Giao cảm trong thơ tượng trưng

Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở châu Âu – cụ thể ở Pháp, khi khoa học có tham vọng bằng lý trí sẽ nắm bắt được tất cả sự thật của tạo vật, nhưng lý trí đã bất lực trước những hiện tượng kỳ diệu của tâm linh, sự lung linh huyền bí của tạo vật, tư tưởng duy lý mất sự tự tin, con người có xu hướng trở về với đời sống hồn nhiên của nó. Trường phái thơ tượng trưng xuất hiện vào hoàn cảnh đó.

Trường phái thơ tượng trưng lúc đầu xuất hiện ở Pháp, với các nhà thơ tên tuổi: Baudelaire (1821-1867), Rimbaud (1854-1891), Verlaine (1844-1896), Mallarmé (1842-1898), Valéry (1871-1945)... Họ đã làm nên cuộc cách mạng thơ ca. Các nhà nghiên cứu cho rằng “Baudelaire là một cái mốc vĩ đại trong lịch sử thơ Pháp. Có khi còn được xem là cái mốc quan trọng nhất, từ đó lịch sử thơ Pháp được chia thành hai thời kỳ: trước và sau Baudelaire”(1). Sau đó, trường phái thơ tượng trưng ảnh hưởng lan tỏa ra khắp châu Âu, đến các châu Mỹ, châu Á – trong đó có Việt Nam. Nguồn cảm hứng sáng tác của họ là đi tìm về ngọn nguồn đời sống tâm linh huyền bí của con người và sự nhiệm màu của vũ trụ mà lý trí con người chưa có khả năng kiểm soát.

Chủ nghĩa tượng trưng - lối tiếp cận đầy ý vị trong thơ ca.

Trong bài báo nhỏ này chỉ trao đổi một khía cạnh về sự giao cảm trong thơ tượng trưng – cũng nhằm chia sẻ với hai học sinh có hỏi chúng tôi trong tuần trước. Đặc điểm giao cảm hay còn gọi mối tương giao, tương ứng trong thơ tượng trưng có những mới mẻ, độc đáo, khác lạ so với các trào lưu sáng tác khác như chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa lãng mạn trước đó... Tính giao cảm trong thơ tượng trưng là loại hình tượng nghệ thuật gợi nhiều liên tưởng bất ngờ, nó được sáng tạo từ những suy nghiệm huyền bí của tác giả, nên có sức ám gợi với những hàm nghĩa sâu xa. Trong thơ tượng trưng, trực giác đóng vai trò chủ đạo trong nhận thức và sáng tạo nghệ thuật. Mỹ học chủ nghĩa tượng trưng cho rằng vũ trụ và con người có mối tương giao, tương ứng huyền bí về nhiều mặt: giữa ánh sáng và bóng tối; về chiều kích không gian giữa ngang và dọc; về ý niệm giữa thực và hư; đặc biệt là sự tương ứng giữa các giác quan, “mùi hương, màu sắc và âm thanh tương giao cùng nhau”, “Có những mùi hương mát như da thịt trẻ con/ ngọt ngào như tiếng sáo/ xanh mượt như cỏ non” (Tương ứng – Baudelaire). Họ quan niệm vũ trụ là một thể thống nhất, tất cả đều tương ứng với nhau, tương ứng giữa tự nhiên với siêu nhiên đầy bí ẩn... Họ quan niệm nhà thơ phải đến với cuộc sống bằng trực giác, bởi chỉ có trực giác tinh tế, nhạy cảm của nhà thơ mới tìm ra được cái thế giới bí ẩn nằm sau thế giới hữu hình. Từ đó người sáng tác mới khám phá ra thế giới đích thực là cái thế giới huyền bí không nhìn thấy ấy. Đó là cái thế giới khác biệt như Baudelaire đã sáng tạo ra để thoát khỏi sự u uất của nỗi lo âu, về với một thiên đường tươi đẹp: “Những vĩ cầm vọng lên từ phía sau các ngọn đồi/ Và những vò rượu, buổi chiều, trong các khóm hoa”. Bởi trong thực tại, nhà thơ nhận ra “một thế giới bị gãy vụn” không tìm được sự đồng cảm nào. “Ta nghe thấy cái sọ người/ Mỗi khi bay lên một bong bóng/ Rên xiết, van xin: “Cái trò chơi khả ố và hung tàn/ Có bao giờ chấm dứt chăng?”. Đáng sợ: “Vì những cái mà miệng người độc ác/ Ôi quái vật giết người/ thổi tan tác lên trời/ Là của ta, óc thịt, máu tươi!” (Ái tình và sọ người). Hai lĩnh vực cao nhất của loài người là tình yêu và lý trí, nhưng ái tình và sọ người là hai biểu tượng trong mối tương giao đối lập khó dung hợp khi “Ái tình ngồi trên cái sọ/ Của loài người”(2).

