Giỗ Tổ Hùng Vương nhắc nhở bao điều

Đã từ rất sớm, dù kỹ thuật và công nghệ thô sơ, người Việt đã khai phá Hoàng Sa, Trường Sa và đó là phần lãnh thổ máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.

Dân tộc Việt Nam tự hào là con cháu Rồng - Tiên. Truyền thuyết Rồng - Tiên viết về khởi nguồn của dân tộc Việt đã viết: Sau khi lấy Âu Cơ sinh ra một trăm người con trai, Lạc Long Quân và Âu Cơ chia đôi, 50 con theo cha xuống biển, 50 con theo mẹ về rừng để cùng nhau chia giữ và bảo vệ đất nước. Như vậy là ngay từ buổi ấy, dân tộc chúng ta đã ý thức về việc giữ gìn giang sơn, bờ cõi không chỉ trên đất liền mà còn trên biển cả.

Dân tộc nào trên thế giới cũng có cách giải thích về nguồn gốc ra đời của dân tộc mình. Chẳng hạn với người Nhật Bản là con cháu của Nữ thần Mặt trời, tổ tiên người Pháp là gà trống Gaulois… Đừng ai dùng cái đầu khoa học để hỏi rằng nữ Nữ thần Mặt trời sinh ra người Nhật Bản, vậy nam thần là ai? Cũng vậy, đừng ai đặt câu hỏi rằng gà trống sao lại có thể sinh con.

Truyền thuyết không phải khoa học, truyền thuyết cũng khó dùng cái đầu để giải thích mà phải dùng trái tim, bởi như nhà bác học người Pháp Louis Pasteur từng nói: Trái tim có lý lẽ riêng của nó. Truyền thuyết đi vào mỗi người qua ngả trái tim, nó khó đi vào bằng cái đầu, cái đầu là lý trí, là khoa học. Truyền thuyết bao giờ cũng được bao phủ bởi một màn sương huyền thoại, vì vậy, nó luôn luôn chứa đựng những điều thú vị, bí mật, bất ngờ và kích thích con người luôn muốn tìm tòi và khám phá.

Truyền thuyết về khởi nguồn của dân tộc Việt, về 18 đời Vua Hùng vẫn là câu hỏi lớn mà lịch sử cần tiếp tục giải mã, song, những di chỉ mà giới khảo cổ học khai quật gần đây ngày càng chứng minh rằng thời đại Hùng Vương là có thật, nền văn hóa Đông Sơn là có thật. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của mình, ngay từ buổi bình minh của lịch sử, dân tộc chúng ta đã tạo dựng nên một nền văn hóa đặc sắc trong đa dạng với nhiều giá trị về văn minh.

Hãy quay trở về ngày mà cha mẹ chúng ta tạm thời chia tay nhau, đó có phải là cuộc ly thân lớn nhất của dân tộc ta? “Nghìn năm trước con theo cha xuống biển/ Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa” (Tổ quốc nhìn từ biển - Nguyễn Việt Chiến). Rừng là dương, biển là âm; cha Lạc Long Quân là dương, mẹ Âu Cơ là âm.

Cha là dương nên dẫn con về biển để tìm về với âm; mẹ là âm nên dẫn con về rừng, tức tìm về với dương. Theo thuyết ngũ hành, tất cả vạn vật đều phát sinh từ năm nguyên tố cơ bản và luôn trải qua năm trạng thái là: hỏa ( ), thủy ( ), mộc ( ), kim ( ), thổ ( ). Năm trạng thái này được gọi là Ngũ hành ( ). Học thuyết Ngũ hành diễn giải sinh học của vạn vật qua hai nguyên lý cơ bản sinh ( ) còn gọi là tương sinh và khắc ( ) hay tương khắc. Chỉ có âm - dương hòa hợp mới giúp cho vạn vật sinh sôi nảy nở và trường tồn. Dân tộc chúng ta trường tồn và phát triển vững bền hôm nay chắc hẳn được gieo mầm từ những điều thiêng liêng ấy.

