'Gieo chữ' ở vùng cao

Bằng sự tâm huyết, trách nhiệm với nghề và tình yêu với học sinh, các thầy, cô giáo ở Điểm trường Nặm Lẩu, xã Sỹ Bình (Bạch Thông) đã khắc phục mọi khó khăn, bám lớp, bám trường, nỗ lực mang con chữ đến với học sinh vùng cao.

Cô và trò Điểm trường Mầm non Nặm Lẩu trong tiết học khám phá thiên nhiên.

Cô và trò Điểm trường Mầm non Nặm Lẩu trong tiết học khám phá thiên nhiên.

Một ngày giữa tháng 11, chúng tôi đến với Điểm trường Nặm Lẩu. Nằm cách trung tâm xã 7km, Nặm Lẩu là điểm trường duy nhất, nơi có hơn 20 học sinh của Trường Mầm non, Tiểu học và THCS xã Sỹ Bình đang theo học. Nơi đây có 03 thầy, cô giáo phụ trách giảng dạy và chăm sóc trẻ.

Lớp học mầm non ở Nặm Lẩu có 12 cháu với một lớp ghép 4 độ tuổi. Hằng ngày từ việc đón trẻ, vệ sinh cá nhân, đến chăm lo bữa ăn giấc ngủ đều được hai cô giáo chăm lo tận tình, trách nhiệm như chính những đứa con yêu quý của mình.

10 năm gắn bó với Trường Mầm non Sỹ Bình và hai lần được luân phiên về Điểm trường Mầm non Nặm Lẩu giảng dạy, cô Nguyễn Thị Luyến đã quen thuộc với vùng đất này. Thấu hiểu những khó khăn, thiệt thòi của các em học sinh vùng cao, nên cô đã dành hết tình yêu thương, trách nhiệm để dạy dỗ, chăm sóc các con. Được đến trường, được chăm sóc dạy dỗ những mầm non tương lai, đối với cô Luyến, đó là niềm hạnh phúc, niềm vui mỗi ngày.

Cô Luyến chia sẻ: Nghề giáo viên mầm non cho tôi nhiều tình cảm từ phía học sinh và phụ huynh. Vì vậy tôi luôn ý thức rằng mình phải luôn cố gắng phấn đấu, yêu thương và có trách nhiệm đối với trẻ để cho các em luôn cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Thầy, cô giáo ở Điểm trường Nặm Lẩu khắc phục khó khăn để mang đến kiến thức cho học sinh vùng cao.

Thầy, cô giáo ở Điểm trường Nặm Lẩu khắc phục khó khăn để mang đến kiến thức cho học sinh vùng cao.

Ở Điểm trường Nặm Lẩu còn thiếu thốn trang thiết bị giáo dục phục vụ giảng dạy. Do đó, để tạo hứng thú cho trẻ khi đến trường và đáp ứng đủ dụng cụ trực quan phục vụ cho dạy và học, các cô giáo nơi đây đã mày mò, tìm tòi, cắt dán, tô vẽ để làm đủ đồ dùng học tập. Những bông hoa khoe sắc trên sân trường là nhờ vào bàn tay chăm sóc hằng ngày của các cô. Đây cũng là nơi để các cô dạy trẻ quan sát thiên nhiên, qua đó giúp các em hình dung được môi trường sống xung quanh.

Rời lớp học của cô Luyến, chúng tôi sang lớp ghép 02 trình độ 1 và 2, nơi thầy Dương Văn Quyết giáo viên Trường Tiểu học và THCS Sỹ Bình đang say sưa giảng bài. Trò chuyện với chúng tôi, thầy Quyết cho biết: Việc giảng dạy lớp ghép, thầy giáo phải đóng “2 vai”. Vì vậy để một buổi học của lớp ghép đạt chất lượng, đòi hỏi giáo viên phải sắp xếp thời gian hợp lý, liên tục đi lại trong lớp giảng, giao bài, kiểm tra bài, gọi học sinh phát biểu, đảm bảo không nhóm nào trống thời gian trong giờ học.

Thầy giáo Dương Văn Quyết phụ trách lớp ghép hai trình độ 1 và 2.

Thầy giáo Dương Văn Quyết phụ trách lớp ghép hai trình độ 1 và 2.

Thầy giáo Chu Quốc Đạt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Sỹ Bình cho biết: Khác về lứa tuổi, học sinh lớp ghép khác nhau cả về trình độ, nhận thức. Chính vì vậy, giáo viên đứng lớp lúc nào cũng phải chuẩn bị hai giáo án và phải nắm rõ từng học sinh. Mặc dù khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhưng nhờ tâm huyết với nghề, các thầy, cô giáo được giao chủ nhiệm lớp ghép ở Nặm Lẩu đã vượt qua khó khăn đem kiến thức dạy cho học sinh.

Được biết, trên địa bàn huyện Bạch Thông hiện có 23 điểm trường thuộc bậc học từ mầm non đến tiểu học. Toàn huyện có tổng số 583 giáo viên. Hiểu rõ những khó khăn của giáo viên, nhất là các thầy, cô đang giảng dạy ở các điểm trường vùng cao, thời gian qua huyện Bạch Thông đã triển khai lồng ghép nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ cho giáo viên. Cụ thể, năm học 2023-2024 huyện đã triển khai chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ; thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trực tiếp giảng dạy người khuyết tật theo Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ và một số chế độ, chính sách khác. Qua đó góp phần động viên kịp thời đội ngũ giáo viên, đặc biệt là thầy, cô giáo ở các điểm trường vùng cao, giúp họ yên tâm công tác, tận tâm với nghề./.

Hà Thanh

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/gieo-chu-o-vung-cao-post57964.html