Gian nan nuôi cá làm giàu ở biên giới Lai Châu (bài 4)

...Có vốn hỗ trợ từ ông Hùng, ông Sủ mua 1.000 con cá hồi giống và 2.000 con cá tầm thả nuôi tiếp, dự tính đến tháng 1/2024 sẽ có doanh thu vài trăm triệu đồng. Còn ông Chỉn nhận vốn hỗ trợ từ Thiếu tá Đại mua được 3.000 con cá giống, kèm theo tiền mua thức ăn, muối tắm cá...

Bài 4: Người vùng cao trong “canh bạc” lớn

Được tiếp cận với kỹ thuật nuôi cá hồi, nhiều đồng bào dân tộc Mông, Dao ở vùng biên giới huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu vẫn vay ngân hàng hàng trăm triệu đồng để đầu tư vào sản xuất lớn. Thiếu tiền, bà con bán cả con trâu cơ nghiệp của mình để theo đuổi và thực hiện ước mơ nuôi cá làm giàu.

“Tôi nghe nói ở bên xã Pa Vây Sử có trại nuôi cá hồi của Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải làm rất hay, nên phóng xe máy chạy hơn 100km đến tận nơi xem như thế nào? Anh em Biên phòng nói, ở bản Sin Suối Hồ có thể nuôi được, trên đường về ghé qua Hợp tác xã nông nghiệp Vùng Cao xem mô hình của họ. Những hình ảnh mắt thấy, tai nghe được đồng tiền lãi, thấy sướng quá về triển khai xây hồ nuôi cá hồi luôn” - ông Sùng A Phông, dân tộc Mông, bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ mở đầu câu chuyện khá thú vị.

Toàn cảnh khu nuôi cá hồi, cá tầm ở bản Dền Sung, xã Sin Suối Hồ. Ảnh: Hải Luận

“Học phí” quá đắt

Năm 2019, ông Phông là người đi tiên phong đầu tư 150 triệu đồng làm hồ nuôi cá hồi tại địa điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng Sin Suối Hồ. “Năm 2021, tôi bán đàn cá với số tiền 400 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 250 triệu đồng, đây là số “tiền cục” lớn nhất đời tôi cầm được. Thừa thắng xong lên, tôi mua 8.000 con giống thả nuôi tiếp, rủi ro ập đến nhà tôi, trời mưa lớn đẩy đá, lá cây xuống làm tắc đường ống nước, cá bị thiếu oxy chết mấy nghìn con, vừa rồi bán bị lỗ mất 100 triệu đồng. Không sao, hiện nay ở dưới hồ còn 1.500 con cá tầm, với giá bán trên thị trường 195.000-220.000 đồng/kg, Tết Nguyên đán năm nay, nhà tôi sẽ bán gần 2 tấn cá cũng kiếm kha khá tiền đó” - ông Phông bấm tay tính toán.

Em trai của ông Phông là Sùng A Phìn thấy anh làm được, thì quyết định bán 1 con trâu được 50 triệu đồng để đầu tư xây 3 bể nuôi cá hồi, đi vay thêm 50 triệu đồng mua 2.000 con cá hồi giống và thức ăn. Ông Phìn hy vọng phất lên nhờ nuôi cá hồi.

Từ mô hình của ông Phông đã thúc giục ông Tẩn Láo Sủ (dân tộc Dao), Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Dền Sung, xã Sin Suối Hồ đi tìm địa điểm ở suối Dền Sung lập trại nuôi cá. Nước ở dòng suối Dền Sung bắt nguồn từ đỉnh Bạch Mộc Lương Tử có độ cao 3.046m so với mực nước biển. “Tôi lên gặp ông Hòa, Chủ tịch xã UBND xã trình bay kế hoạch mở đường lên triền núi và phương án đào ao nuôi cá. Ông Hòa bảo để xã lên kiểm tra rồi quyết định” - ông Sủ cho biết.

Được xã đồng ý cho làm hồ nuôi cá, Bí thư Chi bộ bản Dền Sung vét sạch gia sản của mình được 46 triệu đồng thuê máy ủi mở đường dài hơn 200m để xe ô tô chạy lên được. Có đường, ông Sủ rủ thêm mấy người bạn trẻ trong bản cùng đầu tư đào hồ nuôi cá.

“Toàn bộ số tiền đã thuê máy ủi làm đường, hết tiền làm hồ nuôi cá, tôi vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng về làm 6 cái ao. Làm xong ao, không có tiền mua cá giống thả, tôi lại đi vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện 70 triệu đồng, mua mấy nghìn con cá giống” - ông Sủ nhớ lại.

Ông Sủ hào hứng kể tiếp: “Lứa cá đầu tiên bán được 150 triệu đồng, khỏi phải dây dưa nợ nần, tôi mang tiền đi trả ngân hàng. Thế là hụt vốn làm vụ thứ hai. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy xã vào trại nuôi cá thăm thấy tôi thật sự quá khó khăn về nguồn vốn, rút túi ra cho tôi 3 triệu đồng, gợi ý hỗ trợ vốn 100 triệu đồng. Thiếu tá Hoàng Văn Đại, cán bộ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ tăng cường xã giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã Sin Suối Hồ cũng hỗ trợ ông Tẩn Sào Chỉn (người nuôi cá hồi cạnh đó) 3 triệu đồng và hứa hỗ trợ vốn”.

