Gìn giữ đôi mắt sáng cho thế hệ tương lai

Là một nội dung chính trong kế hoạch phòng chống mù lòa đang được triển khai trên địa bàn tỉnh, hoạt động phòng chống tật khúc xạ, đặc biệt là tật khúc xạ học đường thời gian qua được Bệnh viện Mắt Quảng Trị hết sức chú trọng. Hiệu quả của hoạt động này rất có ý nghĩa trong việc nâng cao sức khỏe học đường, góp phần bảo vệ và gìn giữ đôi mắt sáng cho thế hệ tương lai.

Chụp bản đồ giác mạc cho trẻ mắc tật khúc xạ -Ảnh: P.T

Tật khúc xạ (TKX) học đường là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu hiện nay, không chỉ trong ngành mắt mà còn đối với các trường học, các bậc phụ huynh do tỉ lệ trẻ em mắc TKX học đường ngày càng phổ biến. Ước tính đến năm 2040, số trẻ mắc TKX học đường chiếm đến 50% số trẻ đang đi học, trong đó học sinh nông thôn chiếm tỉ lệ 15% - 20%; học sinh thành thị chiếm tỉ lệ 30% - 40%.

3 TKX học đường phổ biến nhất là cận thị, viễn thị và loạn thị, trong đó tật cận thị chiếm tỉ lệ phổ biến nhất. TKX học đường tác động không nhỏ đến kết quả học tập và sinh hoạt của trẻ em, nhất là gây giảm thị lực. Tuy nhiên, nguy hiểm hơn ở trẻ mắc TKX học đường là nguy cơ bị nhược thị, những trẻ cận thị nặng hoặc cận thị bệnh lý thì việc ảnh hưởng đến võng mạc chiếm tỉ lệ cao. Tình trạng nhược thị, cận thị nặng, cận thị bệnh lý là nguyên nhân chính gây giảm thị lực, thậm chí mù ở trẻ nếu chúng ta không kiểm soát được các TKX này.

Có 2 nguyên nhân gây nên TKX, bao gồm bẩm sinh và mắc phải. Riêng TKX học đường phần lớn nguyên nhân do trẻ mắc phải trong quá trình học tập, thói quen sinh hoạt không hợp lý như ngồi sai tư thế trong thời gian dài, bàn ghế ngồi học không phù hợp; nhìn gần liên tục và học tập ở môi trường thiếu ánh sáng. Ngoài ra, chế độ học tập quá căng thẳng, tập trung quá lâu không cho mắt nghỉ ngơi, điều tiết có thể ảnh hưởng đến mắt và gây nên các TKX. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng không đủ chất, thiếu vitamin, vi chất và lạm dụng các thiết bị điện tử sẽ khiến mắt bị suy yếu. Đáng nói, hiện nay có những trẻ ở độ tuổi học mầm non đã mắc TKX nặng.

Trước thực trạng đó, hoạt động phòng chống mù lòa do Bệnh viện Mắt Quảng Trị triển khai đã có những thay đổi đáp ứng với tình hình thực tế. Riêng phòng khám TKX tại Bệnh viện Mắt Quảng Trị từ lúc đưa vào hoạt động đến nay đã thu hút ngày càng đông lượng bệnh nhân đến khám. Với thế mạnh về đội ngũ cán bộ y tế có tay nghề cao, được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực khám và điều trị TKX cùng hệ thống máy móc, trang thiết bị chuyên biệt, thời gian qua, Bệnh viện Mắt Quảng Trị đã khám, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả cho nhiều trường hợp mắc TKX nói chung, TKX học đường nói riêng, trong đó có những trường hợp nặng, bị biến chứng như lác, nhược thị rất dễ dẫn đến nguy cơ bị mù lòa.

“Nếu trước đây, hoạt động chuyên môn được triển khai tại bệnh viện thường tập trung chủ yếu vào những bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi như đục thủy tinh thể, glocom, bệnh lý võng mạc, đái tháo đường... thì hiện nay, hoạt động sàng lọc, khám phát hiện và điều trị TKX bắt đầu chiếm tỉ lệ lớn trong hoạt động chung của đơn vị. Hiện tại, Bệnh viện Mắt có chương trình kiểm soát cận thị hiệu quả, liên quan đến việc tái khám và sử dụng thuốc được chứng minh có giá trị trong việc kiểm soát cận thị”, bác sĩ Chuyên khoa II Bùi Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Quảng Trị cho biết.

