Giật mình vì con số nhập khẩu thịt, ngành chăn nuôi sợ mất 'sân nhà'

Thời gian gần đây, ngành chăn nuôi trong nước liên tiếp 'kêu cứu' trước tình trạng nhập khẩu thịt ồ ạt. Ngành này lo ngại, nếu tình hình không được siết chặt, chỉ 3- 5 năm tới khi các dòng thuế quan các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu về mức 0% thì Việt Nam sẽ trở thành nước nhập siêu sản phẩm chăn nuôi.

Là một trong những đơn vì vừa chăn nuôi vừa đẩy mạnh chế biến sản phẩm thịt heo cung ứng ra thị trường, song HTX kinh doanh Thao Thanh (phường Thọ Xương, TP.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) cũng đang đứng trước rất nhiều khó khăn về bài toán thị trường đầu ra.

Khách hàng lớn chuộng thịt nhập vì rẻ

Ông Nguyễn Văn Thao, Giám đốc HTX kinh doanh Thao Thanh (phường Thọ Xương, Tp.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), thông tin HTX chỉ duy trì đàn heo trong khoảng 1.000 con, túc tắc làm không dám mở rộng thêm vì sợ thua lỗ trước biến động giá, dịch bệnh và đặc biệt là đầu ra phải cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm nhập khẩu.

Thịt nhập khẩu ồ ạt vào có thể khiến ngành chăn nuôi trong nước khó khăn.

“Nhiều khách hàng như nhà máy, xí nghiệp tìm đến HTX để mong muốn mua thịt heo nhưng khi chúng tôi chào giá thì họ từ chối vì chê “đắt”. Hiện nay, họ mua thịt đông lạnh nhập khẩu chỉ có giá 50 – 60 nghìn đồng/kg, nên sản phẩm thịt heo nội rất khó cạnh tranh”, vị Giám đốc HTX cho biết.

4 Hiệp hội chăn nuôi gồm: Hội Chăn nuôi Việt Nam; Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam; Hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam; Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam mới đây đã cùng nhau ký đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiến nghị về những bất cập, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành, trong đó có phản về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Theo các Hiệp hội, có thể nói so với các nước có nền chăn nuôi phát triển, các quy định về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của nước ta chưa chặt chẽ, còn nhiều lỗ hổng. Trong khi đó, để xuất khẩu được sản phẩm thịt trứng gia cầm, chúng ta phải chịu rất nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt tại các nước nhập khẩu, khiến các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đang bị yếu thế và thiệt thòi ngay trên sân nhà.

Theo số liệu thống kê năm 2023, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi là 3,53 tỷ USD, trong khi xuất khẩu chỉ có 515 ngàn USD. Ngoài con số nhập khẩu chính ngạch nêu trên, còn một khối lượng rất lớn vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu tiểu ngạch (nhập lậu).

Theo phản ánh của cơ quan chức năng và truyền thông, trong năm 2023 và những tuần đầu của năm 2024, mỗi ngày có từ 6.000-8.000 con lợn thịt (khối lượng 100-120kg/con) được nhập lậu vào Việt Nam, chưa kể lượng lớn trâu, bò, gà thải loại, gà giống…

“Việc nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm chăn nuôi vào nước ta hiện nay gây áp lực cạnh tranh không công bằng với các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Vì sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu chính ngạch hiện nay, phần lớn là thứ phẩm mà ở các nước họ ít dùng làm thực phẩm, như: đầu, cổ cánh, tim cật, lòng mề, gà đẻ và bò sữa thải loại… chưa kể đó còn là các loại thực phẩm đã gần hết hạn sử dụng nên có giá rất rẻ, chỉ bằng ½ giá trong nước cùng loại khi nhập về”, Hiệp hội Chăn nuôi cho biết.

Kiến nghị tăng thêm rào cản kỹ thuật

Đáng lo ngại, nhập khẩu ồ ạt sản phẩm chăn nuôi làm mất cơ hội và động lực đầu tư của doanh nghiệp, người chăn nuôi, ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm Quốc gia.

