Giáo dục Giữ chữ cho em

1. “Tôi vẫn ước ao mỗi lần ra Tết sẽ không phải bận tâm về chuyện học trò theo bố mẹ mưu sinh không đến lớp. Xót xa lắm khi có nhiều em mới học ngang lớp 3, lớp 4 đã phải bỏ học giữa chừng”. Nhớ lại mong ước của một vị Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nam Đông (đã về hưu) mới thấy, có một thời học sinh bỏ học là nỗi ám ảnh của giáo viên miền núi.

Cô và trò Trường tiểu học Hồng Quảng (A Lưới)

Cô và trò Trường tiểu học Hồng Quảng (A Lưới)

Còn năm nay, toàn huyện Nam Đông có 14 em không đến lớp sau Tết, chủ yếu là người dân tộc Cơ Tu, từ lớp 3 đến lớp 9. Trong đó, có đến 13 em theo bố mẹ vào TP. Hồ Chí Minh làm ăn, chỉ có 1 em là không muốn đến trường. Từ con số trên, tôi lại liên tưởng đến sự nỗ lực của giáo viên, nếu không có quyết tâm bám trò của họ thì bỏ học không dừng lại ở số 14. Trước đó không lâu, toàn huyện đã có đến 36 em nghỉ học.

Ở huyện A Lưới, tín hiệu khả quan hơn khi chưa có trường hợp học sinh bỏ học sau Tết, song Trưởng phòng GD&ĐT Hồ Văn Khởi vẫn chưa hết lo khi cho rằng, nguy cơ bỏ học ở một số trường không thể chủ quan. Phòng đã có sự khoanh vùng ở một số trường để giải quyết mối lo ngại đó. Cụ thể, ở Trường trung học, tiểu học Hồng Thủy với hơn 340 học sinh là người dân tộc Pa Cô, trong đó, nhiều em có khả năng nghỉ học cao. Có muôn vàn lý do, chẳng hạn, các em bị hổng kiến thức, không theo kịp chương trình nên các em chán nản rồi bỏ học. Mặt khác, kinh tế gia đình khó khăn, nhiều em phải nghỉ học lên nương rẫy, hay theo bố mẹ vào Nam làm ăn.

Tiết học ở Trường tiểu học Hồng Quảng (A Lưới)

Tiết học ở Trường tiểu học Hồng Quảng (A Lưới)

Kết nối với Hiệu trưởng Hồ Xuân Tài, ông cho rằng, thời điểm này, không có tình trạng học sinh nghỉ học hẳn ở Trường trung học, tiểu học Hồng Thủy, chỉ có một số em chưa đến lớp và giáo viên đã vận động đi học trở lại. Tuy nhiên, nhà trường vẫn theo dõi chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng bỏ học giữa chừng. Trường luôn chủ động phân loại học sinh yếu để bồi dưỡng, chống ngồi nhầm lớp, hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn cũng như tạo môi trường học tập vui vẻ, hoạt bát để thu hút học sinh đến trường.

2. Thống kê sơ bộ, năm nay, toàn tỉnh có khoảng 30 học sinh nghỉ học sau Tết. Ngay cả những địa phương, như: Phú Vang, Phú Lộc nổi tiếng một thời học sinh bỏ học sang Lào, vào Nam may áo gió thì nay số học sinh nghỉ học đi học nghề chỉ một vài em. Cụ thể, so với thời điểm này 5 năm về trước, số học sinh bỏ học đã lên đến 200 em. Đây là sự nỗ lực từ các trường, bởi mỗi lần vận động, việc đến gia đình các em rất khó khăn. Không gặp đã đành, nhiều gia đình còn từ chối gặp mặt. Tuy nhiên, chỉ cần học trò vắng học một đến hai ngày, giáo viên liền tìm đến nhà vận động phụ huynh và động viên học sinh đến lớp. Nhiều thầy cô giáo thiết lập được “đường dây nóng” với trưởng các khu dân cư, phụ huynh và những học sinh tiêu biểu để khi học sinh nào có dấu hiệu sắp nghỉ học sẽ được cung cấp thông tin để kịp thời giải quyết.

Nhớ lại câu chuyện ở Trường tiểu học Thượng Quảng (Nam Đông) mới thấy thương giáo viên nơi đây. Thầy giáo trẻ Phan Văn Đông có lần kể rằng, đa số đồng bào đều không sử dụng điện thoại nên mỗi sáng giáo viên đến lớp sớm trước 10 phút. Khi thấy học sinh không đến đủ, họ sẽ báo cho phòng giáo vụ. Ở đây, có một “đội quân” gồm 7 người, từ bảo vệ, giáo viên bộ môn đến hiệu trưởng - những người không đứng lớp, sẵn sàng đến từng nhà để chở các em đến trường. “Có trường hợp bố mẹ đi làm sớm, các em ngủ quên. Lúc đó, chúng tôi đến nhà cho các em ăn sáng rồi chở đến lớp. Những em đau ốm thì kịp thời đem đi khám ở trạm xá. Miễn các em học đều, học tốt, không bỏ tiết, chúng tôi sẽ hỗ trợ các em bằng mọi cách”, thầy Đông chia sẻ. “Mưa dầm thấm lâu”, học trò nơi đây không bỏ học giữa chừng là nhờ trách nhiệm và tấm lòng yêu trẻ của những người thầy như thế.

Không có trường hợp nào nghỉ học vì kinh tế gia đình khó khăn. Khẳng định ấy của lãnh đạo ngành giáo dục ở các huyện, thị xã và thành phố hoàn toàn có cơ sở. Ngoài chính sách hỗ trợ cho học sinh dân tộc ở hai huyện miền núi, các họ tộc ở địa phương có quỹ khuyến học, khuyến tài cũng sẵn sàng hỗ trợ kinh phí cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn để các em đến lớp. Ngành giáo dục phát động toàn ngành xã hội hóa, huy động sách vở, áo quần... giúp các em. Hàng trăm triệu đồng từ các huyện khác hướng đến các đối tượng vùng khó của sự cố môi trường, miền núi, các xã bãi ngang, ven biển… để giúp các em bớt lo toan với gánh nặng gia đình.

Công việc vận động học sinh không nghỉ học và quay lại trường vẫn đang tiếp diễn. Qua tin nhắn từ bạn bè, nhiều em bày tỏ tiếc nuối khi nhớ trường, nhớ lớp, nhớ bạn… và muốn trở về học tiếp. Bằng mọi cách giáo viên phối hợp với phụ huynh giúp các em quay lại trường tiếp tục phụ đạo để các em bắt kịp chương trình. “Chúng tôi đang vận động và tạo điều kiện cho các học sinh nghỉ học quay lại lớp”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đông, Lại Quốc Trình thông tin.

Bài, ảnh: HUẾ THU

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giu-chu-cho-em-a124234.html