Bên cạnh hoạt động của phòng khám TKX, Bệnh viện Mắt cũng đã tổ chức hiệu quả công tác phòng chống TKX học đường tại cộng đồng. Thông qua việc phối hợp với các đơn vị y tế tuyến cơ sở, các trường học trên địa bàn cũng như kêu gọi sự hỗ trợ nguồn lực từ các chương trình, dự án, nhiều hoạt động được triển khai bao gồm: khám sàng lọc phát hiện TKX, cấp phát kính thuốc miễn phí và lồng ghép truyền thông phòng chống TKX học đường.

Từ hoạt động này, nhiều học sinh được phát hiện sớm mắc TKX để điều trị kịp thời, hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như kết quả học tập của các em. Đồng thời, cũng qua đây, nhà trường, phụ huynh và học sinh được trang bị nhiều kiến thức bổ ích về chăm sóc mắt, giúp chủ động điều chỉnh và khắc phục các nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ gây ra TKX, góp phần nâng cao sức khỏe học đường.

Với hoạt động này, trong năm 2023, đơn vị phối hợp với 3 trường trên địa bàn tỉnh Quảng Trị tổ chức khám khúc xạ học đường với số lượng gần 1.000 học sinh. Cũng trong năm 2023, được sự hỗ trợ của Quỹ phát triển cộng đồng tỉnh Quảng Trị, Bệnh viện Mắt phối hợp với Trung tâm Y tế (TTYT) và Phòng Giáo dục huyện Hướng Hóa tổ chức khám cho gần 10.000 học sinh của 8 trường học trên địa bàn, cấp gần 400 kính cho học sinh có các bệnh lý khúc xạ. Đơn vị cũng đã phối hợp với TTYT và Phòng Giáo dục huyện Vĩnh Linh tổ chức khám cho gần 15.000 học sinh của 16 trường THCS trên địa bàn, cấp gần 600 kính cho các em.

Riêng trong tháng 3/2024, được sự tài trợ của Quỹ Những nỗ lực phát triển Việt Nam - DOVE Fund, Bệnh viện Mắt Quảng Trị phối hợp với Quỹ phát triển cộng đồng, TTYT huyện Hải Lăng tổ chức khám tật khúc xạ cho gần 500 học sinh tại 16 trường Tiểu học và THCS trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, các em học sinh cũng được tuyên truyền nâng cao nhận thức về chăm sóc và phòng chống các bệnh lý về mắt, trong đó có TKX học đường thông qua việc thay đổi thói quen sinh hoạt và học tập phù hợp. Có thể nói, hiệu quả từ những nỗ lực phòng chống TKX mà Bệnh viện Mắt Quảng Trị đã triển khai góp phần ý nghĩa trong việc thực hiện các mục tiêu phòng chống mù lòa trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất là nhận thức của cộng đồng về vấn đề TKX nói chung và TKX học đường chưa đầy đủ nên tỉ lệ mắc TKX ngày càng tăng, trở thành vấn đề mang tính cộng đồng.

Bên cạnh đó, năng lực y tế tuyến cơ sở hiện chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân trong vấn đề khám, phát hiện TKX; việc tiếp cận dịch vụ khám, phát hiện và điều trị TKX với các cơ sở y tế chuyên khoa gặp trở ngại về thời gian nên nhiều người dân vẫn phải lựa chọn các cơ sở không chính thống để khám TKX, chỉnh kính đeo dẫn đến nhiều hệ lụy không đáng có.

Trong khi đó, hiện tỉnh chưa có chương trình, dự án riêng cho hoạt động phòng chống TKX do chưa được bố trí nguồn kinh phí nên hoạt động này triển khai không xuyên suốt và bao phủ khắp địa bàn. Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, ngoài việc đầu tư phát huy năng lực của hệ thống y tế, hoạt động phòng chống TKX rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, sự phối hợp, đồng hành của các tổ chức, dự án và đặc biệt là sự quan tâm đúng mức của nhà trường, học sinh, phụ huynh về TKX vì mục tiêu chung tay giữ gìn đôi mắt sáng cho thế hệ tương lai.

Phương Thảo

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/gin-giu-doi-mat-sang-cho-the-he-tuong-lai/184320.htm