Giao lưu, hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc: Từ quá khứ đến kỳ vọng tương lai

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, toàn diện giữa Việt Nam - Trung Quốc có tính lịch sử lâu dài và được vun đắp qua nhiều thế hệ lãnh đạo khác nhau, ngày càng gặt hái được nhiều thành công trên mọi phương diện.

Về kinh tế, mối quan hệ song phương không chỉ diễn ra và gặt hái được thành công trong giai đoạn hiện nay mà đã được hình thành và phát triển xuyên suốt tiến trình quan hệ giữa hai nước.

Quan hệ kinh tế mật thiết thời kỳ phong kiến

Trao đổi kinh tế giữa nhân dân và chính quyền hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã được thực hiện xuyên suốt tiến trình lịch sử, mà mốc mở đầu là thời kỳ trước Công nguyên. Khi đó, thương nhân Trung Hoa thường vượt biển xuống phía Nam để buôn bán với người dân Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam (tên gọi những vùng đất cổ mà nay thuộc về lãnh thổ Việt Nam). Ngược lại, người Việt cổ cũng tham gia tích cực vào hệ thống buôn bán và “triều cống” quốc gia phương Bắc với nhiều sản vật nổi tiếng. Việc buôn bán xuyên biên giới trở thành một điểm nhấn trong quan hệ giữa hai nước xuyên suốt giai đoạn phong kiến sau đó.

Đến thời phong kiến độc lập tự chủ, những thương cảng và trung tâm kinh tế quan trọng của Việt Nam như: Vân Đồn, Phố Hiến, Thăng Long, Thanh Hà, Hội An,… liên tục chứng kiến sự tham gia tích cực, tấp nập của thương nhân Trung Quốc. Thậm chí, thương nhân Trung Hoa đã xây dựng nên nhiều cộng đồng ở những khu vực nói trên và có sự gắn kết chặt chẽ với người dân bản địa. Từ thế kỷ XVII, dù cho thương nhân châu Âu như: Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp có tìm cách xâm nhập thương mại vào Việt Nam nhưng thương nhân Trung Quốc vẫn giữ vững vị thế nhất định. Ngược lại, người Việt cũng tích cực tham gia hoạt động giao thương với Trung Quốc theo cả đường quan phương và tiểu ngạch. Việt Nam cũng được thương nhân phương Tây nhìn nhận như là cầu nối để thâm nhập vào thị trường Trung Quốc rộng lớn nhưng lại hạn chế buôn bán với người nước ngoài.

Đến giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, mặc dù Việt Nam bị Pháp xâm lược, đô hộ, nhưng thị trường Trung Quốc nói riêng, Đông Á nói chung vẫn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thương mại của Việt Nam. Người Pháp tìm cách độc quyền thương mại tại Việt Nam nhưng vẫn không ngăn được sự mở rộng hợp tác thương mại Việt – Trung qua nhiều kênh khác nhau. Trong đó, Việt Nam là nơi cung cấp gạo, than đá, các sản phẩm nông nghiệp cho Trung Quốc; và ngược lại, nhập khẩu gián tiếp các sản phẩm máy móc, sản phẩm chế biến. Điều đó càng cho thấy sức sống mãnh liệt, tầm ảnh hưởng lẫn nhau trong quan hệ thương mại Việt – Trung dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.

Sự hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc cho Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ

Trung Quốc là quốc gia đầu tiên công nhận nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1950. Cùng với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, Trung Quốc đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều về mặt kinh tế trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Bên cạnh giúp đỡ về chuyên gia quân sự, viện trợ quân sự, Trung Quốc đã góp phần quan trọng giúp bảo đảm lương thực, thực phẩm trong quá trình tiến hành kháng chiến chống Pháp do nền kinh tế của ta còn lạc hậu, không đủ sức đảm đương việc cung cấp số lượng lớn quân trang và quân nhu cho kháng chiến.[1] Những con số cụ thể như 1.020 tấn vũ khí, 180 tấn quân trang, 2.630 tấn gạo, 20 tấn thuốc và vật tư y tế, 800 tấn hàng quân giới, 30 ô tô, 120 tấn xăng dầu chính là minh chứng cụ thể cho sự giúp đỡ về kinh tế của Trung Quốc đối với Việt Nam thời điểm này.

Sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trung Quốc đã cử chuyên gia sang giúp Việt Nam trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những giúp đỡ ban đầu như việc gửi 10.000 tấn gạo cứu đói nhân dân năm 1954 hay hỗ trợ kinh tế xuyên suốt cuộc kháng chiến trở thành hình ảnh tiêu biểu cho quan hệ đồng chí hữu nghị Việt – Trung. Những hỗ trợ cụ thể trong xây dựng hệ thống giao thông vận tải, các nhà máy sản xuất chính là sự đầu tư không hoàn lại của Trung Quốc cho Việt Nam. Trung Quốc năm 1961 cũng cho Việt Nam vay hơn 141.000 rúp để thanh toán các khoản viện trợ và giúp đỡ xây dựng các nhà máy mới. Đây chính là nguồn vốn quan trọng giúp miền Bắc xây dựng cơ sở hạ tầng, các nhà máy để thực hiện công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa.[2] Khi mà Việt Nam chưa đủ điều kiện để thực hiện trao đổi thương mại với phía bạn thì những hỗ trợ kể trên chính là dấu ấn lớn trong quan hệ kinh tế song phương thời chiến.

