Gìn giữ và phát huy nghề bó chổi ở xứ cù lao

Nghề bó chổi cọng dừa ở ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) đã có gần 50 năm qua, nhưng chỉ mới phát triển, mở rộng trong vài năm trở lại đây. Điều đáng trân quý là theo thời gian, nghề thủ công truyền thống này không bị mai một nhờ sự chịu khó bám nghề của nhiều người dân. Những người thợ bó chổi ở xứ cù lao không chỉ gắn bó, gìn giữ nghề mà còn nỗ lực mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con địa phương.

Từ 3 giờ sáng, cả nhà chị Huỳnh Thị Thúy, ở ấp Phước Hòa A đã bắt đầu công việc của ngày mới. Trong khi chị Thúy soạn cọng dừa, phân chia số lượng để giao cho thợ thì chồng chị là anh Nguyễn Văn Sĩ tất bật tề chổi, chất thành phẩm lên xe chuẩn bị cho chuyến giao hàng sớm. Mỗi ngày, cơ sở sản xuất của chị Thúy xuất bán hơn 2.000 cây chổi các loại, giao cho khách hàng trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận. Hơn tháng nay, chị Thúy mở thêm chi nhánh bó chổi ở tỉnh Trà Vinh nên công việc bận rộn hơn hẳn, cả nhà phải san sẻ công việc mới kịp hàng giao cho khách.

Kể về nghề bó chổi, chị Thúy tâm sự cởi mở: “Con gái tôi năm nay gần 20 tuổi thì vợ chồng chúng tôi gắn với nghề này bấy nhiêu năm. Khởi đầu chúng tôi làm nghề bó chổi mướn, rồi dần dần mới mở cơ sở sản xuất, vừa bỏ công làm vừa thu nhận thợ, vất vả cũng nhiều năm mới có được sự ổn định như hôm nay”.

Hiện mỗi ngày có hơn 60 thợ nhận nguyên liệu về gia công chổi tại nhà, chỉ một số thợ đến tập trung bó chổi tại cơ sở của chị Thúy. Bắt đầu từ 6 giờ sáng, cơ sở đã mở cửa, chuẩn bị sẵn nguyên liệu, dụng cụ, chỉ cần thợ đến là có thể bắt tay vào việc. Chị Nguyễn Hồng Thi, một thợ bó chổi lành nghề ở ấp Phước Hòa A cho biết: “Công việc bó chổi khá đơn giản, chịu khó học nghề khoảng 1 giờ là có thể làm được. Trung bình mỗi giờ đồng hồ tôi bó được 7 - 8 cây chổi, hôm nào nhanh tay thì 10 cây. Từ 7 giờ sáng, tôi bắt đầu đến cơ sở làm, mỗi ngày thu nhập cũng khoảng 150.000 - 200.000 đồng. Mấy năm qua, nhờ nghề bó chổi mà cuộc sống gia đình tôi thoải mái hơn, số tiền kiếm được vừa để chi tiêu trong gia đình, vừa để lo cho con cái ăn học”.

Nghề bó chổi cọng dừa đã mang lại công ăn việc làm ổn định cho bà con ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Nhiều năm qua, cơ sở bó chổi của chị Thúy và anh Sĩ đã tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Theo anh Nguyễn Văn Sĩ, nếu thợ có tay nghề, hàng ngày có thể bó được khoảng 100 - 150 cây chổi, trong đó, chổi bó bằng dây kẽm làm khá nhanh, chỉ mất tầm vài phút là ra thành phẩm, mất thời gian hơn là chổi đương dây cước và chổi đóng cán nhựa. Nghề bó chổi không kén lao động, người lớn tuổi, thanh niên và cả học sinh nếu tập trung học nghề, bỏ thời gian rảnh cho công việc là có thu nhập.

“Tôi đã có 15 năm gắn bó với nghề bó chổi. Do lớn tuổi nên tôi chỉ tranh thủ thời gian rảnh mới làm. Trung bình mỗi ngày, tôi bó được khoảng 40 cây chổi, kiếm được hơn 80.000 đồng. Trước nay, gia đình tôi chủ yếu làm vườn, chỉ có tôi học nghề bó chổi rồi làm cho đến giờ. Đối với người lớn tuổi như chúng tôi, tiền công từ nghề bó chổi không đáng kể, nhưng mình đã quen với cái nghề này rồi nên cứ tranh thủ có thời gian rảnh là làm, không ngưng nghỉ được” - bà Ngô Thị Hồng Phượng, một trong những người thợ chia sẻ.

Ở xứ cù lao, nhiều người thợ đã gắn bó với nghề bó chổi hơn nửa đời người, có người hơn 20 năm, có người hơn chục năm, chủ yếu là các bà, các cô, chị em phụ nữ. Gần đây, có nhiều học sinh tranh thủ sau giờ học nhận gia công chổi tại nhà để kiếm thêm thu nhập. Thông thường, thời điểm chổi cọng dừa hút hàng nhất là vào mùa khai trường và cận Tết. Khi đó, nhu cầu thu mua sản phẩm gấp đôi ngày thường, số lượng chổi làm ra không đủ xuất bán, ngoài khuyến khích thợ làm thêm, cả nhà anh Sĩ cũng tranh thủ bó chổi có khi đến tận khuya…

Tại ấp Phước Hòa A, còn có cơ sở bó chổi của bà Nguyễn Thị Huỳnh Hoa. Quy mô cơ sở tuy nhỏ lẻ nhưng cũng giải quyết việc làm cho hơn chục lao động tại chỗ. Theo bà Hoa, làm chổi cọng dừa không khó nhưng đòi hỏi thợ phải tập trung, khéo léo. Để có một cây chổi bền chắc, phải trải qua nhiều công đoạn, như: làm mái chổi, bện cọng dừa, làm cán rồi đóng nêm cho chổi tăng độ cứng, bền chắc mới đến phần tề cán chổi. Các công đoạn đều làm thủ công, chỉ có tề cán chổi bằng máy nhưng phải kỹ lưỡng mới tề đều và đẹp được. Ngoài ra, còn tùy cọng dừa mà chổi có giá khác nhau. Đối với chổi được làm từ cọng dừa già được chặt xuống rồi phơi khô có màu trắng đẹp thì giá thành cao hơn chổi có cọng dừa tước ra từ các tàu dừa rụng có màu đen, sậm. Hiện giá chổi thành phẩm được bán ra từ 10.000 - 20.000 đồng/cây, tùy theo loại chổi.

Theo chị Đặng Thị Na - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Cù Lao Dung, nhiều năm qua, nghề bó chổi đã mang lại cuộc sống ổn định cho nhiều người dân ở ấp Phước Hòa A. Cùng với nghề bó chổi, ở xứ cù lao, nhiều người dân có thu nhập khá từ việc trồng dừa lấy tàu lá để cung cấp cọng dừa nguyên liệu cho các cơ sở, điểm bó chổi, với số lượng vài trăm ký mỗi ngày. Nghề bó chổi không chỉ góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn là nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng khi nhắc đến xứ cù lao này.

XUÂN NGUYÊN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/huyen-cu-lao-dung/gin-giu-va-phat-huy-nghe-bo-choi-o-xu-cu-lao-63846.html