Gian nan hành trình tìm con yêu

Có con là điều hạnh phúc nhất và càng lớn lao khi có con gái đầu lòng. Vợ chồng tôi thật may mắn có được điều tuyệt vời đó dẫu phải trải qua bao thăng trầm, vất vả.

Vợ chồng phát hiện có tin vui khi ở tuần thứ 4, hạnh phúc như vỡ òa đến với hai vợ chồng và có lẽ lần đầu vợ mang thai nên còn nhiều bỡ ngỡ và thiếu kinh nghiệm từ hai vợ chồng... Tôi đã dồn bao nhiêu hy vọng, cảm xúc bằng mỗi chiều đưa vợ đi khám trong cái cảm giác lo lắng, ngóng chờ và sự khấp khoải đó được giải tỏa khi vợ từ trong phòng khám đi ra với nét mặt vui tươi thì có nghĩa thai nhi vẫn bình thường.

Rồi đến tuần thứ 9, khi trái tim và cơ thể của em bé đã hình thành và phát triển nhưng vợ tôi thấy có dấu hiệu bất thường, tôi đưa vợ vào phòng khám tư nhân để khám, bác sỹ kết luận bị động thai, cần nghỉ ngơi và theo dõi. Thấy có gì đó bất ổn và thật sự không yên tâm, sáng hôm sau tôi đưa vợ vào bệnh viện Phụ sản Hà Nội khám.

Ngồi chờ phía sau cánh cửa phòng khám, vẫn cái cảm giác như mọi lần, tôi nghe loáng thoáng thấy tiếng bác sỹ nói “die” rồi và tiếng gào thét của vợ tôi sao lại thế, sao lại thế được. Hai hàng nước mắt chảy dài trên khuôn mặt trong tiếng khóc nức nở vợ ôm lấy tôi và nói bác sỹ bảo “die” rồi.

Mọi thứ với tôi lúc đó gần như sụp đổ, có lẽ đó là cú sốc đầu đời mà tôi nếm trải, tôi ôm vợ mà không kìm được nước mắt. Cú sốc đó làm cho tôi mất phương hướng, suy nghĩ cảm tính hy vọng vào một phép màu nào đó, biết đâu chẩn đoán của bác sỹ có sự nhầm lẫn. Tôi tiếp tục đưa vợ sang bệnh viện Phụ sản Trung ương để khám lại thì nhận được kết quả vẫn như thế.

Giấu nỗi buồn, trên đường từ bệnh viện về nhà tôi phải tự trấn an mình bằng cách động viên, an ủi vợ: “Thôi cố gắng nghỉ ngơi, tương lai còn ở phía trước, mọi thứ mới chỉ là bắt đầu trên con đường chúng ta đang đi”.

Tác giả và con gái.

Tác giả và con gái.

Có một điều mà phụ nữ vốn sinh ra phải chịu nhiều đau khổ, phải hoàn thành thiên chức làm mẹ, làm vợ ngay từ khi bắt đầu lập gia đình.

Rồi thời gian dần trôi khiến vợ chồng tôi nguôi ngoai đi nỗi đau này, sống tích cực và chuẩn bị cho mình một tâm lý thoải mái nhất, đó là liều thuốc để mang lại hạnh phúc với gia đình nhỏ bé này.

Sau nỗi đau lần thứ nhất, hơn 4 tháng sau khi tôi đi công tác vừa xuống sân bay thì đọc được tin nhắn của vợ: “Em có thai trở lại rồi anh ạ”. Hạnh phúc lại đến với tôi lần thứ hai.

Điều mong muốn nhất của tôi lúc đó là kết thúc mấy ngày công tác thật nhanh để trở về nhà. Tôi mừng thầm trong mấy ngày công tác, về đến nhà hôm sau tôi đưa vợ đi khám ở phòng khám do một người quen giới thiệu, bác sỹ nói thai nhi đã được hơn 4 tuần. Rồi sang tuần thứ 5, thứ 6, thứ 7 tuần nào cũng đi khám và theo dõi vì có điều gì đó bất thường. Ở tuần thứ 7 mà vẫn chưa có tim thai và kích thước của thai nhi nhỏ hơn so với tuần tuổi.

