Gieo yêu thương nơi đất khó

PTĐT - Mang ánh sáng tri thức đến với trẻ em vùng cao chưa bao giờ dễ dàng đối với những thầy, cô giáo. Nếu không có tình yêu nghề tha thiết, tình cảm với trẻ em vùng khó thì các giáo viên không thể bám trường, bám lớp.

Cô giáo Hà Thị Thu Dung và trò tại điểm trường lẻ ở khu Liên Minh, Trường Tiểu học Thu Ngạc, huyện Tân Sơn đến trường.

PTĐT - Mang ánh sáng tri thức đến với trẻ em vùng cao chưa bao giờ dễ dàng đối với những thầy, cô giáo. Nếu không có tình yêu nghề tha thiết, tình cảm với trẻ em vùng khó thì các giáo viên không thể bám trường, bám lớp. Những năm qua, nhiều thầy, cô giáo trên địa bàn tỉnh đã nêu gương sáng, luôn cố gắng, tận tâm cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người”. Trong đó, có nhiều thầy, cô đang công tác ở những điểm trường vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn vẫn ngày đêm thầm lặng đối mặt với không ít gian nan, trở ngại, cần mẫn đưa tri thức thắp sáng bản làng...

Những cung đường lên bản làng vùng cao cheo leo, cách trở không ngăn được bước chân của các thầy, cô từ miền xuôi đến với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao để ươm mầm tri thức. Thầy giáo Hoàng Anh Tuấn quê ở Cẩm Khê đã 6 năm công tác tại điểm trường lẻ của Trường Tiểu học Trung Sơn B, huyện Yên Lập. Tình yêu nghề đã giúp thầy vượt qua gian nan, thử thách, gắn bó với các em học trò nhỏ dân tộc Mông còn nhiều gian khó. Ngoài việc truyền đạt kiến thức cho học sinh, thầy thường xuyên phải vượt suối, băng rừng đến tận nhà học trò để động viên các em đi học đầy đủ. Kỷ niệm thầy Tuấn nhớ mãi là học sinh Lý Thị Hương ở khu người Mông, vì gia đình đông anh em nên thường xuyên nghỉ học và có ý định nghỉ hẳn. Thầy Tuấn tâm sự: “Có một lần Hương nghỉ học 1 tuần, tôi rất sốt ruột, cứ hết giờ lên lớp tôi lại lặn lội đến nhà động viên gia đình tạo điều kiện cho Hương đến lớp. “Mưa dầm thấm lâu”, sau khoảng 4 - 5 lần thuyết phục, Hương mới tiếp tục đi học, hiện nay em đã là học sinh lớp 5”. Nói về thầy giáo của mình, em Lý Thị Hương luôn bày tỏ niềm tin yêu, kính trọng: “Ở trường các thầy, cô luôn động viên để các em yên tâm học tập và đạt kết quả cao nhất. Chúng em luôn tự hứa sẽ cố gắng học tập tốt để sau này có thể đóng góp công sức cho quê hương, bản làng và Trường Tiểu học Trung Sơn B”.

Thầy giáo Hoàng Anh Tuấn lên lớp tại điểm Trường tiểu học Trung Sơn B, huyện Yên Lập.

