Giao lưu trực tuyến: Khuyến khích tham gia đầu tư phát triển trồng dược liệu tạo ra cây thuốc có giá trị cao hơn

Báo Điện tử Sức khỏe & Đời sống phối hợp với Cục Quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế tổ chức chương trình Giao lưu trực tuyến với chủ đề 'Khuyến khích tham gia đầu tư phát triển trồng dược liệu tạo ra cây thuốc có giá trị cao hơn'.

Chương trình được phát trực tiếp trên Báo Điện tử Suckhoedoisong.vn và trên Fanpage Báo Sức khỏe và Đời sống.

Các chuyên gia tham dự chương trình Giao lưu trực tuyến "Khuyến khích tham gia đầu tư phát triển trồng dược liệu tạo ra cây thuốc có giá trị cao hơn".

Việt Nam có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú và đa dạng, đồng thời cộng đồng các dân tộc có nhiều kinh nghiệm nuôi trồng và sử dụng các loài cây làm thuốc. Tuy nhiên, hiện nay, nước ta vẫn phải nhập một lượng dược liệu lớn mỗi năm do chưa cung ứng đủ cho nhu cầu.

Hiện nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước ước tính từ 60.000 - 80.000 tấn/năm. Dù vậy, sản lượng từ nuôi trồng và khai thác dược liệu ở nước ta mới đáp ứng được khoảng 30%, lượng còn lại chủ yếu được nhập khẩu. Diện tích, năng suất và sản lượng cây dược liệu được sản xuất ở Việt Nam còn rất hạn chế. Cho đến nay có hơn 500 loài cây thuốc đã được trồng với các mức độ khác nhau, nhưng chỉ có 50 loài được trồng phổ biến có quy mô trên 10 ha.

Cùng với đó, ngành dược liệu nước ta hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Các quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy phạm khảo nghiệm đối với cây dược liệu vẫn chưa được ban hành gây khó khăn cho công tác khảo nghiệm và công nhận giống cây dược liệu mới. Các đề tài, dự án đối với việc nghiên cứu, chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển cây dược liệu vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Kỹ thuật canh tác và quản lý chất lượng trong sản xuất cây dược liệu còn hạn chế. Cây dược liệu có yêu cầu khắt khe trong kỹ thuật canh tác làm sao vừa đảm bảo hàm lượng hoạt chất vừa đảm bảo năng suất; yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao tuy nhiên việc nghiên cứu về thành phần sâu, bệnh hại trên cây dược liệu, quy trình canh tác tổng hợp, quy trình phòng trừ sâu bệnh hại chưa được thực hiện.

Hiện nay, tại một số vùng sản xuất tập trung các công ty sản xuất cây dược liệu đang tiến hành theo tiêu chuẩn hướng dẫn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP - WHO), nhưng các vùng sản xuất nhỏ, sản xuất nông hộ… người dân đều làm theo kinh nghiệm.

Việt Nam luôn bảo tồn, phát triển nền y dược học cổ truyền, tiến tới xây dựng thành một lĩnh vực kinh tế hiệu quả. Bởi đã từ lâu, dược liệu không chỉ khẳng định vai trò quan trọng trong y dược cổ truyền, mà còn là nguyên liệu cho ngành hóa dược, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, tạo ra nhiều loại sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Để dược liệu trở thành một ngành kinh tế, được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng trồng dược liệu gắn với công nghiệp chế biến, cơ cấu sản phẩm đa dạng bảo đảm an toàn và chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và xuất khẩu. Theo Quyết định 1976, cả nước sẽ phát triển tám vùng trồng nguyên liệu để trồng 54 loài dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên.

Ngày 17/3/2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây được xác định là văn bản chỉ đạo cho sự phát triển dược liệu trong nước trong hai thập kỷ tới.

Toàn cảnh chương trình giao lưu trực tuyến.

Cũng trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025; đã mở ra hướng phát triển dược liệu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, không chỉ bảo tồn cây dược liệu mà còn giúp phát triển kinh tế-xã hội, đem lại cuộc sống ấm no cho bà con.

Trong bức tranh tổng thể về tinh hoa dược liệu Việt, bên cạnh sự chỉ đạo, định hướng của Nhà nước với vai trò thiết lập chuỗi liên kết giá trị dược liệu phát triển từ vùng trồng để tạo sự phát triển bền vững, rất cần vai trò các nhà khoa học, doanh nghiệp và người nông dân. Tại các vùng trồng dược liệu đang nỗ lực mở rộng diện tích, ưu tiên đầu tư nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc dược liệu chất lượng cao, mang thương hiệu quốc gia.

Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về ý nghĩa của việc bảo tồn và phát triển vùng dược liệu, trồng dược liệu liệu tạo ra cây thuốc có giá trị cao hơn… Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề: "Khuyến khích tham gia đầu tư phát triển trồng dược liệu tạo ra cây thuốc có giá trị cao hơn".

Khách mời tham gia chương trình:

TS. Trần Minh Ngọc – Phó Cục trưởng Cục quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế.

PGS.TS Phạm Thanh Huyền - Giám đốc Trung tâm Tài nguyên dược liệu, Viện Dược liệu.

ThS. Vũ Thị Hồng Nhung - Phó Chủ tịch HĐQT/ Giám đốc Công ty Cổ phần VietRAP Đầu tư Thương mại.

Bạn đọc có thể gửi câu hỏi về tòa soạn ngay từ bây giờ theo địa chỉ:

Email: toasoan@suckhoedoisong.vn

Hoặc gọi theo số 0933138115 trực tiếp đặt câu hỏi với các chuyên gia trong thời gian diễn ra chương trình.

Báo Điện tử Sức khỏe & Đời sống (Suckhoedoisong.vn) trân trọng cảm ơn TS. Trần Minh Ngọc – Phó Cục trưởng Cục quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế; PGS.TS Phạm Thanh Huyền - Giám đốc Trung tâm Tài nguyên dược liệu, Viện Dược liệu; ThS. Vũ Thị Hồng Nhung - Phó Chủ tịch HĐQT/ Giám đốc Công ty Cổ phần VietRAP Đầu tư Thương mại đã nhận lời tham gia chương trình.

Chương trình do Báo điện tử Sức khỏe & Đời sống phối hợp với Cục Quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế thực hiện.

Báo SKĐS

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/giao-luu-truc-tuyen-khuyen-khich-tham-gia-dau-tu-phat-trien-trong-duoc-lieu-tao-ra-cay-thuoc-co-gia-tri-cao-hon-16923102609494656.htm