Giao thông tạm dừng trên cầu Crimea do tình trạng khẩn cấp

Trong một thông báo trên Telegram sáng sớm ngày 17/7, Thống đốc Crimea Sergey Aksyonov cho biết giao thông trên cầu Kerch nối liền bờ biển Crimea và Bán đảo Taman tại Krasnodar Krai của Nga đã bị đình chỉ do 'tình trạng khẩn cấp' chưa xác định.

Cầu Crimea, hay cầu Kerch, nối liền bán đảo Crimea với mạng lưới giao thông của Nga. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin RT dẫn lời ông Aksyonov, ông yêu cầu người dân tránh xa cây cầu bắc qua eo biển Kerch này nhưng không công bố thêm bất kỳ chi tiết nào, trong đó bao gồm nguyên nhân giao thông bị đình chỉ. Các video được đăng tải trên nhiều nền tảng mạng xã hội cho thấy cầu Kerch sáng ngày 17/7 ghi nhận tình trạng tắc đường và nhiều lái xe buộc phải quay đầu lại nơi mình xuất phát.

Tuy nhiên theo hãng thông tấn RBC – Ukraine, có một vụ nổ đã xảy ra trên cây cầu này. Các báo cáo chưa được xác minh từ kênh Baza trên Telegram cho biết có 2 người thiệt mạng và 1 người bị thương trong khi các kênh khác dẫn lời các nhân chứng nói rằng họ nghe thấy những tiếng nổ lớn.

Việc cầu Crimea bị tấn công không phải là điều chưa từng xảy ra. Trên thực tế, chính phủ Nga từng nhiều lần cáo buộc Ukraine tấn công cây cầu này, đặc biệt là vụ tấn công hồi ngày 8/10/2022. Vào thời điểm đó, một chiếc xe tải chở gần 22,8 tấn thiết bị nổ ngụy trang đã phát nổ khi đang di chuyển trên cầu Crimea. Vụ việc khiến 3 người thiệt mạng, 2 nhịp cầu đường bộ bị sập một phần xuống biển và làm 7 toa chở nhiên liệu của một tàu chở hàng trên đường ray liền kề bốc cháy.

Đến tháng 2 năm nay, lưu lượng phương tiện giao thông qua cầu Crimea đã được khôi phục hoàn toàn, trong khi dịch vụ đường sắt đã hoạt động trở lại vào tháng 5, theo Moscow Times.

Tổng thống Nga Vladimir Putin khi đó đã gọi vụ nổ cầu Crimea là một cuộc tấn công khủng bố nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự. Ông cáo buộc Tổng cục Tình báo Ukraina (GUR) là bên đứng sau vụ đánh bom trên cầu Crimea. Trong khi đó, Cơ quan An ninh Quốc gia Nga (FSB) cáo buộc đích thân Giám đốc GUR Kirill Budanov là người tổ chức cuộc tấn công.

Tắc đường tại cầu Kerch ngày 17/7. Ảnh: Baza

Ngược lại, chính phủ Ukraine đã từ chối nhận trách nhiệm về cuộc tấn công. Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Canada CTV ngày 19/10/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định: “Chúng tôi chắc chắn đã không ra lệnh đó theo như những gì tôi biết”.

Tuy nhiên tới 8/7/2023, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar tuyên bố trên kênh Telegram của mình rằng: “Đã 273 ngày kể từ khi chúng tôi giáng đòn đầu tiên vào cây cầu Crimea để làm gián đoạn hoạt động hậu cần của người Nga”, trực tiếp thừa nhận Ukraine là bên đứng sau vụ tấn công này.

Tuyên bố này đã nhận phải sự chỉ trích dữ dội từ phía Nga khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Maria Zakharova gọi chính quyền Ukraine là "chế độ khủng bố", theo Sputnik.

Cầu Crimea, hay còn được gọi là cầu Kerch là một cây cầu đi qua eo biển Kerch, kết nối trực tiếp bán đảo này với mạng lưới giao thông của Nga. Với tổng chi phí khoảng 3,7 tỷ USD, cầu Kerch có chiều dài 19km và có thể chở tới 47 đội tàu cùng khoảng 40.000 ô tô mỗi ngày. Những con số này biến nó thành cây cầu dài nhất tại châu Âu và một trong những công trình kiến trúc cùng loại lớn nhất trên thế giới

Vào năm 2015, việc khởi công xây dựng công trình này được bắt đầu bởi công ty Stroygazmontazh với chủ sở hữu là tỷ phú Arkady Rotenberg – người đã ngay lập tức bị liệt vào danh sách trừng phạt của Mỹ cùng các quốc gia phương Tây vào năm 2016 cùng các công ty Nga khác.

Website chính thức của Stroygazmontazh cho biết “công trình thế kỷ” này bao gồm 2 làn song song gồm một đường ô tô bốn làn xe và một đường sắt đôi nối liền bờ biển Crimea và Bán đảo Taman. Nhằm tạo ra biên độ an toàn và khả năng chống chịu địa chấn cho cây cầu, Nga đã cho xây dựng 595 trụ với hơn 7.000 cọc thuộc ba loại khác nhau: lăng trụ, khoan nhồi và hình ống. Một số cọc thậm chí còn được đóng theo một góc nghiêng để đảm bảo sự ổn định tốt hơn cho các trụ.

Cây cầu này được hoàn thành vào năm 2019, trước thời hạn 6 tháng, theo các hãng thông tấn Nga. Trong ngày khai trương cây cầu này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đích thân lái chiếc xe tải Kamaz màu cam mở đường.

Nhờ sự ra đời của cầu Kerch, hoạt động giao thông, du lịch cũng như việc vận chuyển nhiều tấn nhiên liệu, thực phẩm và hàng hóa giữa Nga và Crimea không còn gặp khó khăn. Trước đây, tất cả các phương tiện ô tô đi qua eo biển Kerch đến Crimea đều phải đi qua lãnh thổ Ukraine hoặc đi bằng phà. Tuy nhiên, những chuyến phà thường xuyên bị hủy do điều kiện thời tiết không thuận lợi.

Ngoài ra, nó cũng là một tuyến đường tiếp tế chính cho các lực lượng Nga sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Với tầm quan trọng này, cầu Kerch luôn là một trong các điểm nóng của chiến sự.

Hình ảnh cầu Kerch bị tấn công hồi tháng 10/2022. Ảnh: Reuters

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/giao-thong-tam-dung-tren-cau-crimea-do-tinh-trang-khan-cap-post24267.html