Gian nan nghề cứu hộ động vật hoang dã

Cứu hộ động vật hoang dã là công việc đặc biệt, rất khó khăn. Nhiều con thú được cứu hộ trong tình trạng bị thương, sức khỏe yếu do vừa bị vận chuyển qua những chặng đường dài hoặc bị nuôi nhốt lâu ngày khiến công tác cứu hộ mất nhiều công sức.

Cứu hộ thành công nhiều loài động vật hoang dã

Trong khóa tập huấn “Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã cho cán bộ kiểm sát và phóng viên, biên tập viên”, do Bảo Bảo vệ pháp luật chủ trì, phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự (Vụ 13) VKSND tối cao, Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã - Văn phòng Việt Nam (WCS Việt Nam) tổ chức tại Ninh Bình từ ngày 11- 13/10, các học viên đã được nghe anh Lâm Kim Hải - cán bộ thú ý của WCS Việt Nam chia sẻ về công tác cứu hộ động vật hoang dã.

Vượt qua quãng đường hơn 400 km, ngày 8/9/2021, Đội cứu hộ của Vườn quốc gia Cúc Phương và Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) đã tiếp nhận thành công 2 cá thể Tê tê từ Công an tỉnh Điện Biên.

Theo anh Lâm Kim Hải, cứu hộ động vật hoang dã là công việc rất đặc biệt, cho đến nay tại Việt Nam chưa có trường lớp nào đào tạo về cứu hộ động vật hoang dã. Đây là nghề đặc thù, khó khăn cả về chuyên môn cũng như điều kiện làm việc, trong nhiều năm qua, anh Hải đã trực tiếp tham gia rất nhiều vụ cứu hộ động vật hoang dã.

Anh Lâm Kim Hải nhớ lại một câu chuyện buồn, đó là trong lần đi cứu hộ hơn 100 cá thể tê tê tại Quảng Ninh do cơ quan chức năng tỉnh này thu giữ được trong một vụ buôn bán, vận chuyển trái pháp luật. Khi nhóm của anh Hải nhận được điện thoại yêu cầu được cứu là vào khoảng hơn 2 giờ sáng. Ngay sau đó, nhóm của anh Hải đã khẩn trương tập hợp, đem theo dụng cụ y tế lên đường. Đến gần trưa cùng ngày, khi nhóm của anh Hải xuống đến nơi mở nắp các thùng chứa đựng động vật ra thì hơn 100 cá thể tê tê đã chết gần hết, chỉ còn lại 12 con đang trong tình trạng rất yếu ớt. Cả nhóm tập trung cứu chữa nhưng cuối cùng cũng chỉ cứu sống được 4 cá thể.

Theo anh Hải, nguyên nhân dẫn đến hơn 100 cá thể tê tê bị chết là do không được cứu hộ kịp thời, bởi việc xử lý đối với các vụ việc liên quan đến thu giữ động vật hoang dã mất rất nhiều thời gian, qua nhiều cơ quan, tính từ khi động vật được lực lượng Công an thu giữ đến khi bàn giao cho cơ quan Kiểm lâm phải mất nhiều tiếng đồng hồ, đây chính là “thời gian vàng” để cứu hộ động vật. Tuy nhiên, thường trong giai đoạn này, các Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã chưa nhận được yêu cầu cứu hộ hoặc có nhận được thì do phải di chuyển một chặng đường xa để đến nơi cứu hộ, vì thế đã xảy ra nhiều vụ động vật bị chết trước khi nhân viên cứu hộ có mặt, hoặc động vật đã rất yếu không thể cứu sống.

Một cá thể linh trưởng đang được cứu hộ tại Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC) Cúc Phương.

Cụ thể, trong vụ việc trong vụ việc cứu hộ hơn 100 cá thể tê tê tại Quảng Ninh, trước khi cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh gọi điện cho WCS Việt Nam đề nghị cứu hộ thì số tê tê nói trên đã được thu giữ trước đó nhiều tiếng đồng hồ. Khi được thu giữ, sức khỏe số tê tê này có thể đã rất yếu, do chúng vừa bị vận chuyển qua những chặng đường rất dài, được dấu kín trong các thùng và bao tải xếp trên xe ô tô, thời tiết lại nóng bức nên hầu hết số tê tê này đã không thể sống qua thời gian cơ quan công an bàn giao cho kiểm lâm và thời gian chờ đợi được cứu hộ.

Theo anh Hải, khi thu giữ động vật hoang dã, tùy vào chủng loại các loài thú, các cơ quan chức năng cần đánh giá tình trạng sức khỏe của động vật mà “cởi trói” cho chúng và thả, nhốt vào một nơi an toàn để động vật được nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe, có như vậy tỷ lệ cứu sống các loài động vật hoang dã sẽ cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với động vật hoang dã, mọi người phải chú ý sử dụng khẩu trang, găng tay, cồn khử khuẩn, đồ bảo hộ y tế để phòng tránh việc lây truyền dịch bệnh từ động vật sang người, đồng thời phải hết sức cẩn thận với các loại thú dữ.

