Giáo dục Thanh Trì đột phá với chuyển đổi số

Giữ vị trí tốp đầu khối huyện của giáo dục Thủ đô, ngành GD&ĐT huyện Thanh Trì vẫn không ngừng phấn đấu, sáng tạo, đổi mới trong công tác quản lý, điều hành, dạy và học.

Trong đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) – chuyển đổi số là bước đột phá trong GD&ĐT của huyện Thanh Trì.

Hiệu quả từ một trường tiểu học

Một trong những trường học tiêu biểu về chuyển đổi số ở Thanh Trì có thể kể đến là Trường Tiểu học (TH) Ngô Thì Nhậm. Được xây dựng trên diện tích gần 12.000m2, Trường TH Ngô Thì Nhậm có đầy đủ trang thiết bị CNTT theo hướng hiện đại. Trong đó, nhà trường đầu tư hệ thống mạng internet; mỗi lớp, mỗi phòng chức năng, phòng hành chính đều có 1 bộ Router wifi. Nhà trường sử dụng bài giảng điện tử ở tất cả các môn học. Bên cạnh đó, trường còn có thư viện điện tử với hàng nghìn đầu sách.

Ngày hội STEM của học sinh huyện Thanh Trì, năm học 2022 - 2023. Ảnh: Hoàng Quyết

Cô giáo Đoàn Thị Thu Hà - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhận thấy chuyển đổi số là xu thế tất yếu, năm học 2022 - 2023, nhà trường đã quan tâm đầu tư ứng dụng công nghệ vào công tác giảng dạy. Đối với ngành GD&ĐT, chuyển đổi số tập trung vào hai nội dung chủ đạo là chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học.

Do đó, trong công tác quản lý, nhà trường đã xây dựng, sử dụng hiệu quả cổng thông tin điện tử, kho học liệu số; kiện toàn tổ chức bộ phận phụ trách CNTT, chuyển đổi số và duy trì hoạt động một cách thường xuyên, hiệu quả. Bên cạnh đó, nhà trường bảo đảm nguồn lực triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, ưu tiên việc bồi dưỡng CNTT cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Quá trình học hỏi, ứng dụng CNTT đã xuất hiện những giáo viên có đam mê và năng lực vượt trội, đóng góp cho nhà trường như: cô giáo Ngô Thị Hà đã tiếp cận công nghệ AI và sở hữu cho mình một tài khoản Chat GPT và đưa vào hỗ trợ giảng dạy; thầy Đỗ Trọng Sáng thực hiện việc quản lý kho học liệu của nhà trường theo hướng số hóa; cô Nguyễn Thúy Hoa phụ trách việc sắp xếp thư mục trên cổng thông tin điện tử rất khoa học, hiện đại…

Tại cổng thông tin điện tử của trường, các danh mục được phân loại theo cây chuyên mục, sắp xếp một cách khoa học, rõ ràng, dễ truy cập, thông tin phong phú nên học sinh, phụ huynh và cả giáo viên đều theo dõi cổng thông tin thường xuyên.

Đối với thư viện điện tử, nhà trường đã đầu tư mua phần mềm quản lý thư viện liên thông với cơ sở dữ liệu ngành. Đồng thời phân công cán bộ thư viện và các tổ chuyên môn sưu tầm sách trên các website chính thống rồi số hóa; sưu tầm, xây dựng video giảng dạy, video giới thiệu sách, xây dựng bài giảng điện tử… Sau chưa đầy một năm thành lập, thư viện của nhà trường đã có 1.369 đầu sách với 5.707 cuốn sách (bản in) và 1.757 cuốn sách điện tử, 84 sách nói, 120 video, 184 bài giảng điện tử phục vụ dạy học.

Đặc biệt, đối với việc xây dựng kho học liệu, giáo viên nhà trường đã xây dựng kế hoạch dạy học, bài giảng điện tử ở tất cả các môn học và lưu trữ trên Drive theo từng khối lớp. Đồng thời, nhà trường cũng thường xuyên rà soát, thanh lọc, bổ sung các tài nguyên, học liệu số bảo đảm nguồn chính thống và phù hợp với hoạt động giáo dục. Với những kết quả đạt được, năm học 2022 – 2023, Trường TH Ngô Thì Nhậm được đánh giá là trường dẫn đầu cấp tiểu học của huyện Thanh Trì về ứng dụng CNTT - chuyển đổi số.

