Gìn giữ nét đẹp văn hóa các dân tộc

ĐBP - Tháng 10/2016, HÐND tỉnh khóa XIV thông qua Nghị quyết số 24/NQ-HÐND về Ðề án 'Tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025'. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé đã nhận thức đầy đủ vai trò, ý nghĩa quan trọng của Ðề án; đồng thời có nhiều hoạt động thiết thực nhằm gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong tiến trình phát triển chung của địa phương.

Người Hà Nhì xã Sín Thầu vui Tết cổ truyền “Khù Sự Chà”.

Dân tộc Hà Nhì là 1 trong 10 dân tộc thiểu số hiện đang sinh sống trên địa bàn huyện Mường Nhé. Nhiều năm qua, với sự quan tâm của các cấp, ngành, những nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc Hà Nhì luôn được bảo tồn, phát triển; tiêu biểu như Tết “Khù Sự Chà”; Lễ cầu mưa, cầu mùa; Lễ hội cúng rừng, Lễ Gạ Ma Thú (lễ cúng bản)… trong đó Lễ Gạ Ma Thú đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2019. Bà Pờ Mỳ Lế, Bí thư Ðảng ủy xã Sín Thầu, cũng là người dân tộc Hà Nhì, cho biết: Dân tộc Hà Nhì là một trong những dân tộc có nhiều bản sắc văn hóa ở huyện Mường Nhé, hiện đang sinh sống tập trung ở 4 xã: Leng Su Sìn, Chung Chải, Sín Thầu và Sen Thượng. Những năm qua, để bảo tồn phát huy giá trị truyền thống dân tộc Hà Nhì, xã đã phối hợp với các sở, ngành, cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền, vận động bà con phải luôn gìn giữ nét văn hóa của dân tộc mình. Ðặc biệt, năm 2019, xã đã phối hợp với UBND huyện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phục dựng lễ “Gạ Ma Thú”; năm 2020, phối hợp với UBND huyện tổ chức tết cổ truyền dân tộc Hà Nhì. Việc tổ chức phục dựng các lễ hội này đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Không chỉ dân tộc Hà Nhì, huyện Mường Nhé còn là nơi hội tụ nhiều bản sắc văn hóa các dân tộc khác nhau. Tuy nhiên hiện nay, nhiều nét đẹp văn hóa, nghệ thuật, nhạc cụ dân tộc như múa khèn Mông; nghề truyền thống đan lát, ngữ văn dân gian của người Si La; lễ cúng tổ tiên của người Cống và các trò chơi dân gian như ném còn, kéo co… của các dân tộc sinh sống trên địa bàn đã và đang dần mai một. Ðể bảo tồn và phát huy những giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, huyện Mường Nhé có nhiều hoạt động thiết thực nhằm gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc. Ðiển hình như năm 2017, huyện đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức bảo tồn Lễ cầu mưa của dân tộc Si La ở bản Nậm Sin, xã Chung Chải; năm 2018 tiến hành kiểm kê toàn diện đối với dân tộc Dao tại xã Pá Mỳ và Huổi Lếch; năm 2019 kiểm kê dân tộc Mông xanh tại xã Huổi Lếch; năm 2020 kiểm kê dân tộc Mông đen tại các xã Mường Nhé, Quảng Lâm; chỉ đạo Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện, các đơn vị trường học thực hiện tốt Ðề án dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh. Thông qua hoạt động dạy và học tiếng Thái, tiếng Mông đã giúp các em học sinh nâng cao kỹ năng nghe - nói - đọc - viết tiếng và chữ, từ đó hiểu rõ hơn về văn hóa dân tộc mình. Bên cạnh đó, nhằm gìn giữ nét đẹp văn hóa các dân tộc, hàng năm, huyện Mường Nhé cũng thực hiện tốt công tác xét chọn định kỳ các nghệ nhân đủ điều kiện đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Theo đó hiện nay, toàn huyện hiện có 3 nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, gồm: Ông Pờ Dần Sinh, bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu; ông Hù Văn Sẩm và bà Chang Thị Phơi, bản Nậm Kè, xã Nậm Kè.

Ông Vũ Tiến Hưng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mường Nhé cho biết: Ðể gìn giữ nét đẹp văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện, hàng năm, phòng tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn đến nhân dân cũng như du khách trong, ngoài huyện. Quan tâm phục dựng, bảo tồn các giá trị truyền thống, nét đẹp văn hóa mỗi dân tộc. Cùng với đó, tiếp tục chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ chuyên môn để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Ðặc biệt, nhằm bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc, trên tinh thần các chỉ thị, nghị quyết, các đề án của Trung ương, của tỉnh, căn cứ vào tiềm năng và lợi thế của huyện, hiện nay, Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện Mường Nhé đã xây dựng, hoàn thiện các bước quy trình, đồng thời chuẩn bị ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết sẽ góp phần phát triển du lịch theo hướng bền vững, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện. Từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực du lịch - dịch vụ nhằm tạo thêm sinh kế, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.

Quang Long

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/van-hoa/186715/gin-giu-net-dep-van-hoa-cac-dan-toc