"Chốn bình yên" cho nhiều loài thú quý, hiếm

Trong khuân khổ khóa tâp huấn, các học viên đã có buổi tham quan thực tế tại Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), gồm: Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC); Trung tâm cứu hộ Rùa (hoạt động dưới sự hợp tác của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á - ATP); Trung tâm cứu hộ tê tê và thú ăn thịt nhỏ (Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam - SVW). Đây là các trung tâm cứu hộ linh trưởng, cứu hộ rùa và cứu hộ tê tê và thú ăn thịt nhỏ lớn nhất Việt Nam.

Nhân viên Trung tâm cứu hộ rùa giới thiệu với các học viên của khóa tập huấn.

Tại đây, các học viên đã được cán bộ của Trung tâm giới thiệu về công tác cứu hộ, bảo tồn và phát triển các loài động vật quý hiếm, nguy cấp.

Theo đó, Trung tâm cứu hộ các loài linh trưởng quý hiếm đang cứu hộ và nuôi dưỡng trên 150 cá thể của 15 loài và phân loài sinh trưởng và phát triển tốt, trong đó có 6 loài linh trưởng chỉ được chăm sóc tại đây mà không nơi nào trên thế giới nuôi nhốt với mục đích bảo tồn, đó là: Voọc mông trắng, Voọc Hà Tĩnh, Voọc đen tuyền, Voọc Lào, Voọc Cát Bà và Voọc Chà vá chân xám.

Không chỉ bảo vệ và chăm sóc các linh trưởng quý hiếm, nơi đây, trong môi trường bán hoang dã, nhiều linh trưởng con đã được chào đời, bổ sung những nguồn gen quý, hiếm cho công tác duy trì và bảo vệ giống loài. Có 9 loài thú linh trưởng đã cho sinh sản thành công, trong đó có 3 loài lần đầu tiên được sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt ở trên thế giới, đó là: Voọc Mông trắng, Voọc Hà Tĩnh, Voọc Chà vá chân xám.

Những cá thể rùa đang được cứu hộ tại trung tâm.

Theo anh Phạm Phú Cường, cán bộ kiểm lâm Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Cúc Phương, phần lớn các loài linh trưởng ở đây đều là nạn nhân của những vụ săn bắn và mua bán trái phép động vật hoang dã, đặc biệt nhiều linh trưởng khi được chuyển đến trong tình trạng sức khỏe rất yếu và mang trên mình nhiều thương tích. Do vậy, việc phục hồi các vết thương và giúp linh trưởng tái hòa nhập với môi trường tự nhiên hết sức khó khăn.

Tại Trung tâm cứu hộ rùa nằm trong Chương trình bảo tồn rùa, theo thông kê, từ năm 2015 đến nay, mỗi năm Trung tâm tiếp nhận 200 - 400 cá thể của khoảng 15 đến 20 loài rùa khác nhau, chủ yếu từ các vụ tịch thu buôn bán trái phép, trong đó chỉ có 6 - 7% số cá thể là từ các cá nhân tự nguyện chuyển giao.

Một cá thể vượn vừa được thả ra thử sức tại môi trường bán hoang dã, trước khi được thả về ngôi nhà tự nhiên.

Hiện, Chương trình đang chăm sóc hơn 600 cá thể của 19 loài trên tổng số 25 loài rùa cạn và rùa nước ngọt của Việt Nam. Đã cho sinh sản thành công 15 loài trong điều kiện nuôi nhốt, đã tiến hành thả hàng trăm cá thể rùa sau khi được cứu hộ và chăm sóc sức khỏe trở lại vùng phân bố của chúng trong tự nhiên.

Trung tâm cứu hộ tê tê và thú ăn thịt nhỏ nằm trong Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê (CPCP), là một hoạt động phối kết hợp giữa Vườn quốc gia Cúc Phương và Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã được thế giới ghi nhận là đơn vị đi đầu trong công tác nghiên cứu và chăm sóc tê tê trong môi trường nuôi nhốt. CPCP đã đóng góp một phần quan trọng vào công tác cứu hộ, phục hồi và tái thả lại tự nhiên đối với các loài thú ăn thịt và tê tê được tịch thu từ các vụ săn bắt và buôn bán động vật hoang dã trái phép.

CPCP đã cứu hộ và phục hồi thành công 11 loài thú ăn thịt và tê tê, bao gồm: Tê tê Java, Tê tê vàng, Cầy vằn, Cầy mực, Cầy tai trắng, Cầy vòi mốc, Cầy vòi hương, Mèo rừng, Cầy hương, Chồn bạc má Nam, Chồn bạc má Bắc. Chương trình cũng đã có những đóng góp đáng kể trong hoạt động tái thả Tê tê Java, loài bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới, về tự nhiên.

Nhật Minh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/gian-nan-nghe-cuu-ho-dong-vat-hoang-da-147227.html