Ấn Độ đang là thị trường cung cấp thịt lớn nhất cho Việt Nam.

"Với tốc độ nhập khẩu như hiện nay, chỉ 3- 5 năm tới khi các dòng thuế quan các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu về mức 0% thì Việt Nam sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi", các Hiệp hội lo ngại. Đây có thể là một ngoại lệ diễn ra quá nhanh so với nhiều nước trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, Nhà nước cần có chính sách và thời gian để người chăn nuôi và doanh nghiệp trong nước có thể thích nghi được.

Trước đó, trong đơn gửi tới Thủ tướng, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai phản ánh với giá bán chỉ trên dưới 50.000 đồng một kg heo hơi, khiến người chăn nuôi trong nước thua lỗ vì phải bán dưới giá thành sản xuất. Ngoài ra, hiệp hội cho rằng heo nhập lậu tràn lan làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tương lai, đàn heo nội địa sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng gây thiếu hụt nguồn cung trong nước.

"Nhiều năm qua, ngành chăn nuôi trong nước đã chịu áp lực từ dịch bệnh Covid-19, dịch tả heo Châu Phi... nên thua lỗ liên miên. Nhiều trang trại hoặc hộ chăn nuôi phải giảm đàn, ngưng sản xuất", ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nêu trong đơn.

Các Hiệp hội đề nghị, cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi. Đối với nhập khẩu chính ngạch, khẩn trương xây dựng các hàng rào kỹ thuật và các chính sách thương mại để hạn chế thấp nhất việc nhập khẩu chính ngạch các sản phẩm chăn nuôi.

Dẫn kinh nghiệm của Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…, các Hiệp hội cho biết, họ đưa ra các yêu cầu về xử lý nhiệt lạnh với công nghệ phức tạp, chi phí cao hay mỗi nước trung bình chỉ cho phép có từ 3-5 cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không là được phép nhập khẩu vật nuôi sống mà thôi. Trong khi Việt Nam chúng ta đang có tới trên 30 cửa khẩu các loại được phép nhập khẩu vật nuôi sống vào trong nước.

Đối với nhập khẩu tiểu ngạch, các Hiệp hội đề nghị cấm tất cả mọi hình thức nhập khẩu và sử dụng các loại vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu theo hình thức này, vì sản phẩm chăn nuôi trong nước đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, ngoài ra Việt Nam có đường biên giới dài, các nước xung quanh chưa phải là những nước có công tác thú y, kiểm soát tốt dịch bệnh.

Về vấn đề kiểm soát thịt nhập lậu, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Phạm Kim Đăng khẳng định: Đây là việc làm thường xuyên, cần phải tăng cường. Nếu không kiểm soát chặt, thịt nhập lậu sẽ đem theo mầm bệnh vào Việt Nam gây bùng phát dịch bệnh mới, ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm, cạnh tranh không lành mạnh tới sản phẩm nội địa.

“Để ngăn chặn nhập lậu, Thủ tướng đã có yêu cầu tăng cường kiểm tra, siết chặt vấn đề này. Bên cạnh sự nỗ lực của ngành nông nghiệp rất cần sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan như công an, biên phòng, hải quan…”, ông Đăng nói.

Tuy nhiên, với các sản phẩm thịt đông lạnh nhập khẩu chính ngạch, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, khi Việt Nam hội nhập kinh tế sâu rộng, tức là tham gia sân chơi toàn cầu thì sản phẩm nội địa phải chấp nhận cạnh tranh. Theo đó, ngành chăn nuôi trong nước cần phải chủ động giảm giá thành sản xuất, đảm bảo chất lượng. Tất nhiên, Việt Nam cũng nghiên cứu thêm các hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản phẩm chăn nuôi trong nước.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/giat-minh-vi-con-so-nhap-khau-thit-nganh-chan-nuoi-so-mat-san-nha-1098757.html