Giáo dục đào tạo còn nhiều lỗ hổng

Cải tiến thi là một phần trong tổng thể nền giáo dục nước nhà. Kinhtedothi - Trả lời phỏng vấn báo Kinh tế & Đô thị, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão cho rằng, nền giáo dục của chúng ta còn nhiều vấn đề cần bàn ở cấp vĩ mô.

Học sinh phổ thông phát triển không toàn diện

Theo quan điểm của ông, hiện nay, giáo dục phổ thông đang gặp phải thực trạng gì?

- Thứ nhất, chương trình và nội dung học ở bậc phổ thông quá nặng nề. Vì thế, học sinh sau khi tốt nghiệp THPT mắc nhược điểm không năng động và sáng tạo, yếu về phương pháp tư duy sáng tạo mà chỉ biết làm theo. Thứ hai, các em sống không vì mọi người mà lo cho cá nhân nhiều hơn. Thứ ba, trình độ ngoại ngữ của học sinh Việt Nam rất yếu. Việc đào tạo học sinh trở thành con người phát triển toàn diện, ngoài văn hóa còn có văn thể mỹ, kỹ năng sống lại quá thiếu.

Rõ ràng đây không phải nguyên nhân khách quan mà là chủ quan của chúng ta. Khi soạn sách giáo khoa (SGK) các môn học, Bộ GD&ĐT mời các chuyên gia giỏi từng bộ môn để làm chương trình và nội dung. Họ rất giỏi về chuyên môn nhưng cách nhìn thiếu toàn diện nên đưa vào lượng kiến thức ngành mình quá nhiều, đẩy số giờ dạy lên cao. Trong khi đó, chúng ta lại không có tổng chỉ huy giỏi và thiếu bản lĩnh (nói một cách khác là chưa có nhạc trưởng giỏi). Cho nên chương trình tổng thể là quá nặng.

Trong khi đó, để hội nhập quốc tế thì ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) phải là chìa khóa. Theo tôi, ngoại ngữ phải được coi trọng hơn nữa trong nền giáo dục của nước ta; phải bắt đầu bằng việc dạy và học ngoại ngữ từ lớp 1, với thời lượng thích hợp (có thể chiếm tới 1/4 hoặc 1/5) để khi học sinh tốt nghiệp THPT có thể giao tiếp được.

1/4 hay 1/5 thời gian của chương trình dành cho học ngoại ngữ là quá nhiều, trong khi có rất nhiều môn khác cần phải học, thưa ông?

- Sở dĩ tôi đề nghị thời lượng như thế là từ bài học của Singapore coi tiếng Anh là quốc ngữ, nên họ tập trung thời gian để học ngoại ngữ. Với Việt Nam, tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, chúng ta nên dành nhiều tiết để tập trung nâng cao khả năng ngoại ngữ cho học sinh. Hiện nay, trình độ ngoại ngữ của học sinh Việt Nam có thể còn kém hơn cả Lào, Campuchia thì gay quá. Từ thực tế các cháu trong nhà học tiếng Anh từ khi rất nhỏ, tôi thấy hiệu quả thấm rất sâu. Vì thế, chúng ta phải thay đổi nhận thức dạy ngoại ngữ cũng như có sự chuẩn bị về đội ngũ giáo viên tiếng Anh để thực hiện công việc này. Chiến lược của chúng ta là coi trọng đào tạo phát triển con người Việt Nam một cách toàn diện, có kiến thức chung nhất. Mà quan trọng là dạy cho học sinh phương pháp tư duy thì không buộc các em phải học nặng, nhồi nhét.

Ông có kiến giải gì để thay đổi tình hình giáo dục ở bậc phổ thông hiện nay?

- Ở cấp T.Ư và Quốc hội xây dựng chiến lược giáo dục bằng những văn bản có nội dung cụ thể, rõ ràng. Lâu nay, Ban Chấp hành T.Ư Đảng họp ra nghị quyết về giáo dục, nguyên lý, đường lối chung. Nhưng để giải bài toán thực trạng giáo dục cần phải có giải pháp cụ thể về nội dung và phương pháp dạy, về cách học, tỷ lệ thời gian học ngoại ngữ. Giáo dục là quốc sách hàng đầu và vấn đề của toàn xã hội. Vừa qua, hình như chúng ta khoán cho ngành giáo dục, khi thực trạng có nhiều lỗ hổng thì đổ lỗi và chê trách. Chúng ta cần thay đổi nhận thức này và phải công phu tìm cho ngành giáo dục một nhạc trưởng xứng tầm.

Tự chủ là tất yếu

Mới đây, tại hội nghị về tự chủ đại học (ĐH), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng chất lượng giáo dục ĐH đang có vấn đề. Theo ông, nguyên nhân do đâu?