Tôi có đọc nhiều tài liệu thì đó là dấu hiệu không khả quan và có nói với vợ; có lẽ may mắn vẫn chưa mỉm cười với vợ chồng mình. Rồi sang tuần thứ 8 đi khám bác sỹ chẩn đoán thai nhi bị hỏng rồi; dù hai vợ chồng có buồn nhưng tâm lý đã được xác định từ trước đó. May mắn đã không đến với vợ chồng tôi lần thứ 2.

Xử lý mọi vấn đề xong, bác sỹ có tư vấn hai vợ chồng nên đi khám tổng thể để tìm ra nguyên nhân. Theo lời bác sỹ, các chỉ số của hai vợ chồng đều khá tốt; có một chỉ số bất thường duy nhất từ vợ, bác sỹ nói có thể chỉ số đó là nguyên nhân dẫn đến việc thai nhi không thể phát triển.

Con gái Hoài Thanh

Con gái Hoài Thanh

Sự nỗ lực luôn mang lại cho con người ta điều kỳ diệu, bởi thời gian đó là quãng thời gian đáng nhớ nhất trong đời. Sau tư vấn của bác sỹ, hơn 3 tháng sau vợ chồng tôi lại phát hiện có tin vui. Lần này tôi tin và hy vọng điều diệu kỳ sẽ đến vời mình và tôi tin vào khoa học, khi đã tìm ra được nguyên nhân thì các bác sỹ sẽ có phương pháp điều trị.

Vào bệnh viện sau khi làm các xét nghiệm, bác sỹ chỉ định thai nhi đã được 4 tuần và phải tiêm trực tiếp vào bụng người mẹ đang mang thai với mục đích truyền chất dinh dưỡng từ người mẹ sang thai nhi. Hôm đầu cô y tá hướng dẫn cách tiêm, các ngày tiếp theo thì người nhà có thể tự tiêm được.

Một, hai hôm đầu tôi tự tay tiêm cho vợ, do cách tiêm của tôi chưa đúng nên vợ kêu đau và những ngày sau vợ tôi tự cầm bơm tiêm và tự tay tiêm vào bụng mình.

Tuần thứ 7 bác sỹ nói đã có tim thai và phát triền bình thường; sự sống đang lớn dần từng ngày bên trong cơ thể của vợ. Tự tay cầm xilanh tiêm cho mình, nhìn mũi kim xiên qua làm da, cắm ngập vào bụng mình đang mang bầu mới thấy sự khát khao được làm mẹ, sự mạnh mẽ, hy sinh, tình yêu vô bờ bến mà người mẹ dành cho con.

Rồi mỗi ngày trôi qua đều đặn bằng một mũi tiêm như thế cho đến tuần thứ 16 và đếm từng ngày mong cho qua các dấu mốc quan trọng của thai kỳ. Tuần 12 là dấu mốc quan trọng đầu tiên, vượt qua dấu mốc này cảm giác lo lắng được vơi bớt đi phần nào và cảm nhận con đang cử động. Điều mong muốn nhất của vợ chồng tôi lúc này là mong cho con phát triển bình thường và cứ hồi hộp, lo lắng bằng các biểu hiện của cảm xúc cho đến tuần thứ 40. Vợ chồng tôi đặt tên gọi ở nhà cho con là Kem, tên đi học là Hoài Thanh, cuộc hành trình của vợ chồng tôi và Kem với những thăng trầm của cảm xúc, cuối cùng hạnh phúc đã cho chúng tôi gặp nhau ở cuối hành trình.

Buổi sáng mùa hè tháng 6 oi ả, Kem cất tiếng khóc chào đời trong niềm hạnh phúc vô bến của vợ chồng tôi và gia đình. Con sinh thường và nặng 3.6 kg, một sự vượt cạn hết sức ngưỡng mộ và trên cả tuyệt vời của hai mẹ con. Ấn tượng đầu tiên của bố khi gặp con gái là con có mái tóc tốt và đen, nhìn con cứng cáp và có phần bụ bẫm hơn so với các bạn trẻ sơ sinh.

