Giáo sư bệnh viện quốc tế lưu ý 'bí kíp' phòng bệnh tim mạch

Theo các chuyên gia, bệnh lý tim mạch – một trong những bệnh không lây nhiễm đang ngày càng tăng, trẻ hóa và tỷ lệ tử vong cao. Do đó, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa sớm bệnh tim mạch là việc làm cấp thiết.

Bệnh mang tên "kẻ giết người thầm lặng" ngày càng gia tăng, trẻ hóa

Bệnh lý tim mạch xuất hiện âm thầm nhưng để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh tim mạch là nguyên nhân tăng nguy cơ phát triển thêm các bệnh khác và gây tử vong hàng đầu trên phạm vi toàn cầu.

Ngày nay, bệnh tim mạch có xu hướng ngày càng tăng và gặp ở mọi lứa tuổi ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam, mô hình sức khỏe của Việt Nam đang có sự dịch chuyển. Trong khi các bệnh nhiễm trùng và suy dinh dưỡng đang dần được kiểm soát thì các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, bệnh nội tiết, tiểu đường, ung thư… lại gia tăng mạnh, nguyên nhân do lối sống, ô nhiễm môi trường, thừa cân, béo phì, lười vận động…

Theo thống kê mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong. Tim mạch là bệnh diễn biến ngầm, được coi như "kẻ giết người thầm lặng".

Đội ngũ chuyên gia tại Viện Tim Bumrungrad chăm sóc điều trị những bệnh nhân với tình trạng bệnh tim phức tạp

Liên quan đến bệnh lý tim mạch, bên lề hội thảo tại Bệnh viện Tim Hà Nội, GS. TS. BS Koonlawee Nademanee - Nhà sinh lý điện tim, Viện Tim thuộc Bệnh viện Quốc tế Bumrungrad, đã nghiên cứu, phát triển một trong những phương pháp tiếp cận thành công cắt bỏ rung nhĩ; đồng thời, ông là một trong những bác sĩ miêu tả hội chứng Brugada - hội chứng đột tử không rõ nguyên nhân ở Đông Nam Á và phát triển liệu pháp cắt đốt để điều trị đưa ra lời khuyên:

"Người mắc bệnh béo phì, tiểu đường, huyết áp cao dễ liên quan các bệnh lý về tim mạch. Vì vậy chúng ta để ý đến chế độ ăn nhiều rau xanh, hạn chế đồ ăn nhanh, dầu mỡ, từ bỏ rượu bia, thuốc lá, chất kích thích cũng góp phần kiểm soát bệnh tật. Ngoài ra, bên cạnh chế độ ăn uống khoa học, việc tập thể dục, thường xuyên vận động vô cùng quan trọng trong kiểm soát căn bệnh này".

Chuyên gia này cũng lưu ý, khi có một số dấu hiệu điển hình như khó chịu ở ngực, tức ngực hoặc khi leo cầu thang, chạy thấy tức ngực, hụt hơi, mệt mỏi, bị ngất hoặc đôi khi có dấu hiệu không điển hình - như đau lưng - cần kiểm tra sức khỏe sớm. Những người trong độ tuổi từ 35 – 40 nên đi kiểm tra cholesterol để kịp thời có những điều chỉnh về dinh dưỡng, lối sống nhằm bảo vệ sức khỏe của bản thân, tránh là nạn nhân của bệnh lý tim mạch.

GS.TS.BS Koonlawee Nademanee - nhà nghiên cứu, phát triển phương pháp tiếp cận cắt bỏ rung nhĩ

Làm chủ nhiều kỹ thuật cao trong điều trị bệnh lý tim mạch

Chia sẻ tại hội thảo, GS.TS.BS Koonlawee Nademanee cho hay, rung nhĩ là vấn đề lớn của mọi người trên thế giới, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng càng cao tuổi, nguy cơ càng lớn, từ 65 tuổi trở lên có nguy cơ cao, từ trên 75 tuổi bất kỳ ai ở bất kỳ chủng tộc nào cũng đều có thể mắc phải.

