Giảng viên, sinh viên AJC chia sẻ cách để trúng tuyển học bổng quốc tế

Tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Nga và sinh viên năm 3 ngành Quan hệ Quốc tế Thân Trần Bảo Ngọc chia sẻ cách trúng tuyển học bổng của các quốc gia.

Nữ tiến sĩ chia sẻ cách chinh phục học bổng quốc tế

Hai mươi năm công tác tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Nga (Trưởng khoa Ngoại ngữ) đã hỗ trợ “săn” học bổng quốc tế cho giảng viên, sinh viên và hướng dẫn họ làm hồ sơ ứng tuyển để đạt tiêu chí của đơn vị cấp học bổng.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ, đối với học bổng thạc sỹ (khoảng hơn 1 năm) được cô giới thiệu, ứng viên trúng tuyển sẽ đi học tại nước Anh, Newzealand, Úc… còn với học bổng ngắn hạn thường là vài tuần dành cho sinh viên cũng có nhiều như của nước Mỹ, Hàn Quốc…

Đối với giá trị của khóa học bổng ngắn hạn, có thể học viên sẽ được tài trợ 100% các chi phí từ vé máy bay, ăn, ở, mua tài liệu nhưng bên cấp học bổng không thông tin về tổng giá trị. Còn đối với học bổng thạc sỹ, họ sẽ thông báo về mức hỗ trợ học bổng là bao nhiêu.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Nga chụp ảnh lưu niệm tại Đền Taj Mahal, Ấn Độ. Bản thân cô cũng giành được nhiều chương trình học bổng quốc tế (Ảnh: NVCC)

Hiện nay, các trường đại học ở nước ngoài có nhiều học bổng hỗ trợ như nước Úc, Newzealand, Mỹ. Bên cạnh đó, cũng có học bổng mang tính chất giao lưu văn hóa quốc tế, ví dụ như Ấn Độ cấp học bổng để được giao lưu văn hóa với học viên tại các quốc gia.

“Đối với trường hợp trúng tuyển học bổng của Chính phủ nước bạn, học viên sẽ được học bổng 100%. Ứng viên có thể lên trang hợp tác quốc tế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sẽ có thông tin học bổng thường xuyên”, cô Nga chia sẻ.

Theo cô Nga, để có thông tin về học bổng, cô thường liên hệ với các đại sứ quán và theo dõi các trang mạng xã hội. Khi có thông tin học bổng, cô sẽ thông báo qua nhóm của các giảng viên và sinh viên trong khoa, hoặc trang fanpage của khoa…

Đối với sinh viên, cô sẽ hướng dẫn các bạn nộp hồ sơ như ký thư giới thiệu, hoặc hướng dẫn cho sinh viên trong quá trình viết bài luận. Đối với giảng viên, cô Nga sẽ hướng dẫn họ thực hiện nội dung tương tự.

“Cách viết trong thư giới thiệu của ứng viên, nó thể hiện bản thân ứng viên có đáp ứng được yêu cầu của họ hay không. Sau khi học xong học bổng, ứng viên trở về nước sẽ áp dụng được kiến thức đã học cho tổ quốc ra sao.

Nếu thư giới thiệu chỉ mang tính chất giới thiệu bản thân sẽ không tạo được điểm nhấn với đơn vị cấp học bổng”, cô Nga chia sẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Nga chụp ảnh lưu niệm tại một thư viện của Mỹ. (Ảnh: NVCC)

Vị Trưởng khoa Ngoại ngữ cũng nhấn mạnh một yếu tố đặc biệt quan trọng nữa là, bên cạnh học lực tốt, ứng viên phải giỏi ngoại ngữ, tham gia nhiều hoạt động xã hội.

Theo đó, ứng viên cần phải đạt tiếng Anh từ 6.5 trở lên và năng động trong việc tìm kiếm thông tin, và tham gia các hoạt động ngoại khóa. Bởi lẽ, ở nước ngoài, họ rất quan tâm các kỹ năng mềm.

“Nếu sinh viên chỉ có điểm GPA cao, cũng khó đạt được học bổng của nước ngoài”, cô Nga chia sẻ.

Về cơ hội việc làm của học viên sau khi hoàn thành xong khóa học thạc sỹ tại nước ngoài, cô Nga cho biết, đa phần những trường hợp này dễ dàng kiếm được cơ hội công việc khi về nước.

“Nhiều trường hợp trong Học viện Báo chí và Tuyên truyền học xong học bổng thạc sỹ ở nước ngoài, khi về nước, họ cũng thường tự tìm được việc làm ngay. Nếu có trường hợp nào về nước còn bỡ ngỡ và muốn làm giảng viên, tôi sẽ giới thiệu cho các bạn”, cô Nga thông tin.

Tham gia các học bổng quốc tế, sinh viên được gì?

Là sinh viên năm 3 ngành Quan hệ quốc tế, Thân Trần Bảo Ngọc từng giành được 6 học bổng ngắn hạn của 5 nước như Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Campuchia.

