Gian nan nghề khoan âm giếng

Những người làm nghề này sợ nhất gặp cảnh khoan giếng nhưng không tìm được mạch nước đạt yêu cầu, vì theo thỏa thuận, chỉ khi giếng khoan có mạch nước đủ mạnh thì người thợ mới được trả tiền công.

Cha con ông Tâm khoan giếng tại khu vực đất thuộc Nông trường cao su Đồng Rùm.

Mùa nắng nóng, mạch nước ngầm tại nhiều khu vực đất nông nghiệp thuộc địa bàn huyện Tân Châu xuống thấp. Thời điểm này được xem là mùa cao điểm của những người hành nghề khoan giếng theo yêu cầu cần hạ thấp độ cao của máy bơm nước. Người dân địa phương thường gọi công việc này là nghề âm giếng.

Trong số những người chuyên hành nghề âm giếng có ông Lê Văn Tâm (ngụ xã Tân Đông, huyện Tân Châu). Ông Tâm làm nghề đã hơn 10 năm, chủ yếu nhận khoan âm giếng cho những nông dân chuyên trồng bí đậu hoặc dưa hấu với diện tích lớn tại các nông trường cao su đã thanh lý cây.

VẤT VẢ TÌM MẠCH NƯỚC NGẦM

Ngày 18.2.2024, phóng viên có dịp theo chân hai cha con ông Tâm đến khoan tại khu vực đất rộng hơn 100 ha thuộc Nông trường cao su Đồng Rùm (xã Tân Thành, huyện Tân Châu). Trong khoảng thời gian để đất trống sau khi thanh lý cây cao su, Nông trường đã cho nhiều nông dân mượn đất để cải tạo lên luống trồng dưa hấu.

Ông Nguyễn Văn Dũng, một nông dân chuyên trồng dưa hấu cho biết, trồng loại này yếu tố quan trọng hàng đầu là phải chủ động được nguồn nước tưới. Đối với vùng đất tại đây và vào thời điểm này thì giải pháp duy nhất để tìm nguồn nước tưới là khoan âm giếng; cụ thể, đào hố hạ thấp độ cao đặt máy bơm xuống lòng đất từ 3-5 mét.

Việc khoan âm giếng này cũng lắm công phu, vất vả và nguy hiểm, nhưng để tìm được mạch nước đủ mạnh, người thợ khoan chỉ có thể trông chờ vào sự may mắn.

Ông Tâm và người con trai chở toàn bộ giàn khoan giếng trên một rơ-moóc gắn vào máy cày, đến khu vực đất nêu trên cũng là lúc giữa trưa trời nắng gắt. Tại khu đất rộng hơn 100 ha hiện có khoảng 40 cái giếng khoan kiểu này. Ông Tâm cho hay, tất cả những cái giếng đó đều do nhiều người dân trồng dưa hấu thuê cha con ông khoan trước đó, thế nhưng, có một số vị trí cần phải khoan giếng mà mãi không tìm được mạch nước đủ mạnh.

Người trồng dưa nóng ruột, mong muốn sớm tìm được nguồn nước tưới để canh tác cho kịp vụ mùa cũng như cứu sống nhiều luống dưa hấu đã nảy mầm. Thế nên, cha con ông Tâm tranh thủ làm việc luôn cả buổi trưa.

Ông Tâm và người con trai cố gắng dùng máy phát điện để vận hành mô-tơ bơm nước nhằm “kích mạch” các giếng đã khoan trước đó, hy vọng có thể cứu vãn được sự cố tắc nghẽn mạch nước. Sau khoảng 2 giờ “vật lộn” với các giếng đã khoan nhưng vẫn không đạt được kết quả như mong muốn, ông Tâm đành bỏ cuộc, lái máy cày kéo theo giàn khoan đến vị trí khác gần đó.

Đến nơi, hai cha con ông Tâm ngồi nghỉ mệt. Người ướt đẫm mồ hôi, vẻ mệt mỏi như muốn kiệt sức, dưới trời nắng như thiêu đốt, ông Tâm chậm rãi tâm sự về nghề âm giếng của mình.

