Giếng nước của đội quân áo vải

Ở thôn Xuân An, xã Cát Minh (huyện Phù Cát, Bình Định) hiện vẫn còn 1 giếng cổ có niên đại nhiều thế kỷ. Tương truyền, mạch nước của giếng cổ này là bất tận, đã một thời nuôi sống đội quân hậu cần của nghĩa quân Tây Sơn trong suốt cuộc khởi nghĩa.

Hiện nay, giếng cổ Xuân An trông rất hoang tàn

Mạch nguồn của nghĩa quân Tây Sơn

Hầu hết các giếng cổ còn tồn tại ở Bình Định đều có dạng hình vuông, chất liệu xây dựng toàn bộ là sa thạch. Giếng cổ ở thôn Xuân An, xã Cát Minh (huyện Phù Cát, Bình Định) không ngoại lệ.

Đến tận giờ, người dân Xuân An vẫn không hiểu nổi vì sao người xưa đào giếng lại lót dưới đáy 1 bộng gỗ, và cũng chẳng hiểu đó là loại gỗ gì mà có thể ngâm trong nước đã nhiều thế kỷ nay mà không mục rã.

Khối gỗ dưới đáy giếng cổ ở Xuân An có khối hình vuông, dày chừng 1 tấc, ngang khoảng 60cm, dài khoảng 100cm. Theo những người dân địa phương từng cảo giếng (vét đáy giếng) cho biết, trải qua hàng trăm năm ngâm mình trong nước nhưng hiện khối gỗ dưới giếng cổ Xuân An vẫn còn nguyên lành, không có dấu hiệu mục nát, hư hỏng. Khi giở khối gỗ lên, mạch nước từ dưới đáy giếng phun lên phùn phụt.

Bà Trịnh Thị Kim Kha (62 tuổi) người thôn Xuân An cho biết: “Nơi cái giếng cổ tọa lạc nằm cạnh đầm nước mặn Đạm Thủy, vùng SX muối của xã Cát Minh, ấy vậy mà giếng này chưa bao giờ bị nhiễm mặn. Đặc biệt trong những mùa hạn hán, tất cả các giếng nước trong vùng đều cạn kiệt, hoặc nhiễm phèn, nhiễm mặn, thì riêng giếng này vẫn ổn định mực nước, trong leo lẻo, ngọt lịm”.

Theo các nhà nghiên cứu, các giếng cổ ở Bình Định xuất hiện từ thời các vương triều Chămpa trị vì ở đây. Do đó, từ thuở khai thiên lập địa, cư dân Việt đã thấy có các giếng này.

“Trong lịch sử, cư dân Chămpa có những nét văn hóa khá đặc sắc, cuộc sống của họ gắn liền với biển cả, sông nước, nên họ có bí quyết Phong Thủy Địa Cuộc chọn điểm đào giếng, nay đã bị thất truyền”, ông Nguyễn Văn Ngọc, GĐ Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, nhận định.

Giếng cổ Xuân An từng được nghĩa quân Tây Sơn sử dụng

Giếng cổ ở thôn Xuân An nằm trong khu vực di tích Gò Kho, nơi nhà Tây Sơn làm kho, tích lũy lương thực phục vụ cho cuộc khởi nghĩa vào cuối thế kỷ XVIII. Giếng nước này được nghĩa quân Tây Sơn sử dụng trong sinh hoạt khi đóng quân ở đây.

“Để bảo tồn các giếng Chăm cổ, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đã tiến hành khảo sát, chấm tọa độ các giếng cổ trong tổng thể các di tích khảo cổ học khác trên địa bàn toàn tỉnh, để lập bản đồ số về hệ thống các di tích cần được bảo vệ. Đây là cơ sở pháp lý nhằm quản lý tốt hơn các di tích này, để thế hệ mai sau còn được nhìn thấy và tiếp tục nghiên cứu về các di tích giếng cổ đã tồn tại hàng trăm năm của người Chămpa xưa”, nhà nghiên cứu Đinh Bá Hòa, nói.

Giếng cổ Xuân An gắn liền với căn cứ địa nghĩa quân Tây Sơn được thành lập ở đây vào năm 1773. Gần nơi giếng cổ Xuân An tọa lạc vẫn còn các di tích như Vườn Cố, là nơi quân đội nhà Tây Sơn tạm giam những binh lính vi phạm quân luật; hoặc Bàu Voi, nơi ngày xưa có 1 bàu nước mà nghĩa quân Tây Sơn thường dắt voi trận ra tắm sau mỗi lần xung trận; và Gò Kho, nơi tích trữ lương thực, thực phẩm để cung ứng cho các chiến trường trong suốt cuộc khởi nghĩa của 3 anh em nhà Tây Sơn.