Bước tiến mới trong giáo dục

Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì Phạm Văn Ngát, năm học 2022 – 2023, ngành GD&ĐT huyện Thanh Trì đã xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, tạo đột phá trong quản trị tại các nhà trường. Toàn ngành GD&ĐT huyện Thanh Trì đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng CNTT và thực hiện chuyển đổi số trong quản lý giáo dục.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội và huyện Thanh Trì thăm quan thư viện điện tử của Trường THCS Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì. Ảnh: Hoàng Quyết

Các nhà trường đều có kết nối internet chất lượng tốt, sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý, phần mềm dạy học. 100% nhà trường đều xây dựng kế hoạch truyền thông phù hợp, nội dung phong phú. Trang website của các trường hoạt động thường xuyên, cập nhật những thông tin cần thiết đến phụ huynh, cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường.

Các trường hướng tới mục tiêu xây dựng và thực hiện mô hình trường học điện tử; Ban giám hiệu quản lý hồ sơ, kiểm tra hồ sơ giáo viên trên Google Drive khoa học, tiện lợi. Việc ứng dụng CNTT trong quản lý được một số nhà trường thực hiện rất hiệu quả, có thể kể đến nữa là Trường THCS Thanh Liệt, THCS thị trấn Văn Điển, THCS Vĩnh Quỳnh…

Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì đã triển khai đồng bộ hệ thống thông tin quản lý GD&ĐT kết nối với cơ sở dữ liệu của TP, đáp ứng yêu cầu liên thông, tích hợp từ huyện tới cơ sở và sở, bộ. Khai thác sử dụng hiệu quả Trung tâm điều hành giáo dục thông minh TP Hà Nội…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng CNTT – chuyển đối số trong GD&ĐT ở huyện Thanh Trì vẫn còn một số khó khăn, hạn chế do điều kiện cơ sở vật chất ở một số trường học còn chưa đáp ứng; trình độ, độ tuổi của một số giáo viên chưa theo kịp yêu cầu về chuyển đổi số… Do đó trong thời gian tới, ngành GD&ĐT huyện Thanh Trì xác định tiếp tục quan tâm đầu tư cho công tác chuyển đổi số, nâng cao hơn nữa chất lượng của toàn ngành.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì Phạm Văn Ngát cho biết, trong năm học 2023 – 2024, huyện Thanh Trì sẽ tiếp tục triển khai, xây dựng mô hình trường học điện tử, giáo dục thông minh. Đồng thời xây dựng và thường xuyên cập nhật kho học liệu số dùng chung phục vụ giảng dạy trong nhà trường và toàn huyện, gồm bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử và các học liệu khác. Tiếp tục xây dựng, thường xuyên cập nhật hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến của các môn học và phần mềm kiểm tra, đánh giá tập trung qua mạng phục vụ học sinh, giáo viên trong trường.

Ngoài ra, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cổng thư viện số nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu. Ứng dụng có hiệu quả các phần mềm trong quản lý, điều hành và dạy học trực tuyến. Tiếp tục bổ sung kho học liệu điện tử phù hợp để sẵn sàng cho việc tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình. Đồng thời, đẩy mạnh giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông.

Năm học 2022 - 2023, ngành GD&ĐT huyện Thanh Trì tiếp tục giữ vững vị trí tốp đầu khối huyện của giáo dục Thủ đô. Toàn ngành có 13/13 tiêu chí thi đua được Sở GD&ĐT Hà Nội đánh giá hoàn thành tốt và xuất sắc, trong đó có 9 tiêu chí xuất sắc (tăng 3 tiêu chí xuất sắc so với năm học 2021 - 2022). Chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên, chất lượng mũi nhọn được duy trì vững chắc; duy trì đạt chuẩn mức độ 3 về phổ cập giáo dục. Ngành GD&ĐT huyện Thanh Trì vinh dự được nhận Bằng khen của Đảng bộ TP Hà Nội về thành tích xuất sắc 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Nhiều tập thể, các thầy giáo, cô giáo được các cấp khen thưởng.

Hoàng Quyết

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giao-duc-thanh-tri-dot-pha-voi-chuyen-doi-so.html