Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật trí tuệ ở Trường Tiểu học Bình Minh

KTĐT - Trường Tiểu học Bình Minh (80 Thợ Nhuộm, quận Hoàn Kiếm) là một địa chỉ được nhắc đến nhiều vào mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp bởi chất lượng và uy tín giáo dục. Nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng, đây còn là một trong số ít trường tiểu học ở Hà Nội có trọng trách giáo dục học sinh thiểu năng trí tuệ theo mô hình hội nhập và hòa nhập. Trong 16 năm triển khai mô hình này, những thành quả có được đã khẳng định mô hình giáo dục hòa nhập tốt.

Những năm gần đây, xu hướng giáo dục hòa nhập với học sinh khuyết tật nói chung và học sinh khuyết tật trí tuệ nói riêng ngày càng được nhân rộng, góp phần đem lại niềm vui tới trường cho khoảng 300 nghìn em, trong số hơn một triệu học sinh khuyết tật trong độ tuổi hiện nay. Tại Hà Nội, năm học vừa qua cũng đã có gần 65% trẻ mầm non và hơn 70% học sinh tiểu học khuyết tật được vận động ra lớp học chuyên biệt hoặc hòa nhập. Trường tiểu học Bình Minh bắt đầu triển khai mô hình giáo dục hòa nhập và hội nhập học sinh khuyết tật trí tuệ từ năm học 1993-1994, khi ấy trường mới chỉ nhận 30 em vào 3 lớp để dạy thí điểm, đến nay đã phát triển lên với hơn 170 em, đó là chưa kể một số em đã được học hòa nhập trong các lớp tiểu học. Khi đưa mô hình này vào triển khai, lãnh đạo ngành giáo dục cũng như nhà trường đều hiểu rằng, hòa nhập không có nghĩa là "xếp chỗ" cho trẻ khuyết tật trong trường lớp phổ thông mà đòi hỏi sự hỗ trợ cần thiết, thể hiện ở việc điều chỉnh chương trình, các đồ dùng dạy học, dụng cụ hỗ trợ đặc biệt, các kỹ năng giảng dạy đặc thù, để giúp học sinh phát triển hết khả năng của mình. Dạy học sinh thiểu năng trí tuệ mà chỉ có mỗi cái tâm là không đủ. Khi thành lập trường tiểu học Bình Minh, trách nhiệm mà thành phố và ngành giao cho trường là chăm nuôi trẻ khuyết tật theo mô hình hòa nhập và hội nhập, nhưng trên thực tế lúc ấy trên địa bàn thành phố chưa có trường nào dạy cho trẻ khuyết tật về trí tuệ và chương trình dạy học cho đối tượng này cũng đang bị bỏ ngỏ. Để trường tiểu học Bình Minh không chỉ đơn thuần là nơi trông trẻ lãnh đạo nhà trường và giáo viên ở đây đã dồn không ít tâm huyết của mình vào công tác nghiên cứu, chăm sóc trẻ khuyết tật về trí tuệ. Giáo viên và lãnh đạo nhà trường phải tự mày mò, vừa từng bước ngiên cứu thử nghiệm, đúc rút kinh nghiệm kết hợp với các tài liệu nước ngoài, trường đã tự thiết kế được chương trình dạy trẻ khuyết tật. Với mỗi học sinh khuyết tật, không thể áp dụng cùng một nội dung, phương pháp nào nên giáo viên phải linh hoạt điều chỉnh, bổ sung theo từng giai đoạn phát triển của học sinh, từng năm học... Dựa vào chỉ số IQ, nhà trường chia ra thành 6 nhóm lớp để chăm sóc và dạy học. Không giống như những đứa trẻ phát triển bình thường, mọi sinh hoạt cá nhân cũng như sự nhận biết về cuộc sống của trẻ khuyết tật trí tuệ vô cùng khó khăn. Giáo viên phải dạy các em từ việc xúc cơm, rửa tay đến cách cầm bút, sau đó mới nghĩ đến việc dạy văn hóa. Quá trình nhận thức của trẻ thiểu năng, trẻ tự kỷ phải đi cả một chặng đường dài, do đó mục tiêu đầu tiên đặt ra là dạy các kỹ năng tự lập để các em có thể hòa nhập được với cộng đồng. Có thể giúp các em nhận biết được giá trị của cuộc sống, biết ứng xử với những sự việc xung quanh mình ở múc độ trung bình cũng đã là một thành công và niềm hạnh phúc lớn lao của thầy và trò. Bắt đầu từ năm học 2000, trường đã có học sinh ra trường theo đúng nghĩa. Những em đã theo học từ 6 năm trở lên, đã đạt được trình độ nhất định, biết đọc, biết viết, biết tính toán, có thể hoc tiếp ở các trường bổ tục văn hóa hay lao động tại gia đình, đặc biệt trong số đó có người đã có vợ con, gần 20 học sinh được sang học thử nghiệm hòa nhập ở các lớp tiểu học của trường. Trong những năm qua, mô hình giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật ở trường tiểu học Bình Minh đã mang lại cho xã hội, cho ngành những kết quả có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Tuy nhiên, nhưng khó khăn vẫn còn nhiều ở phía trước, bởi giáo dục trẻ khuyết tật rất cần được lấp đầy những khoảng trống để có được sự quan tâm, đầu tư thiết thực, giúp những đứa trẻ thiệt thòi sớm có được cuộc sống hòa nhập thực sự. T.Hà

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=56&newsid=180625