Giầu lên từ đất, đá

(BVPL)- Những năm 2010 về trước Yên Lâm được xem là xã nghèo của huyện Yên Định, với kinh nghiệm “làm giầu từ đất, đá” ông Nguyễn Xuân Thái, Chủ tịch UBND xã đã chỉ đạo các thôn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đào tạo lao động tiểu thủ công nghiệp, chọn giống cây trồng hiệu quả cao. Đặc biệt, vụ ớt xuất khẩu 2016 -2017, Yên Lâm trồng trên 130ha (tăng 20% so CK) đã thu trên 150 tỷ đồng/ 6 tháng...

(BVPL)- Những năm 2010 về trước Yên Lâm được xem là xã nghèo của huyện Yên Định, với kinh nghiệm “làm giầu từ đất, đá” ông Nguyễn Xuân Thái, Chủ tịch UBND xã đã chỉ đạo các thôn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đào tạo lao động tiểu thủ công nghiệp, chọn giống cây trồng hiệu quả cao. Đặc biệt, vụ ớt xuất khẩu 2016 -2017, Yên Lâm trồng trên 130ha (tăng 20% so CK) đã thu trên 150 tỷ đồng/ 6 tháng...

20 ha ớt, ước đạt 1,5 tỷ đồng/ha từ được gia đình anh Thái hiến đất làm đường

Từ dám nghĩ, dám làm

Vào thập kỷ 90 của thế kỷ 20, anh Nguyễn Xuân Thái (1967) nguyên Bí thư Xã đoàn xã Yên Lâm đã biết làm giàu từ đất. Anh đã 3 lần được bầu đi dự Đại hội thanh niên toàn quốc về Thanh niên lập nghiệp và làm kinh tế giỏi.

Anh Thái kể: sau 3 năm quân ngũ, tôi được đào tạo sỹ quan. Thời gian này, anh trai đang ở quân đội, cha mẹ già nên tôi chấp nhận phục viên về quê. Ngày ấy, Yên Lâm nghèo lắm, có đến 85% dân tốc thiểu số, ao hồ, ruộng đất nhiều nhưng chưa mưa đã ngập, chưa nắng đã hạn. Yên Lâm giáp Nông trường Thống Nhất, khu vực này rất nhiều diện tích đất trống đồi núi trọc, song phải cải tạo và làm thay đổi cách nghĩ của dân mới thành sản phẩm. Năm 1989, sau khi nhận 24,5ha đất trống đồi núi trọc tôi đã bàn với cha mẹ bán khu nhà trong thôn để mua khu vực đang ở hiện tại với mục đích gần đường giao thông và làm vườn ươm cây giống trồng rừng.

Năm 1990 Xuân Thái xây dựng gia đình, ý chí làm giầu từ đất trống đồi núi trọc như được tiếp sức. Ngày ấy, dân làng thấy anh Thái làm việc khoảng 15 tiếng/ngày. Đối với việc xã hội: anh đảm trách công an viên, Bí thư Xã Đoàn. Thời gian rảnh, anh hì hục đục đá tổ ong thành hình vuông (giống viên gạch) bán lấy vốn ươm cây (sau này khu vực này thành ao cá), tối đến anh cùng vợ ươm cây giống, đào hố trồng cây ăn quả và trồng rừng, trồng mía... Anh đã nhận trên chục ha phía trước nhà mình để cải tạo mà trước đó Huyện đoàn Yên Định tổ chức trồng bạch đàn nhưng rất ít cây sống và nhận trên 5ha hồ trước nhà mình để nuôi cá. Với ý chí cải tạo đất trống, đồi núi trọc thành rừng cây ăn quả, anh Thái đã cấp tốc lên đường tìm về Lục Ngạn để học mô hình trồng vải thiều trên đất đồi. Mùa xuân năm 1994 gia đình anh Thái trồng cây và niềm vui đã đến đó là năm 1998 đã cho thu hoạch, với giá 8.000đồng/kg (ước đạt trên 10 cây vàng/vụ) tương đương thu hoạch của ¼ diện tích lúa toàn xã vụ thu đông. Để tạo thị trường lớn, ổn định, anh Thái đã vận động nhiều hộ có đất vườn đồi cùng trồng vải thiều. Vì vậy, những năm đầu thế kỷ 21 Yên Lâm đã trở thành địa chỉ của thương lái mỗi khi mùa vải thiều chín và thu trên tấn mật ong từ các hộ khi mùa hoa nở...

