Gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa nơi bản xa

Trải qua quá trình hình thành và phát triển lâu dài, đồng bào dân tộc Mường, Dao ở nơi rẻo cao xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn đã tạo dựng cho mình nét văn hóa, phong tục mang bản sắc riêng. Trong đó, người Mường nơi đây nổi bật với với văn hóa cồng chiêng, câu hát Ví, Rang tâm tình... Người Dao đời nối đời gắn bó với tập quán sinh hoạt, nghề thêu thùa đậm bản sắc Dao Tiền. Những năm qua, cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng đồng bào dân tộc Dao, Mường vẫn luôn nỗ lực trao truyền giá trị văn hóa, bản sắc cho thế hệ trẻ để bảo tồn, gìn giữ đến muôn đời sau.

Sau khi gác lại công việc đồng áng, những phụ nữ dân tộc Dao – khu Hạ Bằng, xã Kim Thượng lại miệt mài thêu thùa, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống.

Từ UBND xã Kim Thượng, vượt qua con đường đèo dốc quanh co chừng 8 km, chúng tôi có mặt tại khu Hạ Bằng, nơi có 100 hộ dân với 500 nhân khẩu,100% đều là đồng bào dân tộc Dao. So với nhiều khu trong xã, Hạ Bằng hiện là một trong những bản vùng cao còn lưu giữ được gần như nguyên vẹn tập quán sinh hoạt đặc trưng của người Dao từ nếp nhà đến nếp sống. Điển hình như những nếp nhà đất trệt, tường ghép gỗ, mái lợp lá cọ truyền thống nằm nhấp nhô lưng đồi; bếp lửa hồng được đặt ngay trong căn nhà ba gian; tiếng Dao được sử dụng phổ biến trong sinh hoạt hằng ngày và đặc biệt nghề thêu thổ cẩm vẫn được đồng bào nơi đây lưu giữ, bảo tồn qua nhiều thế hệ. Chị Bàn Thị Chuột – người dân khu Hạ Bằng chia sẻ: “Trong những ngày nông nhàn, phụ nữ Dao sẽ dành phần lớn thời gian ngồi thêu thùa may vá như: Váy áo, gối chăn. Đây là một trong những nét văn hóa gắn liền với sinh hoạt đời thường của người Dao suốt nhiều thế hệ. Chúng tôi duy trì việc làm ấy từ đời này, qua đời khác; mẹ dạy con, bà dạy cháu để trao truyền, gìn giữ bản sắc văn hóa. Những họa tiết cầu kỳ được thêu tỉ mỉ trên trang phục truyền thống không chỉ mang nét độc đáo riêng mà còn thể hiện sự cần cù, chịu khó, khéo léo, sáng tạo của người phụ nữ Dao”.

Bên nếp nhà sàn, nghệ nhân Sa Thị Tâm truyền dạy cho thế hệ trẻ nét đẹp thổ cẩm người Mường.

Rời khu Hạ Bằng, chúng tôi ghé thăm khu Chiềng 1, 2, 3 - nơi sinh sống của đồng bào Mường, gặp người nặng lòng với bản sắc dân tộc Nghệ nhân Sa Thị Tâm – Chủ nhiệm hai CLB chia sẻ: “Cộng đồng người Mường ở đây nhiều thế hệ yêu văn hóa, văn nghệ truyền thống. Chúng tôi luôn tích cực gìn giữ, trao truyền bản sắc thông qua các câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ truyền thống. Trong đó nổi bất nhất là CLB cồng chiêng và CLB văn hóa, văn nghệ dân gian xã Kim Thượng.” CLB Văn hóa, văn nghệ dân gian xã Kim Thượng (thành lập năm 2017), CLB cồng chiêng (thành lập năm 2020) với tổng số thành viên tham gia khoảng 40 người trong độ tuổi từ 10 đến 70 tuổi - là nơi lưu giữ, sưu tầm hiện vật mang bản sắc dân tộc Mường; nơi tổ chức dàn dựng, biểu diễn các tiết mục văn hóa, văn nghệ truyền thống. Kể từ khi thành lập, ngoài việc biểu diễn các tiết mục văn nghệ phục vụ cho thôn, xã, huyện nhân dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm, tham gia các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng các cấp, CLB còn tổ chức nhiều hoạt động truyền dạy cách đánh chiêng, hát Ví, Rang, dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ. Từ việc truyền dạy của các nghệ nhân, nhiều người trẻ đã khơi dậy đam mê với văn hóa truyền thống của dân tộc và trở thành thế hệ kế cận, tiếp nối gìn giữ, phát huy “báu vật” của dân tộc Mường”.

Một buổi sinh hoạt, luyện tập của CLB Cồng chiêng xã Kim Thượng

Kim Thượng là xã vùng cao của huyện Tân Sơn, nơi có ba dân tộc Mường, Dao, Kinh cùng sinh sống; trong đó dân tộc Mường chiếm đa số với 85%, dân tộc Dao chiếm 12 % và 3% là người dân tộc Kinh. Nhiều năm trở lại đây, tuy đời sống của nhân dân có nhiều đổi thay, nhưng việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa DTTS luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân quan tâm.

Đồng chí Hà Ngọc Tín – Chủ tịch UBND xã Kim Thượng cho biết: “Hiện toàn xã có 12 CLB văn hóa văn nghệ dân gian trong đó có chín CLB chàm đuống, hát ví, hát rang của người Mường và ba CLB múa chuông, múa sinh tiền của người Dao. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường, Dao, xã đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, quảng bá những giá trị tốt đẹp, đặc sắc của văn hóa DTTS tại địa phương; Phát huy vai trò của người có uy tín trong tuyên truyền giữ gìn bản sắc dân tộc; đưa việc giữ gìn và phát huy văn hóa DTTS vào nghị quyết Đảng bộ xã; thường xuyên tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ tại các khu dân cư; phát huy hiệu quả hoạt động của các CLB văn hóa văn nghệ dân gian, đồng thời chỉ đạo các CLB xây dựng tiêu chí sinh hoạt một cách bài bản, nội dung biểu diễn phong phú, đa dạng…., qua đó góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc tại địa phương và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc vùng Đất Tổ nơi bản xa”.

Đồng Niên

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//dan-toc-ton-giao/gin-giu-phat-huy-ban-sac-van-hoa-noi-ban-xa/191318.htm