Giáo dục lý tưởng cách mạng qua địa chỉ đỏ

Ngày chủ nhật vừa qua là một ngày đáng nhớ đối với 300 học sinh, sinh viên (HSSV) các trường đại học, cao đẳng tham gia hành trình Học sinh 3 rèn luyện, sinh viên theo dấu chân những người anh hùng do Tỉnh đoàn, Hội Sinh viên tỉnh phối hợp tổ chức.

Học sinh, sinh viên tham quan, tìm hiểu lịch sử tại Di tích Khu ủy miền Đông Nam bộ. Ảnh: N.Sơn

Tham gia hành trình, HSSV các trường đã được tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị, ý nghĩa tại vùng đất chiến khu xưa…

* Trải nghiệm khó quên

Sau hơn 1 giờ di chuyển, đoàn HSSV đã đến với mảnh đất Vĩnh Cửu giàu truyền thống cách mạng. Hoạt động trải nghiệm đầu tiên chính là thực hiện công trình thanh niên - trồng cây hoàng yến dọc tuyến đường ấp 3, xã Hiếu Liêm để chào mừng thành công đại hội đại biểu hội sinh viên các cấp. Những HSSV vốn quen cầm bút, nay có thêm trải nghiệm cầm cuốc, cầm xẻng đào đất trồng cây; xách từng xô nước tưới cây.

Chị Nguyễn Thị Châu Anh, sinh viên năm 4, Khoa Sư phạm tiểu học mầm non, Trường đại học Đồng Nai cho hay, lỗ trồng cây đã có sẵn, HSSV chỉ việc cho phân, xé bọc, đặt cây, lấp đất, tưới nước nhưng cảm giác tự tay mình trồng cây cũng khá thú vị. Hy vọng vài năm nữa trở lại, hàng cây này sẽ phát triển tốt, thêm mảng xanh cho vùng đất yên bình này.

Điểm dừng chân tiếp theo là Nhà máy Thủy điện Trị An. Tại đây, HSSV đã được tham quan, tìm hiểu về quá trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Trị An cũng như cách vận hành nhà máy.

Anh Hồ Xuân Thành, học điện công nghiệp (hệ trung cấp) tại Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai cho biết, anh học chuyên ngành Điện công nghiệp nhưng khi nhìn những thông số trên bảng tại phòng điều khiển trung tâm của nhà máy, anh thấy khó hiểu, cảm thấy kiến thức mình được học chưa đủ và cần phải trau dồi thêm.

Điểm đến tại Di tích Khu ủy miền Đông Nam bộ có lẽ là nơi ấn tượng với nhiều HSSV.

Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn VÕ VĂN TRUNG cho rằng, bên cạnh các hoạt động do tổ chức Đoàn, Hội, Đội và ngành GĐ-ĐT tổ chức, bản thân HSSV có thể chủ động trong việc tìm hiểu các giá trị lịch sử, văn hóa tại các thiết chế văn hóa.

Anh Lê Tuấn Phương, sinh viên Khoa Bảo dưỡng, bảo trì thiết bị tàu bay, Trường cao đẳng Quốc tế Lilama 2 bộc bạch, đây là lần đầu tiên anh đến với vùng đất Chiến khu Đ. Anh vô cùng xúc động khi được nghe thuyết minh viên chia sẻ về sự ra đời và tác dụng của bếp Hoàng Cầm, đặc điểm của lá trung quân, về những căn nhà bao quanh trong căn cứ… Trong đó, anh ấn tượng nhất là câu chuyện về người chiến sĩ Bùi Xuân Tảo bị thương nặng, buộc phải cưa cắt đi một phần cơ thể bằng chiếc cưa thợ mộc. Thời điểm đó không có thuốc gây tê, thuốc gây mê, để giảm đau, người chiến sĩ ấy đã hát đi hát lại bài Quốc ca trong quá trình cưa cắt cho đến khi ngất lịm đi…

“Những câu chuyện cho tôi thấy, có được hòa bình, độc lập, tự do thật sự không dễ dàng. Thế hệ trẻ hôm nay và mai sau cần phải học tập để hiểu rõ, để có ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ thành quả mà thế hệ cha ông đã phải đổi bằng máu xương” - anh Phương bộc bạch.

* Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ

Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh Võ Văn Trung cho biết, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn, Hội trên địa bàn tỉnh đã tăng cường tuyên truyền trên các trang mạng xã hội về các ngày lễ lớn của đất nước, của Đảng, của Đoàn, Hội, Đội; tổ chức các đợt sinh hoạt truyền thống, sinh hoạt chủ điểm; tổ chức các hành trình tìm về địa chỉ đỏ, theo bước chân những người anh hùng, Hạt giống đỏ, Tháng 7 tri ân…

Trong tháng 7 năm nay, các cấp bộ Đoàn đã đồng loạt triển khai các hoạt động tri ân. Cụ thể, các cấp bộ Đoàn đã thực hiện công trình thanh niên thay mới gần 12,6 ngàn đóa sen trên các phần mộ liệt sĩ tại 100% nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Các huyện, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc tổ chức cho đoàn viên thanh niên dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc các phần mộ liệt sĩ tại nghĩa trang, đền, đài tưởng niệm; đồng loạt thắp nến tri ân.

Đặc biệt, trong tháng 7 năm nay, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức hoạt động bữa cơm cùng mẹ Việt Nam anh hùng. Theo đó, cán bộ, đoàn viên thanh niên đã tự tay chuẩn bị bữa cơm cúng liệt sĩ và cùng ăn cơm với các mẹ. Qua đó giáo dục đoàn viên thanh niên đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa.

Anh Trung cho biết thêm, để tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ, mới đây Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 12-NQ/TU về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững. Trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 95% thanh, thiếu nhi trong các trường học trên địa bàn tỉnh hàng năm được trải nghiệm, giáo dục truyền thống, tìm hiểu về giá trị lịch sử, văn hóa tại các thiết chế văn hóa, di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu, di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện mục tiêu này, ngoài việc duy trì các hoạt động, các cấp bộ Đoàn, Hội cần chủ động hơn trong việc phối hợp với ngành GD-ĐT tổ chức các hoạt động về nguồn cho HSSV.

Nga Sơn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202312/giao-duc-ly-tuong-cach-mang-qua-dia-chi-do-10d574e/