Đến là giầu cho cả xã

Đầu năm 2007, Yên Lâm đã “nóng” lên sau sự cố thủy lợi và buông lỏng quản lý của lãnh đạo xã. Dẫn đến tháng 9/2007 Nguyễn Xuân Thái, người cán bộ văn hóa được giao quyền Chủ tịch UBND xã và là xã nghèo nhất huyện.

Sau vụ đông năm 2007, Yên Lâm quyết liệt “tự cung, tự cấp” bằng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ đông hiệu quả, đây là nền móng để năm 2008, 2009, 2010 xã nghèo không nằm trong danh sách phải trợ cấp lương thực như những năm trước đó. Theo báo cáo tổng hợp về thu nhập bình quân: năm 2005 đạt 4,9 triệu đồng/người/năm; năm 2006 đạt 5,62 triệu đồng/người/ năm; năm 2009 đạt 11,05 triệu đồng/người/năm; năm 2015 đạt 34,12 triệu đồng/người/năm, năm 2016 đã đạt 47,83 triệu đồng/người/năm. Năm 2017, thu nhập sẽ trên 50 triệu đồng/người vì vụ ớt xuất khẩu năm 2016 -2017 toàn xã thu trên 150 tỷ đồng/130 ha. Do vụ ớt đông thắng lợi và có trên 2000 lao động làm việc tại 51 doanh nghiệp trong địa bàn, những ngày cuối năm 2016 nhân dân Yên Lâm đã làm “cháy” các quầy hàng bán ti vi, tủ lạnh...vì mua sắm ăn tết.

Từ xã nghèo 135 được đánh giá “biết bao giờ thoát được đói nghèo”. Sau 7 năm giữ vị trí chủ chốt, Nguyễn Xuân Thái đã cùng Đảng bộ và nhân dân từng bước làm giầu bền vững. Đầu quý 2/2014 Yên Lâm đã được công nhận xã văn hóa, tại buổi lễ nhân dân biết thêm xã mình “đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM”. Để có mặt bằng xây dựng công sở “đẹp nhất nước”, anh Thái đã vận động gia đình em gái “hiến” 1,1ha vải thiều đang thời kỳ ra quả để quy hoạch đất công sở với chấp nhận “thiệt khoảng 200 triệu đồng” so với bồi thường từ công trình thủy lợi Nhà nước. Và, làm gương cho nhân dân trong xã đầu năm 2016, gia đình anh đã ủng hộ gần 3.000m2 đất trồng bưởi để cho thôn Cao Khánh làm đường vào cánh đồng 20 ha và chỉ sau đó cánh đồng này đã thu nhập khoảng 1,5 tỷ/ha vụ ớt xuất khẩu. Từ việc hiến đất của gia đình anh Thái đã kéo theo nhiều hộ hiến đất mở rộng đường giao thông, đưa tổng diện tích hiến đất của toàn xã từ năm cuối 2007 đến nay lên trên 90.000m2.

Thực hiện cuộc vận động “hiến đất làm đường giao thông” thôn, xã những năm gần đây, Yên Lâm được đánh giá là xã “duy nhất” trong tỉnh có nhiều m2 được nhân dân tự nguyện hiến đất làm đường, không gây thắc mắc, khiếu nại. Để phát triển bền vững, nhiệm kỳ 2010 -2015 Yên Lâm đã quy hoạch 217ha đất xây dựng khu dân cư làng nghề, trẻ hóa và đặc biệt quan tâm đến đào tạo cán bộ kế cận, đào tạo lao động phục vụ làng nghề, nhạy cảm trong tiếp thị và chỉ đạo nhận dân trồng các loại cây sản phẩn cho giá trị cao…

Phạm Ngọc

Nguồn BVPL: http://baobaovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/phong-su-xa-hoi/201709/yen-lam-yen-dinh-thanh-hoa-giau-len-tu-dat-da-2570611/