Nhớ về việc giành được khóa học bổng ngắn hạn quốc tế đầu tiên, Bảo Ngọc chia sẻ, em cùng với 4 sinh viên Việt Nam tham gia học tập 1 kỳ học tại trường University of Maine tại tiểu bang Maine, miền Đông Bắc nước Mỹ với học bổng toàn phần. Đây là chương trình giao lưu văn hóa giữa sinh viên các nước trên thế giới và tìm hiểu về văn hóa Mỹ.

Tại đây, Ngọc tham gia các hoạt động với sinh viên của nhà trường, và tham gia các hoạt động tình nguyện của trường.

Để giành được học bổng, Bảo Ngọc thường tham gia các chương trình qua các trang như ASEAN Foundation, International Global Network...

Thân Trần Bảo Ngọc chụp ảnh lưu niệm ở Indonesia khi tham gia chương trình Hội nghị mô phỏng cấp cao ASEAN-Nhật Bản. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh đó, trên giảng đường, Ngọc được cô Nguyễn Thị Việt Nga truyền cảm hứng chia sẻ về trải nghiệm tại các quốc gia. Từ đó, bản thân em cũng lọc ra những keyword như "trao đổi văn hóa, tài trợ học bổng toàn phần....", và em lên Google tìm kiếm những chương trình học bổng.

Mỗi chương trình học bổng có nội dung khác nhau, nhưng đều có điểm chung là tìm kiếm sinh viên có thành tích tốt về học tập.

"Đơn vị cấp học bổng sẽ chú trọng vào điểm học tập GPA của sinh viên, nếu trên 3.2, em nghĩ đây là mốc an toàn. Đối với chương trình học bổng sinh viên quốc tế, đòi hỏi ứng viên phải có đam mê tham gia vào những hoạt động ngoại khóa tại trường, cùng với đó là khả năng giao tiếp, thuyết trình, mong muốn kết nối với bạn bè trên thế giới.

Đồng thời, ngoài kiến thức văn hóa, lịch sử tại đất nước cấp học bổng, sinh viên cũng phải có kiến thức về văn hóa của Việt Nam vững chắc để tham gia chương trình giao lưu quốc tế", Bảo Ngọc chia sẻ.

Nữ sinh viên năm 3 chia sẻ thêm, khi trúng tuyển học bổng, các sinh viên ở các quốc gia sẽ cùng nhau bàn về các vấn đề trong khu vực cũng như quốc tế, theo góc nhìn của sinh viên.

Về thời gian đi học chương trình học bổng, Bảo Ngọc cho hay, em đi tham gia chương trình học bổng dài nhất là tại Mỹ kéo dài 4 tháng, còn những chương trình học bổng ngắn hạn khác thường sẽ kéo dài một tuần đến hai tuần.

Thông qua những chuyến đi học bổng ngắn hạn, bản thân Ngọc đã học tập được nhiều điều. Đó là, em đã biết được nhiều sự kiện đang diễn ra trên trường quốc tế, điều mà báo chí chưa thông tin hết. Hay đó là việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh tại các quốc gia cũng có sự khác biệt trong cách nói và phát âm. Bản thân Ngọc cũng được tìm hiểu về văn hóa của sinh viên tại nhiều quốc gia trên thế giới.

"Qua những chuyến đi học tập ở nước ngoài, em cũng đã đưa những kiến thức bản thân có được vào trong việc làm bài tập tại trường và đều được điểm A", Bảo Ngọc chia sẻ.

Chia sẻ về khó khăn trong quá trình đi tham gia học bổng quốc tế, nữ sinh viên ngành Quan hệ quốc tế cho biết, do em và các bạn khác nhau về văn hóa, về quan điểm, nên có sự bất đồng ý kiến. Tuy nhiên, Bảo Ngọc cũng đã học được sự tôn trọng, lắng nghe để tìm ra điểm chung giải quyết vấn đề.

Thông qua những chuyến đi như vậy, Bảo Ngọc đã tạo ra được sự gắn kết với bạn bè trên thế giới. Đến nay, em vẫn thường xuyên trò chuyện với họ và còn dự định cùng nhau tham gia những chương trình học bổng khác nữa.

"Khi tham gia các chương trình học bổng quốc tế, em còn nhận thấy bản thân là cầu nối quảng bá hình ảnh, văn hóa của Việt Nam với bạn bè quốc tế, điều này rất ý nghĩa", Bảo Ngọc cho hay.

Chia sẻ về tương lai, Bảo Ngọc cho hay, em dự định sẽ học lên thạc sĩ và làm nghiên cứu sinh để bồi dưỡng thêm kiến thức chuyên môn cho bản thân...

Mạnh Đoàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giang-vien-sinh-vien-ajc-chia-se-cach-de-trung-tuyen-hoc-bong-quoc-te-post242422.gd