Theo ông Tâm, do cấu tạo địa chất rất phức tạp nên trong cùng một thửa đất nhưng các mạch nước ngầm mạnh, yếu khác nhau. Có thể nói, việc khoan và tìm mạch nước ngầm dưới lòng đất giống như “mò kim đáy biển”.

Những người làm nghề này sợ nhất gặp cảnh khoan giếng nhưng không tìm được mạch nước đạt yêu cầu, vì theo thỏa thuận, chỉ khi giếng khoan có mạch nước đủ mạnh thì người thợ mới được trả tiền công.

Ông Tâm kể, có ngày hai cha con khoan đến 3 cái giếng, mỗi cái sâu đến vài chục mét nhưng không cái nào bơm được nước. Người thuê khoan giếng thấy vậy thương tình hỗ trợ lại phần nào tiền dầu máy khoan, tiền ống đã đặt âm xuống giếng, tiền ăn uống và các chi phí liên quan trong ngày, còn công sức bỏ ra coi như mất trắng.

Nhưng cũng có khi người thuê thực hiện đúng theo thỏa thuận “khoan giếng có nước mới có tiền”, cha con ông đành chịu thua lỗ, vừa mất tiền vừa mất công. “Mặc dù vậy, tôi vẫn quyết không bỏ nghề.

Người khoan giếng phải có tâm nghĩ đến lợi ích lớn của nhiều người đang thuê mình, vì nước là yếu tố quan trọng quyết định sự sống còn của hàng trăm héc-ta dưa hấu. Nên bằng mọi cách, cha con tôi phải tìm cho ra nguồn nước tưới, kể cả phải gác lại lợi ích của riêng gia đình mình”- ông Tâm chia sẻ.

Theo nhiều người dân, gia đình ông Tâm cũng đang lên luống trồng dưa hấu với diện tích khoảng 6 ha tại khu đất này, nhưng do việc khoan giếng gặp phải sự cố như trên nên mấy ngày nay ông vẫn chưa xuống giống trồng dưa, nguy cơ trễ vụ.

Ông Tâm đang có ý muốn sang nhượng lại phần vốn đã đầu tư cho người có nhu cầu trồng dưa hấu, để ông tập trung vào việc khoan giếng. Ông còn cho hay, khoan giếng tại đây vào thời điểm này phải đạt độ sâu từ 28-35 mét, đó là chưa kể việc tìm không đúng mạch nước ngầm, gây mất nhiều thời gian và chi phí phát sinh.

Cận cảnh máy bơm được đặt âm xuống lòng đất.

Trong quá trình máy khoan giếng vận hành, con của ông Tâm liên tục chỉnh tốc độ máy khoan, nhất là khi mũi khoan đụng phải đá dưới lòng đất. Đây là công việc đòi hỏi phải có kỹ năng, kinh nghiệm để tránh việc mũi khoan bị kẹt hoặc gãy.

Ông Tâm cũng liên tục lên xuống rơ-moóc đặt giàn khoan để lắp các đoạn ống sắt nối trục mũi khoan; dùng tay mò mẫm dưới nước cạnh trục khoan để hốt đất, cát, sỏi, đá ném đi. Việc này nhằm đánh giá giếng khoan có đúng chỗ mạch nước ngầm đạt chất lượng hay không.

Thời gian để khoan một cái giếng độ vài giờ; việc xác định độ mạnh, yếu của mạch nước chủ yếu dựa vào kinh nghiệm xem xét vật liệu được khoan lên từ lòng đất. Theo ông Tâm, nếu cát được khoan lên có hạt to sẽ làm cho quá trình khoan diễn ra dễ dàng và nhiều khả năng không bị tắc nghẽn mạch khi bơm nước, còn gặp phải cát hạt nhỏ thì ngược lại.

