Giáo sư Trần Quang Hải qua đời, thọ 77 tuổi

Theo thông tin từ gia đình, GS.TS Trần Quang Hải, trưởng nam của cố GS Trần Văn Khê đã qua đời lúc rạng sáng 30-12 tại Paris - Pháp, thọ 77 tuổi.

GS.TS Trần Quang Hải bị bệnh ung thư máu từ năm 2019. Tháng 5-2019, ông được đưa vào Bệnh viện Villeneuve St. Georges (Pháp) cấp cứu vì độ đường trong máu xuống thấp. Khi đó, các bác sĩ phát hiện ông bị sưng phổi và suy thận, cùng bệnh lý nền ung thư máu, tiểu đường mãn tính đã đe dọa tính mạng của ông. Tuy nhiên, ông vẫn giữ tinh thần lạc quan, chống chọi với các căn bệnh cho đến lúc qua đời.

GS.TS Trần Quang Hải được mời làm thông tín viên của Báo Người Lao Động. Ông sẵn sàng phát biểu về những vấn đề ông quan tâm, nhất là hoạt động trong lĩnh vực văn hóa truyền thống, âm nhạc dân tộc. Cách đây không lâu, ông đã bày tỏ niềm vui mừng khi Quỹ Trần Văn Khê đã đi vào hoạt động, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thân phụ - giáo sư Trần Văn Khê.

GS.TS Trần Quang Hải và ca sĩ Bạch Yến tại Pháp

GS.TS Trần Quang Hải sinh năm 1944, tại TP HCM. Ông là hậu duệ đời thứ 5 của nhạc sĩ cung đình Huế Trần Quang Thọ (1830-1890); đời thứ tư của nhạc sĩ nổi tiếng về đàn tỳ bà - Trần Quang Diệm; đời thứ 3 của nhạc sĩ nổi tiếng về đàn kìm và dây Tố Lan Trần Quang Triều (tự Bảy Triều). Ông là trưởng nam của cố giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa và âm nhạc cổ truyền nổi tiếng Trần Văn Khê; mẹ là bà Nguyễn Thị Sương - cựu giáo sư Anh văn.

Chịu ảnh hưởng truyền thống gia đình, ông sớm định hướng theo con đường âm nhạc. Sau khi tốt nghiệp khoa violin tại Trường Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, ông sang Pháp tiếp tục học nâng cao về violin.

Nhờ được cố vấn bởi trưởng dàn nhạc giáo sư Yehudi Menuhin, ông đổi sang học các loại nhạc cụ dân tộc khác tại các trường đại học: Louvre, Sorbonne (Paris, Pháp), Cambridge (London, Anh). Sau đó, ông được cấp bằng tiến sĩ âm nhạc dân tộc người Việt tại Pháp, người thứ hai lấy bằng này sau cha của mình.

Ông bắt đầu làm việc cho Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học tại Bào tàng Con người (Museé de l’Homme) Paris (Pháp) từ năm 1968. Ông đã có những nghiên cứu đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc như: hát đồng song thanh, phát triển gõ muỗng, phát triển kỹ thuật biểu diễn đàn môi… đang được thế giới quan tâm. Ông cũng là thành viên của Hội đồng Âm nhạc truyền thống quốc tế.

Ông và vợ là ca sĩ Bạch Yến, đã thực hiện hơn 3.000 buổi giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam ở 70 nước trên thế giới. Ông được tôn xưng danh hiệu "vua muỗng" sau khi chiến thắng tại một cuộc thi gõ muỗng trong khuôn khổ Đại nhạc hội ở Anh vào năm 1967.

GS.TS Trần Quang Hải

GS.TS Trần Quang Hải có hơn 60 năm gắn bó với những giai điệu từ muỗng. Ông từng biểu diễn "gõ muỗng" trong hơn 1.500 chương trình biểu diễn, buổi sinh hoạt âm nhạc ở hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tại Việt Nam, ông được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục người thể hiện tiết tấu - âm thanh đa dạng nhất từ nghệ thuật gõ muỗng.

Năm 2012, GS.TS Trần Quang Hải được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục người trình diễn đàn môi tại nhiều quốc gia nhất thế giới.

Tang lễ ông sẽ được cử hành vào lúc 13 giờ 30 ngày 4-1-2022.

Thanh Hiệp (ảnh NSCC)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/giao-su-tran-quang-hai-qua-doi-tho-77-tuoi-2021122909192251.htm