Giảng viên chức danh GS giảm, tuyển không đủ chỉ tiêu, ĐH Thành Đông nêu lý do

Theo lý giải của Trường ĐH Thành Đông, do một số giáo sư đã quá tuổi, sức khỏe không đảm bảo, sau đó các giảng viên tự nguyện xin nghỉ việc.

Số lượng giảng viên chức danh là giáo sư suy giảm qua các năm

Tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, hiện Trường Đại học Thành Đông đã công bố thông tin ba công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị.

Tại báo cáo ba công khai về đội ngũ giảng viên cơ hữu qua các năm cho thấy, số lượng giảng viên chức danh giáo sư đang có xu hướng giảm dần qua các năm. Số lượng giảng viên chức danh phó giáo sư cũng không có biến động nhiều.

Cụ thể, tại báo cáo công khai về đội ngũ giảng viên năm học 2019 - 2020 trường đại học này nêu ra thống kê có tổng số 258 giảng viên cơ hữu. Trong đó có 10 giáo sư, 42 phó giáo sư, 74 tiến sĩ và 115 thạc sĩ.

Số lượng giảng viên là giáo sư phân bổ nhiều ở ngành Dược với 4 người. Các ngành khác như Y học, Dinh dưỡng và Xây dựng, mỗi ngành 2 người.

Số giảng viên là phó giáo sư phân bổ nhiều trong ngành Y học với 10 người, tiếp đến là ngành Điều dưỡng 6 người, các ngành còn lại chủ yếu có 1 đến 2 giảng viên là phó giáo sư.

Phóng viên không tìm thấy dữ liệu báo cáo ba công khai về đội ngũ giảng viên trong năm học 2020 - 2021.

Trường Đại học Thành Đông. Ảnh: Trung Dũng

Tiếp đó, báo cáo về đội ngũ giảng viên trong năm học 2021 - 2022 cho thấy, trường đại học này có tổng số 303 giảng viên cơ hữu. Trong đó có 10 giáo sư, 43 phó giáo sư, 82 tiến sĩ và 153 thạc sĩ.

Số lượng giảng viên chức danh là giáo sư phân bổ nhiều tại Khối ngành VI với 8 người, ở khối ngành V có 2 người. Số lượng giảng viên là phó giáo sư phân bổ nhiều ở Khối ngành VI với 19 người, ở Khối ngành III 14 người, ở Khối ngành V và Khối ngành VII mỗi khối có 5 người.

Tại báo cáo công khai về đội ngũ giảng viên trong năm học 2022 - 2023 đã bắt đầu ghi nhận sự giảm sút về số lượng giảng viên là giáo sư khi tổng số giảng viên toàn trường là 388 người nhưng chỉ có 9 giảng viên là giáo sư. Lượng phó giáo sư đã tăng lên so với năm học trước đó, với tổng số là 45 người.

Ngoài ra, báo cáo cho thấy năm học này có 112 giảng viên là tiến sĩ và 190 thạc sĩ. Khối ngành VI vẫn chiếm ưu thế về lượng giảng viên là giáo sư với 7 người, ở Khối ngành V có 2 người.

Lượng giảng viên là phó giáo sư ở Khối ngành VI đã tăng lên so với năm học trước đó với 23 người. Ở Khối ngành III lại ghi nhận có chiều giảm xuống 4 người so với năm học trước đó khi chỉ có 10 người. Ở Khối ngành V và VII đã được bổ sung thêm 1 người so với năm học trước đó khi cùng sở hữu 6 giảng viên.

Đến năm học 2023 - 2024 ( Số liệu năm học theo thông tin trong báo cáo ba công khai của Trường Đại học Thành Đông) ghi nhận sự giảm sút thêm lượng giảng viên là giáo sư tại trường đại học này khi trong tổng số 406 giảng viên cơ hữu thì chỉ có 7 giảng viên là giáo sư. Số lượng giảng viên là phó giáo sư cũng đã tăng lên thêm 1 người so với năm học trước lên con số 46 giảng viên.

Trong năm học này cũng cho thấy sự gia tăng về số lượng giảng viên là tiến sĩ và thạc sĩ so với năm học trước đó khi có 119 tiến sĩ và 196 thạc sĩ.

Số lượng giảng viên là giáo sư trong năm học này được phân bổ nhiều trong Khối ngành VI với 5 người, giảm 2 người so với năm học trước đó. Tại Khối ngành V vẫn giữ nguyên với 2 giảng viên là giáo sư.

Lượng giảng viên là phó giáo sư tại Khối ngành VI vẫn giữ nguyên so với năm học trước đó với 23 người, tại Khối ngành III giảm xuống 1 người so với năm học trước với 9 giảng viên. Tuy nhiên ở Khối ngành V và VII đều được tăng thêm 1 người so với năm học trước đó nên cùng có con số 7 giảng viên.

Biểu đồ thể hiện số lượng giảng viên cơ hữu và cơ cấu giảng viên của Trường Đại học Thành Đông qua các năm.