- Thời gian qua, chúng ta mở tràn lan quá nhiều trường ĐH, thậm chí mỗi tỉnh đều có ít nhất một trường ĐH. Nhiều trường từ cao đẳng cũng được nâng cấp thành ĐH, trong khi bộ máy nhân sự, cơ sở vật chất không thay đổi. Sở dĩ có tình trạng đó là bởi các trường chạy theo xu hướng kinh doanh giáo dục. Nhiều năm trước, quy mô sinh viên của mỗi trường chỉ từ 500 - 1.000, giờ có trường lên tới 10.000, thậm chí 15.000, thực tế mọi điều kiện của trường còn rất khiêm tốn. Với số lượng đông đảo sinh viên của các trường như vậy, nguồn thu không phải là ít, trong khi đó chất lượng đào tạo rất đáng lo ngại. Cho nên, tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta cần rà soát kỹ để tránh tình trạng mở trường ĐH tràn lan.

Hiện đã có 14 trường ĐH thực hiện thí điểm tự chủ hoàn toàn. Ông có cho rằng thời gian tới, tất cả các trường ĐH công đều phải ra "ở riêng" để Nhà nước khỏi phải đầu tư?

- Trước tiên, tôi muốn nhấn mạnh công chức, viên chức của ngành giáo dục lên tới gần 1 triệu người. Có lẽ không nước nào ngân sách Nhà nước phải gánh cho ngành giáo dục và ngành y tế nhiều đến thế. Việc từng bước xã hội hóa ngành giáo dục là rất cần thiết. Cần phải có chủ trương, một chiến lược và từ đó có một đạo luật về vấn đề này.

Học sinh THPT Phan Huy Chú trong giờ học Tin học. Ảnh: Phạm Hùng

Một vấn đề nữa, đào tạo chưa thật sự gắn với nhu cầu sử dụng dẫn đến sinh viên ra trường thất nghiệp, trong khi xã hội thiếu những người giỏi tay nghề. Ở đây, có vấn đề về nhận thức vĩ mô đồng thời là tâm lý xã hội. Quan niệm của nhiều người vẫn coi học ĐH là con đường duy nhất để có tương lai.

Tự chủ là xu hướng tất yếu và hướng đi đúng trong tình hình hiện nay. Trước khi tự chủ, các trường công đã được Nhà nước đầu tư về đất đai và nhiều cơ sở vật chất. Điều đó rất thuận lợi cho các trường vươn lên tự chủ.

Không chỉ đánh giá bằng chất lượng

Tự chủ ĐH là bài toán tối ưu để cải thiện chất lượng giáo dục ĐH, sinh viên tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường lao động?

- Điều này hoàn toàn đúng. Tự chủ ĐH là để mỗi trường, nhất là lãnh đạo thấy được trách nhiệm của mình và phải năng động trong đào tạo. Nhưng trước hết, tự chủ là cạnh tranh về uy tín, vị thế của trường để thu hút sinh viên vào học. Tiếp đến là sản phẩm đầu ra có uy tín và khẳng định đào tạo toàn diện. Vấn đề đặt ra khi tự chủ là học sinh con nhà nghèo, gia đình chính sách, vùng sâu xa không đủ khả năng kinh tế để theo học ĐH. Để giải bài toán này, nhà trường có thể trích kinh phí từ những nguồn thu hợp lý kèm theo sự hỗ trợ của Nhà nước về chính sách xã hội là ổn.

"Chuẩn đầu ra" là cụm từ được nhắc nhiều trong thời gian gần đây. Với ông, chuẩn đầu ra gồm những yếu tố nào?

- Theo tôi là chất lượng. Mình muốn so sánh hay đánh giá cái gì, chất lượng là hàng đầu. Nếu để từng trường đánh giá sẽ rất khó, nên hướng tới phối hợp với quốc tế để mang tính khách quan. Nhất là khi chúng ta muốn bằng cấp của Việt Nam được quốc tế công nhận thì nên mời chuyên gia quốc tế. Nếu trường nào kiểm định đạt thì lợi ích lâu dài, uy tín tăng lên.

Chúng ta cũng phải đánh giá về ngoại ngữ và đạo đức, tư duy sáng tạo của sinh viên. Có thể dùng những câu hỏi mở cộng với tiếp xúc thực tiễn. Hiện nay, người nước ngoài đến làm việc và du lịch ở nước ta rất nhiều. Các ngành cần phối hợp với nhau để cho sinh viên được tiếp xúc, làm hướng dẫn viên du lịch. Đây là môi trường tốt để sinh viên học hỏi, trưởng thành. Họ phải hiểu về lịch sử, về văn hóa của đất nước và bắt buộc giao tiếp bằng tiếng Anh.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thủy Trúc (thực hiện)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/giao-duc-dao-tao-con-nhieu-lo-hong-258059.html