Có phải buổi chia tay của cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ là lời nhắc nhở mỗi chúng ta về sự đoàn tụ, thống nhất. Phàm ở đời, cứ thiếu cái gì thì người ta luôn mơ về điều ấy. Người đói mơ được ăn cơm, những người khát nước mơ được uống nước… Một dân tộc ngay từ buổi bình minh đã phải chia ly nên dân tộc ta luôn hướng về đoàn tụ và thống nhất. Có lẽ vì vậy mà trong lịch sử dân tộc chúng ta, đất nước có lúc chia, song rồi lại hợp. Trịnh - Nguyễn phân tranh kéo dài trong khoảng 150 năm, thực dân Pháp đô hộ, 3 kỳ là 3 thực thể khác nhau, Hiệp định Genève “cắt đất ngăn miền” 21 năm nhưng rồi cuối cùng cũng thống nhất vì với dân tộc này, xu hướng chủ đạo là hợp, không phải là tan.

Cha - mẹ chúng ta đã phải chia tay nhau, chia tay nhau ra đi để trở về, chia tay nhau ra đi để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Vì cha xuống biển, mẹ lên rừng nên người Việt gọi Tổ quốc mình với tên gọi bình dị: đất nước.

Trong tâm thức của người Việt, không gian sinh sống không chỉ là đất mà còn bao gồm cả nước, đó là sông hồ, là biển cả bao la. Cũng chính vì những bước chân đầu tiên cha Lạc Long Quân dẫn con xuống biển nên suốt hàng ngàn năm qua, dân tộc Việt là một dân tộc hướng biển.

Đã từ rất sớm, dù kỹ thuật và công nghệ thô sơ, người Việt đã khai phá Hoàng Sa, Trường Sa và đó là phần lãnh thổ máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Suốt bao đời, ngư dân miền Trung xem ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường truyền thống nuôi sống người Việt.

Trên thế giới này, có lẽ hiếm có dân tộc nào như dân tộc Việt Nam, bởi quan niệm được sinh ra từ một nguồn cội nên người Việt gọi nhau bằng hai tiếng thân thiết: đồng bào. Gần đây, không hiểu vì lý do gì mà hiện tượng kỳ thị Bắc - Nam có vẻ ngày càng thịnh. Cứ mở mạng lên, nhất là vào một số trang Facebook là tràn ngập những bình luận kỳ thị Bắc - Nam với những lời lẽ cực đoan. Bài thơ “Lên lão” của Nguyễn Khuyến có đoạn:

“Ông chẳng hay ông tuổi đã già, Năm nay ông cũng lão đây mà. Anh em, làng xóm xin mời cả, Xôi bánh, trâu heo cũng gọi là”.

Người Việt xưa ở miền Bắc cũng đã từng gọi con lợn là con heo. Có thể heo là tiếng địa phương, lợn là từ thông dụng. Có lẽ gọi lợn là con heo đã theo chân những lưu dân Việt đi dần về phương Nam để rồi nó trở thành tiếng gọi thông dụng. Vậy nên người miền Bắc gọi con lợn nhưng lại “nói toạc móng heo”, người miền Nam gọi “con heo” mà lại có “bánh da lợn”. Nếu những ai có tư tưởng cực đoan, chia rẽ vùng miền, kỳ thị Bắc - Nam xin hãy nhớ chúng ta đều từ một gốc sinh ra nên mới gọi nhau 2 chữ thân thương: “đồng bào”.

Cũng bởi được sinh ra từ nguồn cội ấy nên trong huyết quản mỗi người Việt đều chảy chung dòng máu yêu nước thiết tha. Những lúc bình thường người Việt hiền hòa với ruộng lúa, nương dâu, bãi biển; khi đất nước có ngoại xâm, chỉ cần nghe cất lên hai tiếng đồng bào thì dòng máu yêu nước trong mỗi người lại sôi lên sùng sục để vượt lên sợ hãi, hiểm nguy bảo vệ non sông, nòi giống…

Giỗ Tổ Hùng Vương nhắc nghĩ bao điều!

Vũ Trung Kiên

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/gio-to-hung-vuong-nhac-nho-bao-dieu-a171505.html