phối, sử dụng sai mục đích, không đúng thời gian phân phối, đối tượng được hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện”. Nghị định số 93/2021/NĐ-CP cũng quy định rõ quy trình tiếp nhận, quản lý và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện, không tạo ra “khoảng trống”, tạo cơ hội cho tham ô, lãng phí hoành hành. Thử hỏi nếu 147,5 triệu đồng kia không phải là tiền tài trợ mà là ngân sách, kinh phí nhà nước cấp cho trường để khắc phục hậu quả lũ lụt thì có dễ bị chiếm đoạt như vậy không? Tiền, hàng tài trợ chở đến lúc đang ngổn ngang công tác cứu hộ, cứu nạn, biên lai, chứng từ thu, chi, con dấu, người làm chứng đều “phiên phiến”, không rõ ràng... là những kẽ hở khiến cho “gió vào nhà trống”.

Bên cạnh đó còn có những đổ vỡ, “khoảng trống” trong nhân cách, đạo đức của một số cán bộ, đảng viên, công chức. Đó là nơi mà lòng tham, sự mưu cầu hưởng thụ bất công nảy sinh đã phá hủy tâm hồn, xui khiến họ chỉ nhăm nhăm lợi ích cá nhân. Hỏi rằng bao nhiêu tiền của mới có thể lấp đầy những “khoảng trống” tối tăm đó, gió bao nhiêu cho đủ khi gian nhà trống hoác mọi bề?

Luật pháp, đạo đức cùng dư luận và từng người trong xã hội phải nỗ lực đấu tranh, xây dựng, tạo nên những bức tường vững chãi, giữ lại yêu thương tốt đẹp cho cộng đồng, đừng để gió xấu, gió độc lùa vào gian nhà trống thiếu người che chắn.

TRẦN HOÀI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/gio-vao-nha-trong-720055