Chia tay thầy Tuấn cùng học sinh tại điểm trường khu người Mông, chúng tôi ngược lên Tân Sơn. Đón tôi là cô giáo Hà Thị Thu Dung công tác tại điểm trường lẻ ở khu Liên Minh, Trường Tiểu học Thu Ngạc, huyện Tân Sơn. Năm 1997, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Phú Thọ, cô Dung về công tác tại quê hương. Những năm đầu công tác, khó khăn lớn nhất với các thầy, cô giáo nơi đây là làm thế nào để vận động được trẻ em người dân tộc thiểu số ra lớp. Năm nào cũng vậy, những tuần đầu tiên của năm học mới, ngoài công tác giảng dạy, các thầy, cô phải đến từng nhà vận động phụ huynh và học sinh. Với nỗ lực của các thầy cô, giờ đây người dân đã ý thức được ý nghĩa của việc học để tự giác đưa con đến trường.Có thâm niên 22 năm đứng lớp tại Trường Tiểu học Thu Ngạc, cô Dung hiểu rõ tâm tư, hoàn cảnh của từng gia đình, từng học sinh quanh vùng. Lớp 2B cô dạy năm nay có 9 học sinh trong căn phòng kê 5 chiếc bàn nhỏ. Trong số những học sinh này, cô Dung đặc biệt quan tâm đến em Hoàng Thị Chúc, học sinh lớp 2B, dân tộc Mường bởi gia đình em có hoàn cảnh khó khăn, mẹ đi làm ăn xa, bố không có việc làm ổn định. Không chỉ vận động gia đình, cô Dung còn thường xuyên quan tâm, giúp đỡ Chúc với những tình cảm yêu thương, trìu mến, giúp em có thêm niềm tin, động lực theo học. Anh Hoàng Văn Sáu, khu Kiên Minh, xã Thu Ngạc (bố của em Chúc) cho biết: “Nhờ sự tuyên truyền, vận động của các thầy, cô giáo chúng tôi hiểu được tầm quan trọng của việc đưa con em đến trường nên dù có khó khăn đến mấy cũng phải để các cháu đi học chứ không phải ở nhà phụ giúp gia đình như trước kia nữa”.Tâm sự về nghề, cô Dung cho biết, chính cô cũng được tiếp lửa từ sự nỗ lực của học sinh, sự tin tưởng của các phụ huynh và bà con nhân dân trong vùng. Cô dạy các em bằng tình yêu trẻ, đưa đến cho các em những khát vọng đầu đời như người đi gieo hạt giống để chờ mong những mùa quả ngọt. Đối với cô, học sinh tiểu học như những hạt giống quý, nếu biết khơi dậy trong các em khát khao tìm hiểu thì các em sẽ phát huy tốt khả năng tư duy, sáng tạo. Với những nỗ lực vượt bậc, trong những năm công tác, cô Dung được công nhận là giáo viên giỏi cấp huyện. Nhưng hơn cả thế, cô là người mẹ hiền, là điểm tựa trong tâm hồn trong trắng của những học sinh thân yêu, là nơi gửi gắm niềm tin yêu của nhân dân nơi vùng đất khó.

Cô giáo Hà Thị Bình tận tình hướng dẫn học sinh lớp 1 tập viết và lớp 2 học Tiếng Việt.

Đối với nhiều người ở bản Sinh Tàn, xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn, hình ảnh những giáo viên băng rừng, lội suối, vượt bộ hàng chục cây số đến trường luôn để lại dấu ấn sâu đậm về sự tâm huyết, tình cảm cao đẹp với người vùng cao. Cô giáo Hà Thị Bình đang giảng dạy ở điểm lẻ Trường Tiểu học Thượng Cửu- khu B là một người như thế.Hơn 20 năm công tác cũng là quãng thời gian cô Bình gắn bó với nhiệm vụ giáo dục tại bản làng vùng cao. Là người dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên ở xã Văn Miếu, cô hiểu học trò nghèo luôn đói cái bụng và “đói” cả con chữ. Ngày ấy, ngôi trường Tiểu học Thượng Cửu chỉ là những nhà tranh vách nứa, nơi ở của giáo viên cắm bản cũng là những ngôi lều dựng tạm, đêm về những cơn gió rít ùa vào trong vách, còn mưa xuống thì dột lỗ chỗ nước. Người Thượng Cửu chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đói nghèo còn đeo bám và khi bụng còn chưa no thì chuyện học chữ cũng chẳng mấy ai mặn mà. Việc đầu tiên của những giáo viên cắm bản như cô Bình là đi vận động học trò đến lớp. Khó khăn chồng chất nhưng tình yêu nghề, thương yêu học trò đã giúp cô vững tâm vượt qua những khó khăn, trở ngại, luôn tận tình dìu dắt học trò. Mấy chục năm qua, cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng lòng yêu nghề, nhiệt huyết “gieo chữ” cho học trò nghèo vẫn rực cháy trong trái tim cô. Hành trình “gieo chữ” ở vùng cao còn nhiều khó khăn, vất vả, song nhiệt huyết, trách nhiệm và nhất là tình yêu nghề đã giúp các thầy, cô giáo vượt qua, từng ngày cần mẫn “gieo mầm” cho những ước mơ của học sinh nơi vùng cao còn nhiều gian khó.

Hạnh Thúy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/201909/gieo-yeu-thuong-noi-dat-kho-166967