Giáo dục Tin tức giáo dục Sức mạnh đồng lòng

TTH - Chỉ 6 tháng sau ngày thành lập, Trường THCS, THPT Trường Sơn (xã Lâm Đớt, A Lưới) đã tạo đột phá trong xây dựng cảnh quan môi trường và tập hợp sức mạnh đồng lòng.

Những gương mặt học sinh phấn khởi, hạnh phúc trong “lễ tuyên dưng học sinh 3 tốt”. Ảnh: Trường THCS, THPT Trường Sơn

Hợp nhất từ 2 trường, là Trường THCS Hương Lâm và Trường THPT Hương Lâm, Trường THCS, THPT Trường Sơn thành lập cuối năm 2021, nằm trên địa bàn xã Lâm Đớt - xã biên giới vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của huyện A Lưới. Sau ngày thành lập, cơ sở vật chất Trường THCS, THPT Trường Sơn còn “ngổn ngang”; học sinh 2 cấp trải dài từ các xã A Roàng, Lâm Đớt, Đông Sơn, Hương Phong, Phú Vinh, Hương Nguyên, Hồng Hạ (trong đó, nhiều xã cách trường rất xa), với trên 80% là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Làm thế nào để xây dựng một ngôi trường mà tập thể cán bộ giáo viên coi đây như ngôi nhà thứ hai với mong muốn được cống hiến; học sinh thích đến trường để học tập, rèn luyện, vui chơi, là trăn trở của hiệu trưởng và ban giám hiệu nhà trường.

Thầy giáo Võ Sĩ Đoàn, Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Trường Sơn chia sẻ: “Chúng tôi xác định điều đầu tiên, phải nhanh chóng tạo khuôn viên khoa học, thoáng đãng, đẹp mắt; sắp xếp, điều tiết lại các khu hành chính, phòng làm việc…, thật hợp lý, thuận tiện trong dạy - học và hoạt động; xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - sáng, đặc biệt phải an toàn cho các em học tập và vui chơi”.

Theo đó, những con đường nối giữa 2 cơ sở được mở ra. 2 phòng học được “nối” lại làm hội trường rộng rãi, đáp ứng số lượng giáo viên, học sinh khi thực hiện các hoạt động cần thiết. Những vùng đất thấp trũng được tôn tạo bằng phẳng, phủ xanh bằng các bồn hoa. Đất cao lanh cằn cỗi đã được cải tạo (mua đất về đổ) để các loài hoa, cây cảnh vươn lên đua sắc.

Ngoài số lượng cây xanh của 2 trường trước khi hợp nhất, khoảng 100 cây bóng mát và khoảng 300 cây cảnh, hoa các loại được bổ sung. Vạt hoa sim từ những đồi sim nơi rừng núi, được mang về trồng bên hông khuôn viên trường, đã bén rễ vươn lên đầy sức sống. Có cả không gian để học sinh cùng nhau hứng thú check in trong những giờ giải lao. Theo thầy giáo Võ Sĩ Đoàn, trước đây có một số giáo viên muốn xin chuyển đến những trường gần nhà hơn, nhưng bây giờ mọi giáo viên đều muốn ở lại, muốn được cống hiến, coi trường như nhà mình. Học trò thích được đến trường.

Làm được điều đó trong thời gian ngắn như vậy, là bởi nhà trường đã tập hợp được sự đồng lòng, tạo sức mạnh đoàn kết trong tập thể cán bộ, giáo viên. Sau nhiều cuộc họp, thảo luận đưa ra các giải pháp, phân công công việc cụ thể trên tinh thần khích lệ, phát huy vai trò người đứng đầu, trong bất cứ hoạt động nào cũng tiên phong bằng tất cả trách nhiệm, toàn tâm. Khi huyện mở rộng tuyến đường trên địa bàn (phải di dời các hàng cây bên đường), thầy giáo Võ Sĩ Đoàn liên hệ, đặt vấn đề và được tặng 10 cây bằng lăng nhiều năm tuổi, đưa về trồng trong khuôn viên trường. Cùng lúc đó, Ban quản lý Dự án Sao La cũng đồng ý tặng trường 10 cây lim nhiều tuổi và 100 cây sao đen.

“Bất kể công việc gì, thầy hiệu trưởng cũng là người đầu tiên xắn tay làm. Điều đó đã lan tỏa trách nhiệm và tâm huyết đến từng cán bộ, giáo viên. Cán bộ, giáo viên ngày càng gần gũi, hiểu và thông cảm để từ đó giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong mọi công tác” - thầy giáo Phan Văn Quyết, giáo viên của trường chia sẻ.

Đi trên những con đường lát bằng những phiến xi măng tạo hình đẹp mắt, nối 2 cơ sở, thầy giáo Trần Tuấn Thành, Phó Hiệu trưởng nhà trường tự hào kể, từ lúc tự tay đúc từng phiến xi măng đến khi hoàn thành những con đường, tất cả đều do công sức của cán bộ, giáo viên nhà trường. Điều đáng mừng hơn nữa, học sinh cũng hưởng ứng tích cực. Qua những hoạt động này, các em bồi đắp, rèn luyện về ý thức và tình yêu lao động, gắn kết với nhau, gắn bó với lớp, với trường...

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới đánh giá, Trường THCS, THPT Trường Sơn đã tạo được đột phá trong xây dựng cảnh quan, bằng sự nỗ lực rất lớn, cần nhân rộng trên địa bàn.

Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Trường Sơn cho biết, trong mục tiêu xây dựng “ngôi trường hạnh phúc”, bước đầu nhà trường đã đặt được những “viên gạch” vững chắc. Cán bộ, giáo viên mong muốn được cống hiến, nâng cao chất lượng dạy và học; học sinh thích và vui vẻ khi đến trường. Chất lượng giáo dục văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh giỏi tăng 3%, học sinh khá tăng 18%, xây dựng sự tin tưởng của Nhân dân trên địa bàn.

Quỳnh Anh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/suc-manh-dong-long-a114584.html