Hợp tác kinh tế Việt – Trung hiện nay

Mặc dù có một giai đoạn mối quan hệ kinh tế bị chững lại, nhưng rất nhanh chóng từ cuối thế kỷ XX đến nay, hợp tác, trao đổi kinh tế giữa hai nước đã có những bước đột phá mạnh mẽ, khẳng định được giá trị và tiềm năng trong quan hệ song phương.

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 1991 - 2020. Nguồn: vioit.org.vn

Trong thập niên 1990, Việt Nam liên tục xuất siêu sang Trung Quốc, tổng là 502,8 triệu USD, chiếm tới 0,7% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2003, Việt Nam cùng ASEAN ký FTA với Trung Quốc và năm 2019, Việt Nam và Trung Quốc cũng đồng thời tham gia RCEP. Hai FTA trên cùng với việc Việt Nam và Trung Quốc xác lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008 đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của thương mại song phương.

Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và năm 2020, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc. Đà tăng trưởng thương mại song phương trong khoảng 10 năm gần đây đều ở mức 2 con số. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Cùng với trao đổi thương mại, vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam ngày càng tăng mạnh, từ 189 triệu USD (năm 2011) lên hơn 2,2 tỷ USD (năm 2021). Lũy kế đến tháng 5-2022, Trung Quốc đứng thứ 6 trong các nhà đầu tư vào Việt Nam với 3.390 dự án, tổng số vốn là 22,186 tỷ USD.[3]

Những số liệu trên một lần nữa cho thấy sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Kỳ vọng nâng tầm quan hệ kinh tế

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam ngày 12 và 13-12-2023 với việc ký kết 36 văn bản hợp tác đã mở ra những kỳ vọng mới trong việc nâng cấp, nâng tầm quan hệ song phương, trong đó có vấn đề kinh tế.

Trong đó, liên quan đến vấn đề kinh tế có các văn bản hợp tác cụ thể là: Kế hoạch hợp tác cùng nhau thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”; Hiệp định về việc cùng xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng khu vực biên giới Bát Xát, Lào Cai, Việt Nam - Bá Sái, Vân Nam, Trung Quốc; Bản ghi nhớ về việc tăng cường hợp tác phát triển và thúc đẩy thực hiện Sáng kiến phát triển toàn cầu (MOU); Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác đầu tư trong lĩnh vực phát triển xanh; Kế hoạch hành động giai đoạn 2023-2026 về tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại; Kế hoạch hành động giai đoạn 2024-2026 triển khai Bản ghi nhớ trong lĩnh vực kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây; Bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư trong lĩnh vực kinh tế số; Biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác kinh tế số và dữ liệu số; và một số văn bản liên quan khác.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng đại biểu cấp cao hai nước xem và nghe giới thiệu về các văn kiện đã ký kết giữa hai nước, ngày 12-12-2023. Ảnh: TRỌNG HẢI

Những văn bản hợp tác về kinh tế chiếm đa số trong 36 văn bản được ký kết giữa hai nước. Điều đó cho thấy sự quan tâm chú ý của hai chính phủ, hai nhà nước về việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế. Điểm nhấn trong việc hợp tác thời gian tới chính là hạ tầng cơ sở, năng lượng sạch và kinh tế số. Việt Nam đang cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông để thúc đẩy phát triển kinh tế; còn Trung Quốc vừa có nguồn vốn lớn, vừa có công nghệ cao trong việc xây dựng và phát triển giao thông.

Đồng thời với đó, Việt Nam cũng kỳ vọng sẽ đón nhận những luồng gió đầu tư FDI mới từ Trung Quốc. Với xu thế mới hiện nay là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và phát triển bền vững, đầu tư FDI của Trung Quốc được kỳ vọng không chỉ tập trung vào những ngành truyền thống, khai thác lao động giá rẻ của Việt Nam mà sẽ hướng sang chuyển giao công nghệ, đầu tư vào mảng lao động chất lượng cao. Đối với xu thế thương mại song phương, những văn bản được ký kết tạo ra những kỳ vọng lớn về việc cân bằng thương mại và sẽ có những cam kết chặt chẽ, rõ ràng hơn từ phía bạn để hàng hóa Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường tỷ dân này.

Có thể thấy, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam chính là cột mốc quan trọng đánh dấu sự thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước và đem đến nhiều kỳ vọng về việc thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia chung biên giới, có lịch sử hợp tác lâu dài.

TS TRẦN NGỌC DŨNG - Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

[1] Trần Trọng Trung, Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp, 3/5/2009, Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp (tiếp theo và hết) (qdnd.vn)

[2] Nguyễn Văn Quyền, Tìm hiểu sự giúp đỡ của Trung Quốc cho Việt Nam trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1964), 1/5/2009, Tìm hiểu sự giúp đỡ của Trung Quốc cho Việt Nam trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1964) (qdnd.vn)

[3] Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, https://fia.mpi.gov.vn/Detail/CatID/457641e2-2605-4632-bbd8-39ee65454a06/NewsID/901567d4-a6da-4326-a223-830ce1ebdd05/MenuID/07edbbe1-67a3-484b-a4e2-b5faef1b9de5,

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/giao-luu-hop-tac-kinh-te-viet-nam-trung-quoc-tu-qua-khu-den-ky-vong-tuong-lai-757772