"Đối với Việt Nam, những năm tới đây khi dân số già hơn, gánh nặng y tế và chi phí cho cắt đốt rung nhĩ có thể sẽ tăng lên"- GS.TS.BS Koonlawee Nademanee cảnh báo.

Nói thêm về điều trị rung nhĩ, GS.TS.BS Koonlawee Nademanee cho hay, trong quá khứ, cách đây 30 năm, chưa có công nghệ cắt đốt rung nhĩ, phải sử dụng thuốc để kiểm soát nhịp đập của tim, sử dụng thuốc để không bị đông máu trong thời gian dài và bệnh nhân phải lệ thuộc nhiều vào thuốc. Sau này phương pháp cắt đốt rung nhĩ đã góp phần vào công cuộc điều trị hiệu quả cho người bệnh mắc bệnh lý tim mạch.

Ông cũng cho biết đã có một số bác sĩ tim mạch của Việt Nam đến 'tầm sư học đạo' tại Viện Tim thuộc Bệnh viện Quốc tế Bumrungrad về kỹ thuật cắt đốt rung nhĩ.

Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Bệnh viện Quốc tế Bumrungrad (Thái Lan) đã thông tin về việc tại đây đang áp dụng việc sàng lọc chính xác các tình trạng bệnh tim cho những bệnh nhân được coi là có nguy cơ cao, cũng như đối tượng mong muốn nâng cao sức khỏe cho bộ phận quan trọng này.

Một trong những điểm mạnh của đội ngũ chuyên gia tim mạch Bumrungrad là có thể chăm sóc điều trị cho cả những bệnh nhân với tình trạng bệnh tim rất phức tạp. Bên cạnh đó, tại đây còn mở rộng các trung tâm nghiên cứu phát triển chuyên môn để cùng thảo luận trao đổi việc điều trị các tình trạng bệnh lý phức tạp.

GS. TS. BS Koonlawee chia sẻ phương pháp điều trị cắt đốt rung nhĩ với các phóng viên.

Bệnh viện tim Bumrungrad cũng đạt nhiều thành tựu trong việc điều trị 7 căn bệnh liên quan đến tim như bệnh động mạch vành, rối loạn nhịp tim, suy tim và bệnh tim cấu trúc… Về căn bệnh tim cấu trúc, tại đây có một đội ngũ bác sĩ phẫu thuật tim chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm để thực hiện các thủ thuật tim mạch, đồng thời đưa ra các khuyến nghị về điều trị trong những trường hợp không cần phẫu thuật tim hở.

Bên cạnh đó, các chuyên gia tại đây cũng điều trị thành công nhiều bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh. Ngoài ra, tình trạng di truyền bệnh tim cũng được phát hiện, chẩn đoán tại bệnh viện... "50-70% bệnh nhân tại bệnh viện chúng tôi đến từ khắp nơi trên thế giới, thậm chí có bệnh nhân đến từ Ethiopia. Chúng tôi tin bệnh viện chúng tôi sẽ tiến bộ hơn nữa trong tương lai"- GS. TS. BS. Koonlawee Nademanee nói.

Bệnh viện quốc tế Bumrungrad là bệnh viện ở Châu Á nhận được chứng nhận JCI (Joint Commission International) của Mỹ về an toàn và chất lượng bệnh viện toàn cầu. Bệnh viện Bumrungrad được cấp phép với 580 giường bệnh và phục vụ với công suất hơn 5.500 bệnh nhân ngoại trú mỗi ngày.

Được đánh giá một trong những bệnh viện cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt tại Thái Lan và khu vực Đông Nam Á, bệnh viện cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cả bệnh nhân nội và ngoại trú. Cùng đội ngũ bác sĩ và nhân viên giàu kinh nghiệm, Bệnh viện Quốc tế Bumrungrad luôn chú trọng đến chất lượng chăm sóc sức khỏe từng người bệnh.

Hoàng Đặng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/giao-su-benh-vien-quoc-te-luu-y-bi-kip-phong-benh-tim-mach-169221026084813078.htm