Giếng tình

Do giếng cổ nằm trên địa bàn thôn Xuân An, xã Cát Minh không bao giờ cạn nước, kể cả trong mùa hạn; nước giếng lại ngọt mát, trong lành, nên có đến hàng ngàn hộ dân sống quanh vùng lấy nguồn nước của giếng cổ này làm nước sinh hoạt cho gia đình.

Ngày ngày, hàng trăm thanh niên, thôn nữ, không chỉ của làng Xuân An mà cả ở những làng, những xã lân cận quang gánh dập dìu tập trung về giếng cổ Xuân An lấy nước. Nam thanh nữ tú gặp nhau, mắt liếc đưa tình, thế là nảy sinh những chuyện tình đẹp.

Bà Trịnh Thị Kim Kha (62 tuổi), người làng Xuân An, cười bẽn lẽn khi nhớ lại mối tình đầu của mình với ông Đặng Xuân Thanh, người cùng làng, và giờ đã trở thành người chồng gắn bó keo sơn suốt mấy chục năm qua.

Mực nước giếng không bao giờ cạn

Bà Kha kể: “Nhà tui ở cạnh giếng cổ. Sở dĩ tui để ý đến ổng vì thấy ngày nào ổng cũng đến giếng gánh nước, có ngày gánh đến dăm bận. Dù đã để ý, nhưng hồi ấy không ai dám nói lời nào đâu, chỉ nhìn, mà chỉ dám nhìn lén. Mãi sau này ổng mới thú thiệt là gia đình ổng không dùng nhiều nước vậy đâu. Thấy trong ang còn nước là ổng xài bừa bãi cho hết để đi gánh nước, kiếm cớ để được nhìn thấy tui. Vậy là tụi tui thương nhau, cưới nhau, ở với nhau mãi đến tận giờ”.

Chị Trần Thị Tịnh (33 tuổi), không khỏi tự hào khi nói đến cái giếng cổ trên đất quê mình: “Điều rất lạ là mực nước của giếng cổ thấp hơn nhiều so với mực nước những giếng nước khác trong làng, nhưng vào những mùa hạn gắt, tất cả các giếng đào quanh đây đều kiệt nước, giếng nào còn nước thì cũng bị nhiễm mặn, nhiễm phèn không dùng được, thì giếng này vẫn giữ nguyên mực nước cũ, nước vẫn trong vắt và ngọt lịm. Cứ đến mùa hạn là hàng ngàn người dân trong làng, trong xã đến đây gánh nước về dùng”.

Im lặng một lát như để nghĩ chuyện, rồi chị Tịnh kể thêm: “Nước của giếng cổ mà nấu rượu thì rượu ngon chẳng thua rượu Bàu Đá ở xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn. Tui nghe ông bà kể, sở dĩ rượu Bàu Đá ngày xưa ngon có tiếng là do người ta múc nước trong 1 cái bàu nằm giữa cánh đồng, dưới đáy bàu có nhiều tảng đá Chăm, múc nước bàu này về nấu rượu rất ngon”.

Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, khi nhà nhà đã có giếng đóng, giếng khoan thì giếng cổ Xuân An không còn được sử dụng như trước. Giếng cổ bây giờ nằm lọt thỏm giữa bãi đất, cỏ hoang mọc dày, bên cạnh con đường bê tông mới làm. Mặt giếng được đậy một tấm lưới B 40, nhằm để người đi đường không bị lỡ chân rớt xuống.

Bà Trịnh Thị Kim Kha tiếc rẻ: “Giờ nhà ai cũng có giếng, có điện, có nước sẵn trong nhà, nhưng với tui và dân làng quanh đây, nước giếng cổ vẫn là ngon nhất vì nước trong ngọt, không bị nhiễm phèn mặn hay bất cứ thứ chất gì. Giờ giếng cổ nằm hoang vu, chẳng mấy chốc sẽ bị thời gian vùi lấp, tui thấy tiếc đứt ruột. Giá mà nó được người ta trùng tu, tôn tạo lại cho đẹp đẽ, để con cháu đời sau còn được thấy chứng tích lịch sử”.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/gieng-nuoc-cua-doi-quan-ao-vai-post159428.html