Có người nêu thắc mắc, từ lâu trên thị trường có loại máy bơm hỏa tiễn được đặt chìm trong giếng khoan, có thể giải quyết được nhiều nhược điểm của kiểu khoan giếng và đặt máy bơm truyền thống, vì sao người trồng dưa không sử dụng vụ? Ông Tâm giải thích, chi phí đầu tư cho một giếng khoan dùng máy bơm hỏa tiễn gấp nhiều lần so với kiểu giếng khoan truyền thống. Chưa kể, máy bơm hỏa tiễn phải vận hành bằng điện, trong khi việc đầu tư kéo hệ thống đường dây diện cho hơn 100 ha đất sẽ phát sinh nhiều vấn đề.

Hơn nữa, Nông trường chỉ cho người dân mượn đất trồng một vụ dưa ngắn hạn; sau khi thu hoạch phải đóng giếng, lấp hố đào chỗ đặt âm máy bơm, cày đất trả lại như tình trạng ban đầu cho Nông trường. Việc khoan giếng và đào âm hố để đặt máy bơm kiểu truyền thống được xem là giải pháp duy nhất.

NGUY HIỂM KHI ĐÀO HỐ SÂU

Sau khi khoan giếng có mạch nước đủ mạnh, vẫn chưa thể dùng máy bơm nước lên để tưới cây trồng, vì vị trí để máy bơm nước ổn định cách mặt đất ở độ sâu từ 3-5 mét.

Đến công đoạn này thì cha con ông Tâm không kham nổi công việc, người thuê khoan giếng phải thuê thêm người điều khiển máy Kobelco đào hố hạ thấp độ cao đặt máy bơm. Công việc đào hố cặp theo ống giếng khoan đòi hỏi phải chính xác đến từng centimet, để tránh gây vỡ ống.

Ông Trương Văn Sang (ngụ xã Tân Đông, huyện Tân Châu), người điều khiển máy Kobelco cho biết, việc đào hố sâu với vách hố gần như thẳng đứng là rất nguy hiểm. Người điều khiển máy đào đất vừa canh sao cho không gây vỡ ống giếng, vừa phải thao tác máy đổ đất được đào lên gọn gàng tránh gây hư hỏng luống dưa, vừa phải chọn vị trí để máy đào trong khi hoạt động không bị đất sạt lở cuốn máy luôn xuống hố, nhất là khi máy móc phải đá sẽ tạo lực kéo máy về phía hố sâu.

Ông Tâm dùng tay mò mẫm dưới nước cạnh trục khoan để hốt đất, cát, sỏi, đá ném khỏi đó.

Ông Sang cho biết thêm, độ sâu nhất định cần đào là vừa đến tầng mặt của mạch nước ngầm, tùy theo địa hình mà độ sâu này có thể hơn 5 mét tính từ mặt đất. Sau khi đào hố xong, người trồng dưa và thợ khoan giếng sẽ đưa máy dầu bơm nước xuống đó, cưa ngang ống giếng khoan, lắp lúp-bê và đấu ống dẫn nước vào máy bơm.

Điều đáng lo ngại nhất là trong trường hợp trời có mưa bất thường, máy bơm có thể bị ngập trong nước hoặc bị chôn vùi do vách hố sạt lở. Thế nên, khi thấy trời chuyển mưa, nếu kịp thì mọi người cùng nhau đưa máy bơm lên khỏi hố, nếu không kịp xử lý thì tắt máy bơm và không ai được xuống hố.

Ông Tâm và ông Sang cho hay, tiền công đào âm giếng sẽ được những người thuê trả sau khi thu hoạch vụ dưa (bao vụ). Giếng khoan tại khu vực Nông trường cao su Đồng Rùm thường được chủ thuê trả công từ 2,5 - 3 triệu đồng/giếng, tùy theo độ sâu. Riêng công đoạn đào hố để âm máy bơm được trả công từ 1,2 - 1,3 triệu đồng/hố.

“Công việc gian nan, vất vả, nguy hiểm là vậy, nhưng những người làm nghề âm giếng luôn cảm thấy vui vì được chung tay với bà con sản xuất để kiến tạo cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương”- ông Sang tâm sự.

Minh Quốc

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/gian-nan-nghe-khoan-am-gieng-a169361.html