Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa làng nghề truyền thống

Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống, làng nghề theo hướng hài hòa giữa gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống với nâng cao chất lượng sản phẩm nghề truyền thống, thích ứng với nền kinh tế thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn…

Thực trạng các nghề, làng nghề truyền thống

Huyện Châu Thành là một trong những địa phương có nhiều nghề và làng nghề thủ công truyền thống với lịch sử hình thành lâu đời, như: vẽ tranh trên kiếng, đâm cốm dẹp, đan đát, làm bánh pía… Hiện nay, một số nghề truyền thống trên địa bàn huyện đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền, như nghề vẽ tranh trên kiếng với số hộ bám nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay; nghề làm cốm dẹp hiện chỉ còn 16 hộ hoạt động, chủ yếu sản xuất tại nhà, tiêu thụ tại các chợ trên địa bàn huyện và tập trung bán sản phẩm vào dịp lễ, Tết của đồng bào Khmer.

Trước đây, huyện Kế Sách có 4 làng nghề truyền thống được công nhận, gồm: làng nghề đan đát ấp Đông Hải, làng nghề chằm nón ấp Nam Hải ở xã Đại Hải, làng nghề đan đát và làng nghề hầm than xã Xuân Hòa. Hiện nay địa phương này chỉ còn duy nhất làng nghề hầm than hoạt động. Tuy nhiên, làng nghề này chưa được công nhận lại vì chưa đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường làng nghề.

Các làng nghề đan đát ấp Giồng Có, làng nghề đan đát giỏ bẹ ấp Hòa Mỹ và 2 làng nghề truyền thống là bánh tráng Bà Lèo, nấu rượu Bãi Xàu ở huyện Mỹ Xuyên dù vẫn hoạt động nhưng chỉ duy trì ở mức trung bình, không mở rộng, phát triển. Ở huyện Mỹ Tú có làng nghề chằm lá Xóm Tiệm hiện đã ngưng hoạt động; các nghề truyền thống hoạt động nhưng số hộ tham gia còn hạn chế. Ở huyện Thạnh Trị, các nghề truyền thống như trồng nấm rơm, dệt chiếu, chằm lá, thủ công mỹ nghệ… có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thu nhập không cao, không ít nghề hiện thu hẹp sản xuất hoặc ngưng hoạt động, như nghề dệt chiếu ở xã Vĩnh Lợi.

Thợ đan đát gia công các sản phẩm từ nguyên liệu tre nứa tại Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp Thanh Phú, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Tháng 3/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăngđã phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức khảo sát tình hình hoạt động của nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát, đã ghi nhận một thực tế là hầu hết các làng nghề, nghề truyền thống đều hoạt động với quy mô nhỏ, tự phát và gặp nhiều khó khăn, hạn chế, như: thiếu đội ngũ lao động có tay nghề cao, thiếu vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc để nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm... Các cơ sở sản xuất chủ yếu là các hộ kinh doanh gia đình nên việc xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh của sản phẩm còn hạn chế, sản phẩm tiêu thụ chưa nhiều. Đối với ngành nghề nông thôn, đa số các hộ làm nghề có hoàn cảnh khó khăn, trình độ lao động ở mức phổ thông. Các hộ sản xuất chưa có sự hợp tác, liên kết để trao đổi kinh nghiệm, cải tiến, nâng chất lượng sản phẩm, nhiều nghề chỉ sản xuất, gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Bảo tồn, phát triển các nghề và làng nghề truyền thống

Đầu tháng 8 vừa qua, Hội đồng xét duyệt công nhận nghề truyền thống và tổ giúp việc Hội đồng xét duyệt công nhận nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã thông qua 4 hồ sơ đề xuất công nhận nghề truyền thống, gồm: nghề dệt chiếu tại ấp Trà Ông, xã Viên Bình, huyện Trần Đề; nghề dệt chiếu tại ấp Mỹ Thọ, xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm; nghề làm mắm cá đồng tại ấp Mỹ Lộc, xã Mỹ Bình, thị xã Ngã Năm; nghề làm mắm cá đồng ấp Vĩnh Phong, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm.

Theo tiêu chí xem xét, đánh giá công nhận nghề truyền thống của Nghị định số 52/2018/NĐ-CP, ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, các nghề được đề xuất đủ điều kiện để được công nhận. Trong đó, nghề dệt chiếu lác ở ấp Trà Ông hình thành từ trước năm 1947, hiện nay còn 3 hộ gìn giữ nghề với thu nhập của mỗi hộ từ 12 - 36 triệu đồng/năm; nghề dệt chiếu tại ấp Mỹ Thọ được hình thành từ năm 1950 đến nay, với 4 hộ làm nghề. Đối với nghề làm mắm ở thị xã Ngã Năm, tại xã Mỹ Bình hiện có 25 hộ đang sản xuất, kinh doanh, sản lượng từ 4 - 5 tấn/năm, tạo việc làm cho hơn trăm lao động tại địa phương, các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP; ở xã Vĩnh Quới nghề làm mắm cũng được truyền nối từ nhiều đời với lịch sử hình thành hơn 120 năm…

Chi cục Phát triển nông thôn Sóc Trăng thông tin, theo Quyết định số 71/QĐ-UBND, ngày 29/2/2008 của UBND tỉnh Sóc Trăng, hiện nay có 12 nghề truyền thống, 8 làng nghề và 9 làng nghề truyền thống còn hoạt động, được phân bố rải rác trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Trên cơ sở xác định thực trạng, hiệu quả, quy mô hoạt động và đối chiếu các quy định, đơn vị đề xuất công nhận 26 nghề truyền thống, 5 làng nghề và 1 làng nghề truyền thống.

Đoàn khảo sát của tỉnh Sóc Trăng tham quan các làng nghề tại huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương lập hồ sơ, thủ tục công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống. Sau khi nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận, sở sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn. Để duy trì và phát triển các nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống điều cần thiết là thu hút nghệ nhân tham gia các hoạt động đào tạo nghề chuyên sâu, truyền nghề cho thế hệ kế cận, bảo tồn làng nghề. Ngoài ra, nên có các chính sách, định mức hỗ trợ cho các nghề truyền thống, làng nghề, tổ chức lại sản xuất làng nghề theo hướng hình thành các chuỗi liên kết giá trị từ vùng nguyên liệu, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tổ chức hoạt động du lịch, trải nghiệm, gắn các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ, sản phẩm đan đát với các điểm du lịch… cũng là những giải pháp góp phần bảo tồn và phát triển các làng nghề.

XUÂN NGUYÊN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/gin-giu-phat-huy-gia-tri-van-hoa-lang-nghe-truyen-thong-67354.html