Có vốn hỗ trợ từ ông Hùng, ông Sủ mua 1.000 con cá hồi giống và 2.000 con cá tầm thả nuôi tiếp, dự tính đến tháng 1/2024 sẽ có doanh thu vài trăm triệu đồng. Còn ông Chỉn nhận vốn hỗ trợ từ Thiếu tá Đại mua được 3.000 con cá giống, kèm theo tiền mua thức ăn, muối tắm cá...

Ông Chẻo Láo Tả, bản Trung Hồ, xã Sin Suối Hồ thấy ông Sủ, ông Chỉn... ở bản Dền Sung nuôi cá có thu nhập khá, thuê lại 3 cái ao của ông Sủ với giá 12 triệu đồng/năm, đi vay ngân hàng và huy động vốn anh em trong nhà, tổng cộng 300 triệu đồng mua 9.000 con cá giống.

“Thấy cá ăn khỏe, tôi cứ cho nó ăn 5-6 lần/ngày, cộng lại 15kg thức ăn, gấp đôi định lượng chuyên gia khuyến nghị. Cá ăn càng nhiều, càng chết nhiều, kéo dài gần 2 tháng trời chưa tìm ra nguyên nhân. Tình cờ có một ai đó nói cá hồi ăn no quá cũng hay chết, tôi mổ bụng cá ra thấy thức ăn cứng cả ruột, thảo nào nó chết” - ông Tả nhớ đời kinh nghiệm.

Vụ cá đó ông Tả bị lỗ vốn 100 triệu đồng. Hiện nay, ông Tả đang nuôi 4.000 con cá hồi phát triển tốt, hy vọng đúc rút được kinh nghiệm sẽ có lãi vài trăm triệu đồng vào đầu năm sau.

Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy xã “thổi hồn” với dân

Tôi đặt thẳng câu hỏi với ông Nguyễn Mạnh Hùng và Thiếu tá Hoàng Văn Đại: “Vì sao hai ông mạnh dạn đầu tư vốn cho dân 200 triệu đồng?”. Ông Hùng trả lời: “Lúc trước tôi làm việc ở Huyện ủy Phong Thổ, mỗi lần đi công tác ở các xã sát biên giới đều ghé qua trại cá của BĐBP nuôi ở xã Pa Vây Sử, nghe các anh kể lại quy trình nuôi, hỏi thêm kỹ thuật. Anh Đại là sĩ quan Biên phòng càng am hiểu quy trình nuôi cá hơn. Như vậy, cả Bí thư và Phó Bí thư Đảng ủy đều có chút kiến thức nuôi cá hồi, thấy dân trong xã Sin Suối Hồ bắt đầu nuôi cá hồi, tôi xin hùn vốn, coi như “thổi hồn” với dân, giúp dân kỹ thuật nuôi, tìm chỗ cho dân vay vốn... Tôi hoàn toàn không nghĩ gì về việc kiếm được đồng lãi từ hùn vốn”.

Thiếu tá Hoàng Văn Đại trao đổi với người dân nuôi cá. Ảnh: Hải Luận

Đợt hạn hán xảy ra ở miền Bắc mùa Hè vừa rồi, nước dưới suối cũng ít lại, các hộ nuôi cá hồi ở bản Dền Sung thiếu nước, đã xảy ra mâu thuẫn tranh giành nguồn nước. “Trước tình huống này. Anh Hùng và tôi lập tức lên núi hòa giải chuyện tranh chấp nguồn nước nuôi cá. Lúc đầu rất căng thẳng, hộ gia đình nào cũng nóng bừng bừng đổ lỗi cho nhau. Chúng tôi phân tích sự việc và đi đến quyết định mỗi hộ chỉ được đặt một ống nước phi 90, riêng hộ ông Sủ có nhiều hồ nuôi cho thêm một ống phi 60. Ai cũng thống nhất và bắt tay vui vẻ” - Thiếu tá Hoàng Văn Đại cho biết.

Một tuần trôi qua, những ông chủ có hồ nuôi cá kia vẫn “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, lại xảy ra tranh cãi chuyện lấy nước. Ngày Chủ nhật, Bí thư và Phó Bí thư Đảng ủy xã tiếp tục lên núi họp dân. Thiếu tá Đại tâm sự: “Tôi là sĩ quan trinh sát, trước đó đã “bí mật” đi điều tra tìm hiểu rõ bản chất sâu thẳm của sự việc. Ông Sủ đang đi học lớp trung cấp chính trị dưới huyện, cuối tuần về tranh thủ xả nước tắm cá, vệ sinh ao nuôi, tháo nước chảy cả ngày. Mấy ông hồ bên cạnh thiếu nước cá chết nhiều, nóng mặt gọi điện cho Bí thư Đảng ủy xã yêu cầu can thiệp. Họ không bằng lòng với ông Sủ có hai ống dẫn nước. Tôi và anh Hùng yêu cầu ông Sủ chỉ sử dụng một ống dẫn nước, ngày tắm cá lấy nước ít lại. “Xử nghiêm” hai nguyên nhân này, ai cũng đồng tình và hòa thuận đến bây giờ”.

Bài 5: Giải pháp tối ưu để khoan sức dân

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/gian-nan-nuoi-ca-lam-giau-o-bien-gioi-lai-chau-bai-4-post470221.html