Con xuất hiện, gia đình có thêm thành viên mới, sinh hoạt gia đình bị xáo trộn, sự thay đổi đó giúp cho bố thấu hiểu được phận làm cha, thấy yêu hơn mỗi chiều về con ngóng, thấy ấm áp tiếng con cười. Bố cũng không biết rồi bố có để lại tài sản gì quý giá hay làm được gì cho con không; chỉ có tình yêu bố dành cho con là mãi mãi và không thay đổi.

Bố biết cuộc sống không nói trước được điều gì, bố luôn là người bạn của con và trang bị cho con với những gì có thể. Con là một đứa trẻ thông minh, phát triển về ngôn ngữ, tư duy sớm và có một trí nhớ tuyệt vời. Con luôn để lại ấn tượng với người đối diện bằng cặp mặt to tròn, đen láy và hàng mi cong như vẽ. Tuy nhiên, bố biết được điểm yếu nhút nhát, sợ người lạ của con; nhưng rồi đi học con đã mạnh dạn, tiến bộ và thay đổi rất nhiều.

Con là sợi dây vô hình của bố và mẹ, là đứa trẻ bướng bỉnh nhưng giàu tình cảm, con rất quấn mẹ nhưng lại biết dành tình cảm cho bố, chỉ một cái giang tay của con đòi bố bế thôi, cũng đủ để bố cảm nhận được tình cảm của con dành cho bố. Bố không bộc lộ tình cảm của mình như mẹ, bố yêu thương con theo cách của riêng mình. Con không chỉ giống bố về hình hài mà còn cả về tính cách; đặc biệt là biết vượt lên chính mình ở thời điểm được cho là quan trọng.

Bố nhớ khi đó con được hơn 1 tuổi, vì hoàn cảnh của bố mẹ lúc đó phải gửi con về quê ở với ông bà 6 tháng; lần đầu tiên con xa bố mẹ, lúc đầu bố nghĩ con sẽ khóc, sẽ không chịu ở với ông bà; bố sợ con không vượt qua được nhưng rồi hoàn toàn ngược lại; không có bố mẹ ở bên, con rất ngoan và chịu chơi, nghe lời ông bà.

Ước muốn của bố sau này khi lớn lên con làm nghề “thầy thuốc” trở thành một “bác sỹ” y khoa; nghề làm thầy thì nhà mình đã trải qua 2 đời làm “thầy giáo”. Hai nghề đó bố nghĩ đều cao quý; một nghề là truyền tải tri thức, nghề còn lại chăm sóc sức khỏe, cứu người. Dẫu phía trước còn nhiều gian nan trên con đường tri thức, nhưng bố tin rằng, với sự thông minh và trí nhớ tuyệt vời, con sẽ tự đi bằng chính đôi chân của mình và trở thành người có ích cho xã hội.

Con gái Hoài Thanh à, bố luôn là người bạn đồng hành cùng con trên suốt chặng đường đời. Cố gắng con yêu nhé! gia đình luôn dành cho con những điều tốt đẹp nhất.

Thời gian trôi thật nhanh con ạ, mới hôm nào bố mẹ còn ngược xuôi trên hành trình tìm con ấy thế mà giờ con đã có em trai, đã là người chị 3 tuổi biết yêu thương, che chở. Hôm nay 19 tháng 6 là sinh nhật con. Bố mẹ chúc mừng sinh nhật con, chúc con tuổi mới mạnh khỏe, vui tươi và bình an con nhé. Yêu con!

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn biên tập

Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"

Tác giả: Tạ Hữu Thuật

Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"

Yêu cầu

- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.

- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…

Đối tượng dự thi

- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi

- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi.

- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam.

Thời gian nhận bài thi

- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.

- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.

Địa chỉ nhận bài thi

- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].

- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).

Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.

Thông tin liên hệ

Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.

Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).

Lưu ý: Tòa soạn sẽ chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định.

Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem tại đây!

Ban tổ chức

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/gian-nan-hanh-trinh-tim-con-yeu-d191776.html