Ở Việt Nam, nhiều nhà thơ ảnh hưởng thơ tượng trưng, có thể tìm hiểu vài nét giao cảm thơ tượng trưng trong thơ Hàn Mặc Tử. Ông đã vượt qua cái thực tại hữu hình để giao cảm với một thế giới tâm linh huyền bí mộng ảo rợn ngợp: “Tôi ngồi dưới bến đợi nường Mơ/ Tiếng rú ban đêm rạn bóng mờ/ Tiếng rú hồn tôi xô vỡ sóng/ Rung tầng không khí, bạt vi lô/ Ai đi lẳng lặng trên làn nước/ Với lại ai ngồi khít cạnh tôi” (Cô liêu). Đó là cái thế giới tương giao thuần nhất giữa con người và vũ trụ. Sự giao cảm huyền bí với một thế giới khác, nhà thơ vượt qua thể xác trần trụi để phát hiện ra cái tinh túy của linh hồn. Chết là sự kết thúc bi đát của phần hữu hình thể xác, nhưng nhà thơ không quan tâm những xót xa thực tại đó, mà hướng về chiêm vọng, tôn quý cái thế giới vô hình, về sự tồn tại cái đẹp tâm linh: “Đêm qua trăng vướng trong cành trúc/ Cô láng giềng bên chết thật rồi/ Trinh tiết vẫn còn nguyên vẹn mới/ Chưa hề âu yếm ở đầu môi/ Xác cô thơm quá, thơm hơn ngọc/ Cả một mùa xuân đã hiện hình” (Cô gái đồng trinh). Xác của người chết mà “thơm quá, thơm hơn ngọc”, để lại sự sống cho đất trời “Cả một mùa xuân đã hiện hình”. Điều đó gợi lên ý nghĩa tìm về giá trị sự sống và cái chết.

Về sau này vẫn còn không ít tác giả ở ta ảnh hưởng thơ tượng trưng, như sự tương ứng giữa các giác quan, “mùi hương, màu sắc và âm thanh tương giao cùng nhau”. Ta bắt gặp trong Đàn ghi ta của Lorca (Thanh Thảo – Ngữ văn 12, tập 1): “tiếng ghi ta nâu/ bầu trời cô gái ấy/ tiếng ghi ta xanh biết mấy/ tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan/ tiếng ghi ta ròng ròng/ máu chảy”.

(1) Theo Hoàng Ngọc Hiến - Baudelaire Chủ nghĩa tượng trưng và thơ mới. (2) L’amour et le crâne: ... “J’entends le crâne à chaque bulle/ Prier et gémir:/ -“Ce jeu féroce et ridicule,/ Quand doit-il finir?” (...) “Car ce que ta bouchecruelle/ Eparpille en l’air,/ Monstre assassin, c’est ma cervelle,/ Mon sang et machair!” (Trích Ái tình và sọ người – trong tập Những bông hoa ác, Vũ Đình Liên dịch).

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/giao-cam-trong-tho-tuong-trung-99491.html