Giáo dục truyền thống sao cho hấp dẫn?

Buồn vì sự thờ ơ của giới trẻ, song chúng ta cũng phải nghiêm khắc nhìn nhận rằng, các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng đều có chung một mô típ: Tập kết đến điểm về nguồn-tham quan, tìm hiểu-chụp ảnh lưu niệm-làm vệ sinh, dọn dẹp khuôn viên di tích hoặc tham gia các trò chơi dân gian... đã dần khiến học sinh, thanh thiếu niên nhàm chán, mất hứng thú.

Trong chuyến công tác về Khu căn cứ Cái Chanh ở ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, chúng tôi tình cờ gặp một đoàn học sinh THCS đang tham quan tại đây. Tranh thủ làm cuộc kiểm tra nhanh xoay quanh những hiểu biết của các em với Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt này, cũng như điểm qua những di tích lịch sử, địa danh gắn liền với quê hương Hồng Dân thì nhiều em lắc đầu không biết.

Qua quan sát, bên cạnh số đông học sinh chăm chú tìm hiểu, lắng nghe thuyết minh viên giới thiệu về lịch sử hình thành, ý nghĩa lịch sử của khu căn cứ... thì nhiều em không mấy chú tâm, thậm chí còn bị giáo viên chủ nhiệm, tổng phụ trách đội nhắc nhở vì nói chuyện riêng.

Buồn vì sự thờ ơ của giới trẻ, song chúng ta cũng phải nghiêm khắc nhìn nhận rằng, các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng đều có chung một mô típ: Tập kết đến điểm về nguồn-tham quan, tìm hiểu-chụp ảnh lưu niệm-làm vệ sinh, dọn dẹp khuôn viên di tích hoặc tham gia các trò chơi dân gian... đã dần khiến học sinh, thanh thiếu niên nhàm chán, mất hứng thú.

 Chiến sĩ Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1 trong một buổi giáo dục truyền thống.

Chiến sĩ Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1 trong một buổi giáo dục truyền thống.

Ở nhiều địa phương, đơn vị, công tác giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng địa phương còn nằm trong các bộ tiêu chí thi đua, là điều kiện cần để quyết định thành tích nên khó tránh khỏi việc tổ chức còn mang tính phong trào, nặng về hình thức, theo kiểu đối phó. Chưa kể việc giới hạn số lượng học sinh, thanh thiếu niên, hoặc chỉ chọn những cá nhân tiêu biểu, có thành tích cao cho mỗi hoạt động về nguồn, tham quan tại các “địa chỉ đỏ” cũng khiến công tác giáo dục truyền thống, lịch sử thiếu sự đồng đều, gây tâm lý phân biệt đối xử trong học sinh, thanh thiếu niên trong việc tiếp nhận hoạt động giáo dục.

Để giáo dục lịch sử, truyền thống không bị "lỗi nhịp", tổ chức đoàn các cấp, các đơn vị giáo dục cần tận dụng mọi lợi thế của công nghệ, nền tảng số để truyền đạt lịch sử, truyền thống dân tộc đến với thế hệ trẻ. Đặc biệt, năng lực tư duy của cán bộ đoàn-hội-đội phải thường xuyên được bồi dưỡng để nhận thức đúng và thấu đáo về lịch sử dân tộc, truyền thống cách mạng, có như thế mới đủ bản lĩnh và chứng liệu để “truyền lửa” cho thế hệ trẻ. Thường xuyên đổi mới các hoạt động giáo dục để tăng tính hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của thanh thiếu niên đối với lịch sử truyền thống dân tộc.

Áp dụng công nghệ số tại các bảo tàng để thu hút thanh thiếu niên; xây dựng chủ đề sinh hoạt văn hóa, các trò chơi gắn với giáo dục truyền thống, lịch sử hay việc áp dụng sân khấu hóa các tác phẩm lịch sử, văn học, khu di tích, nhân vật lịch sử... nhằm giáo dục học sinh mà các trường ở TP Cần Thơ thực hiện trong thời gian qua cũng là một cách làm hay cần được xem xét nhân rộng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng chính là việc chuyển giao di sản quý báu của dân tộc cho những người trẻ, để họ có cơ sở hiểu được quá khứ gian khổ, đau thương nhưng rất đỗi vinh quang của tiền nhân, từ đó bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Truyền thống ấy chính là “lá chắn thép” bảo vệ những tế bào khỏe mạnh, giúp thế hệ trẻ “tự đề kháng” trước những thông tin xấu, độc trên không gian mạng.

THÚY AN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/giao-duc-truyen-thong-sao-cho-hap-dan-742755