Gian nan hướng đến tác phẩm điện ảnh đỉnh cao

Trăn trở với mong mỏi của “Tư lệnh” ngành VHTTDL về tác phẩm đỉnh cao nhưng những người làm điện ảnh cũng phải ngậm ngùi, cái đích đó còn khá xa.

Thiếu kịch bản trầm trọng

Vấn đề kịch bản, kinh phí làm phim, cơ chế phân bổ tiền làm phim vẫn là vấn đề mà nhiều đơn vị điện ảnh kêu khó.

Theo Cục Điện ảnh, trong thời gian 6 tháng đầu năm, Cục chỉ thẩm định 4 kịch bản phim truyện, và hai lần mời gửi kịch bản phim truyện điện ảnh chất lượng cao cho năm 2016. Tuy nhiên, theo bà Ngô Phương Lan- Cục trưởng Cục Điện ảnh, chất lượng kịch bản không tốt. “Vấn đề kịch bản điện ảnh là đáng lo ngại. Nếu cứ đà này, khi có tiền làm phim thì cũng chưa chắc có được kịch bản hay để làm”- bà Ngô Phương Lan nhận định.

Năm nay, do chưa có thông tư đấu thầu nên Bộ Tài chính tiếp tục không cấp tiền làm phim.

Bà Lưu Minh Phương- Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cho biết: “Ngoài khó khăn về kinh phí thì Hãng hiện nay cũng không có kịch bản. Mong muốn để có tác phẩm đỉnh cao là quá xa”.

Tuyên truyền để khán giả ủng hộ phim Việt Nam là cần thiết

Mặc dù đã cổ phần hóa các Hãng phim để gỡ việc kinh phí, xong theo đại diện Hãng phim Giải phóng- ông Nguyễn Tiến Hưng- Chủ tịch Hội đồng quản trị Hãng phim Giải phóng cho biết: “Công ty cổ phần nhưng hiện vẫn hoạt động theo cơ chế Nhà nước nên rất khó khăn. Tôi đề nghị Cục Điện ảnh được chủ động nguồn tài chính để phân bổ đến các đơn vị. Chứ như hiện nay, phim thì thuộc Bộ, phim thì thuộc Cục, chập chờn tư nhân, nhà nước nên khó làm”.

Ông Vương Đức, Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam cho biết: “Cổ phần hóa hay không, Nhà nước vẫn là đơn vị đầu tư lớn nhất cho điện ảnh. Các đơn vị điện ảnh hiện nay có một điểm giống nhau là không có việc làm. Gỡ được vấn đề lâu dài cho điện ảnh, phải có Thông tư về đấu thầu, đặt hàng phim”.

Vẫn chuyện cơ chế

Với những đơn vị tạm gọi là “ăn nên làm ra” của ngành điện ảnh như Trung tâm chiếu phim Quốc gia cũng không phải không có vướng mắc. Cơ chế thuế, cơ chế khuyến khích phát triển điện ảnh trong nước là chưa có.

Ông Nguyễn Danh Dương: Cần có cơ chế dặc thù cho ngành điện ảnh

Ông Nguyễn Danh Dương- Giám đốc Trung tâm chiếu phim quốc gia cho biết: “Một tuần có từ 4- 6 phim nước ngoài vào rạp của Trung tâm. Chúng ta không có hạn ngạch cho phim nước ngoài được, vậy làm cách nào để phim nội không bị lấn át bởi phim ngoại, phát triển được điện ảnh trong nước? Chỉ còn cách mở rộng các cơ sở chiếu phim, tăng cường sản xuất phim. Nhưng bao năm nay, không có ưu đãi nào về thuế cho điện ảnh, cho mảng văn hóa nghệ thuật mà cứ tính đúng, tính đủ”.

Ông Nguyễn Danh Dương khẳng định: “Phải có cơ chế ưu đãi cho các cơ sở chiếu phim để phát hành phim Việt. Đây là vấn đề lớn, để phát triển nội lực của ngành”.

Đồng quan điểm về việc bị áp chế về thuế, ông Lưu Vũ, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cho rằng: “Điện ảnh cần có cơ chế riêng về thuế. Thuế đất, tiền tài trợ, mỗi năm, Hãng làm khoảng 20 phim, tiền ngân sách cấp cho việc làm phim cũng bị áp thuế”.

Ghi nhận những khó khăn của ngành điện ảnh, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên cho biết: “Vì sao Hollywood (điện ảnh Mỹ) không vào được Bollywood (điện ảnh Ấn Độ)? Bản thân người dân Ấn Độ khi đi xem phim rạp, không xem phim nước ngoài, chỉ xem phim trong nước. Vì vậy, để phát triển điện ảnh của chúng ta, cũng nên xem, làm thế nào để vừa truyền thông vừa quảng bá, định hướng công chúng ủng hộ điện ảnh trong nước”.

Theo Thứ trưởng Vương Duy Biên, trong điều kiện hiện nay, đòi hỏi ngành điện ảnh có tác phẩm đỉnh cao trong 6 tháng tới là nhiệm vụ bất khả thi. “Cái khó nhất là ngân hàng kịch bản. Kịch bản là yếu tố đầu tiên, có kịch bản mới làm được việc khác”- Thứ trưởng khẳng định.

Để gỡ khó cho các đơn vị, Thứ trưởng Vương Duy Biên yêu cầu: “Trong thời gian tới, Vụ Kế hoạch Tài chính làm báo cáo và tổ chức cuộc làm việc giữa lãnh đạo Bộ VHTTDL với Bộ Tài Chính về vấn đề kinh phí, thuế…đối với lĩnh vực điện ảnh để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Cục Điện ảnh cũng tập hợp những ý kiến của các đơn vị điện ảnh, nêu những khó khăn, bất cập, những đề xuất, kiến nghị để báo cáo lên Thủ tướng”./.

Bài&ảnh: Thảo Nguyên

Thảo Nguyên

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/gian-nan-huong-den-tac-pham-dien-anh-dinh-cao-201317.html