Gian truân chuyển nghề

Tỷ lệ thất nghiệp tăng, kéo theo sức tiêu dùng của khách hàng ngày càng giảm, đang tác động đến các nhóm lao động ở nhiều ngành nghề khác nhau. Người thì cố bám trụ, người thì chuyển nghề để đảm bảo thu nhập tối thiểu, chăm lo cho gia đình, con cái học hành trong những ngày khó khăn.

Chị L. (bán cá chợ Mỹ Long, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Nào giờ, tôi nhập các loại cá ngon để bán, có ngày nhập cả chục ký để bán lẻ, giao cho các mối, tiền vốn bỏ ra khoảng 2 - 3 triệu đồng, vốn cứ thế xoay vòng. Số tiền lời kiếm được có thể lo bữa cơm cho nhà còn tiền đi làm thuê của chồng để dành chi trả các khoản sinh hoạt trong gia đình, như: Điện, nước, tiền học cho con. Không hiểu sao, nhiều tháng nay, tôi bán rất ế ẩm, đôi khi tôi phải bán hòa vốn hoặc giảm giá vì không thể bảo quản được, chứ chưa nói đến có lời hay không.

Cứ như vậy, mỗi lần mua cá mới tôi phải vay mượn tiền thêm, đến nay đã nợ tiền vay bên ngoài 3 triệu đồng. Thấy vậy, chồng tôi đành cầm cố đỡ chiếc xe gắn máy đi làm hàng ngày để giúp tôi trả nợ. Hiện, anh phải quá giang đồng nghiệp đi làm công việc hàn sắt, cố gắng tích lũy để có thể chuộc xe. Tôi không ngờ có lúc gia đình lại rơi vào cảnh khó khăn đến vậy. Tôi đang mua lại ít cá nhỏ bán cầm chừng và suy nghĩ tìm việc gì khác để cải thiện thu nhập”.

Công việc môi giới nhà đất ngưng trệ hơn 1 năm qua làm những người làm nghề môi giới tự do không thể bám trụ với nghề. Ngày trước, anh N. (ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) tự tin có thể một mình kiếm được tiền, vợ chỉ việc ở nhà chăm sóc và đưa đón 2 con đi học. Vậy mà đến nay, N. không thể xoay sở.

“Hổm nay, tôi và vợ bàn bạc nhau học cách chế biến các món ăn làm sẵn, như: Chả giò chiên, pa-tê, chả lụa, hải sản tươi… đăng bán hàng online. Thế nhưng, do mình mới vào nghề nên còn nhiều bối rối, lượng khách hàng và lợi nhuận chưa đáng kể, chưa đủ lo tiền chợ hàng ngày”.

Còn với chị H. (huyện Chợ Mới) có được việc làm ở thời điểm này đủ để trang trải ăn uống, tiền trọ là một hạnh phúc lớn. Trước đây, chị vốn có công việc ổn định cho hãng nước giải khát tại TP. Hồ Chí Minh. Nhưng vì muốn làm ăn riêng, chị H. mạnh dạn thuê kho làm dịch vụ vận chuyển riêng. Nhà kho chỉ mở được ít lâu thì dịch bệnh COVID-19 bùng phát, kho hàng đóng cửa ròng rã 6 tháng. Chị rơi vào cảnh nợ tiền thuê mặt bằng đến 120 triệu đồng. Trong cảnh khó khăn, chị đành khất nợ, trở về quê tìm đến công việc phụ quán với đồng lương ít ỏi 5 triệu đồng/tháng, mong có thể tiết kiệm để trả bớt nợ.

Chị H chuyển sang làm tiếp thị và giao hàng

"Gặp cảnh khó khăn đã 3 năm nay, tôi không ngại làm bất cứ công việc gì, dù là lao động tay chân như phụ quán, rửa chén. Nay tôi vừa tìm được công việc giao hàng, tuy vất vả phơi nắng mưa suốt ngày, nhưng tôi thấy mình còn may mắn, bởi thời buổi khó khăn này có được việc làm đã là điều quý giá”- chị H. nói.

Bước qua những ngày gian truân, gặp nhiều thất bại và khó khăn ở nhiều ngành nghề, nên với Y. (ngụ thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn) tất cả chỉ là thử thách. “Tôi đã từng mở quán ăn ở thị trấn Phú Hòa, buôn bán ế ẩm nên đành nghỉ bán. Sau đó, vợ chồng đi làm thuê ở tỉnh Bình Dương. Các công việc gọi là có thu nhập đủ để trang trải chi phí ăn uống, tiền trọ, tính ra không dư dả mấy và không tính được chuyện đường dài.

Hổm nay, phải loay hoay tìm kiếm công việc, nên vợ chồng phải trở về quê nhà, một lần nữa cố gắng đầu tư vào quán ăn, mong kiếm được chút ít lợi nhuận để trang trải cuộc sống hàng ngày. Lần này, tôi tính kỹ hơn, mua lại đồ thanh lý của các quán ăn khác để nhẹ vốn đầu tư, vợ chồng tự bỏ công sức ra làm, thuê người phụ giúp chút ít để không tốn quá nhiều chi phí. Hy vọng, dù kinh tế khó khăn nhưng người dân vẫn có thể chi tiêu vào ăn uống, từ đó giúp tôi có được khoản thu nhập, trang trải được chi phí sinh hoạt”.

Việc làm ngày càng ít, giá cả các mặt hàng tăng đang gây khó khăn cho người lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, lao động tự do. Sự chuyển đổi ngành nghề để tìm kiếm thu nhập, từng bước vượt qua những trở ngại trước mắt là điều tất yếu. Với người tiêu cực gặp cảnh khó khăn dễ nảy sinh tâm lý chán nản, bởi nhìn đâu cũng toàn thấy trở ngại.

Còn với người tích cực, càng cảm nhận sự khó khăn của nền kinh tế, họ càng cố gắng vượt qua, mạnh dạn học tập, chuyển đổi ngành nghề để thích ứng công việc mới. Với họ, những ngày khó khăn không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để họ trải nghiệm và phát triển bản thân ở những lĩnh vực mới.

NGỌC GIANG

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/gian-truan-chuyen-nghe-a367554.html