Đồ họa: Trung Dũng

Về nguyên nhân khiến số lượng giảng viên là giáo sư giảm, trong văn bản số 99/ĐHTĐ-QLCL của Trường Đại học Thành Đông phản hồi các câu hỏi của phóng viên liên quan báo cáo ba công khai, Nhà trường lý giải: "Do một số giáo sư đã quá tuổi, sức khỏe không đảm bảo, sau đó các giảng viên tự nguyện xin nghỉ việc".

Bên cạnh đó, văn bản trả lời của Trường Đại học Thành Đông cũng nêu, những năm gần đây nhà trường có mở ngành mới, tuy nhiên những ngành này lại hiếm giảng viên có chức danh là giáo sư. Đơn cử như ngành: Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Trung Quốc, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn.v.v.

Với việc giảm giảng viên chức danh là giáo sư như vậy có ảnh hưởng ra sao đến công tác đào tạo, nghiên cứu của nhà trường, Trường Đại học Thành Đông khẳng định: "Việc suy giảm này không ảnh hưởng nhiều đến công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường.

Trên thực tế, các giảng viên là giáo sư dù đã về hưu nhưng họ là những chuyên gia đầu ngành nên khi nghỉ hưu họ vẫn có thể góp ý cho nhà trường trong công tác bồi dưỡng giảng viên".

Bên cạnh đó, Trường Đại học Thành Đông cũng nhấn mạnh: "Để nâng cao số lượng và chất lượng giảng viên có học vị tiến sĩ, nhà trường cũng đã có kế hoạch cử giảng viên đi nghiên cứu trong nước và nước ngoài theo Đề án 89 của Chính phủ".

Ba năm gần đây, số lượng thí sinh trúng tuyển luôn thấp hơn chỉ tiêu

Qua đề án tuyển sinh các năm gần đây của Trường Đại học Thành Đông cho thấy, số lượng thí sinh trúng tuyển, nhập học luôn ở mức thấp hơn so với chỉ tiêu được trường này công bố.

Cụ thể, tại Đề án tuyển sinh năm 2022 phóng viên ghi nhận trong năm 2021, trường đại học này công bố 1.560 chỉ tiêu nhưng chỉ có 1.029 thí sinh trúng tuyển.

Tương tự, trong năm 2021 trường đại học này công bố 1.586 chỉ tiêu nhưng chỉ có 1.265 thí sinh trúng tuyển.

Tìm hiểu tiếp trong Đề án tuyển sinh năm 2020 của Trường Đại học Thành Đông phóng viên ghi nhận trong năm 2019, trường đại học này có tổng số 1.290 chỉ tiêu nhưng chỉ có 723 sinh viên trúng tuyển.

Về việc này trong văn bản trả lời gửi Tạp chí, trường đại học này cho rằng do nhiều nguyên nhân khác nhau tác động.

Nhà trường cũng khẳng định và loại trừ nguyên nhân chủ quan có thể đến từ các yếu tố về điều kiện cơ sở vật chất và năng lực đào tạo chưa đáp ứng. Đồng thời nhấn mạnh, nhà trường luôn đẩy mạnh đổi mới, đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng lẫn số lượng đội ngũ giảng viên để có thể thu hút được người học trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

"Thứ nhất, do hiện nay có nhiều trường đại học tư thục được thành lập. Trung bình mỗi tỉnh sẽ có ít nhất từ 2 đến 3 trường đại học công lập và từ 1 đến 2 trường đại học tư thục. Hiện tại, ở tỉnh Hải Dương hiện đang có đến 3 trường đại học công lập và 1 phân hiệu trường đại học.

Đây là thuận lợi lớn với người học khi có nhiều cơ hội lựa chọn trường cũng như ngành học nhưng lại là thách thức lớn đối với các trường đại học trên địa bàn, đặc biệt là sự cạnh tranh rất lớn về tuyển sinh.

Thứ hai, tâm lý sinh viên hiện nay vẫn thích theo học tại các trường đại học tại Hà Nội hơn là ở tại quê nhà, trong khi điều kiện giao thông đi lại từ Hải Dương lên Hà Nội cũng đã rất thuận lợi.

Vì thế các trường ở tỉnh lẻ dù đã cố gắng đầu tư rất lớn về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ giảng viên và chương trình đào tạo, tuy nhiên vẫn chưa nhận được sự quan tâm, ủng hộ, quan tâm của người học.

Thứ ba, có thể do công tác truyền thông về tuyển sinh của nhà trường chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay. Mặc dù nhà trường đã sử dụng nhiều phương án truyền thông để tuyển sinh nhưng hiện nay có rất nhiều thông tin khác nhau của nhiều trường đại học gây loãng thông tin tuyển sinh khiến người học có nhu cầu tiếp thu chưa đầy đủ", văn bản phản hồi của Trường Đại học Thành Đông nêu.

Trung Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giang-vien-chuc-danh-gs-giam-tuyen-khong-du-chi-tieu-dh-thanh-dong-neu-ly-do-post241476.gd