Gian nan giữ rừng giáp ranh (2)

* BÀI 2: NHỮNG "CUNG ĐƯỜNG GỖ LẬU"

Không chỉ đường đi lại khó khăn, nguy hiểm như thế nào lâm tặc cũng có thể tìm mọi cách để khai thác, vận chuyển gỗ lậu bởi lợi nhuận khủng. Không chỉ mở các đường len lỏi vào các cánh rừng, lâm tặc lợi dụng đủ mọi địa hình để tàn phá rừng. Và, có những “cung đường gỗ lậu” âm ỉ kéo dài trong suốt nhiều năm khiến các ngành chức năng đau đầu trong việc xử lý, ngăn chặn.

TỪ ĐƯỜNG THỦY…

Ia Grai là huyện biên giới của tỉnh Gia Lai, nơi có nhiều tuyến sông, suối nối từ các huyện Sa Thầy, Ia HDrai của tỉnh Kon Tum về. Cũng từ đây, một “cung đường gỗ lậu” được hình thành suốt nhiều năm trời gây nhức nhối trên địa bàn. Thậm chí, một số vụ gỗ lậu được vận chuyển bằng cả đường bộ qua con đường duy nhất nối giữa 2 huyện Ia Grai và Ia HDrai có lực lượng chức năng kiểm soát 24/24 giờ vẫn trót lọt trong sự khó hiểu đến đáng ngờ.

Theo đánh giá của hai địa phương, giữa 2 huyện Ia Grai và Ia HDrai có đường ranh giới chung dài 50km là dòng sông Sê San. Dọc hai bên sông có diện tích rừng tự nhiên lớn với nhiều loài lâm sản quý, có giá trị kinh tế cao. Thế nên, lâm tặc biến những bến bãi dọc hai bờ sông Sê San trở thành điểm tập kết, vận chuyển lâm sản. Nhiều địa điểm bến sông như: bến làng Tung, bến làng Ếch, bến Cao su non (xã Ia Khai, H. Ia Grai) hay bến làng Lân, bến Đội 18 (xã Ia O, H. Ia Grai)… trở thành “địa danh nổi tiếng” trong việc lâm tặc tập kết gỗ lậu từ Kon Tum bằng đường sông về.

Lâm tặc tập kết gỗ tại tuyến đường sông giáp ranh giữa Gia Lai - Kon Tum.

Ông Lâm Văn Long - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm (KL) H. Ia Grai cho biết: việc phân ranh giới giữa 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum với nhau lại nằm chính giữa dòng sông, cho nên việc phối hợp giữa Hạt KL Ia Grai và Ia HDrai rất khó khăn. Lợi dụng vấn đề đó, lâm tặc thường sử dụng 2 bên bờ sông để vận chuyển, tập kết gỗ lậu. Chưa kể, lực lượng KL của cả hai bên đều thiếu về phương tiện đường thủy để tuần tra xử lý.

Theo đánh giá của Hạt KL H. Ia Grai, chỉ tính riêng năm 2016, đơn vị phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn huyện tuần tra phát hiện 81 vụ vi phạm, khối lượng lâm sản tạm giữ và tịch thu là gần 370m3 gỗ tròn, xẻ các loại từ nhóm I-VII. Trong đó phát hiện, bắt giữ tại khu vực đường sông và các bến sông là 22 vụ với tổng khối lượng lâm sản tịch thu là gần 145m3 gỗ xẻ nhóm I-V. Cá biệt, chỉ trong quý I năm 2016, tại bến sông Đội 18 và khu vực bến sông xã Ia Khai, lực lượng chức năng huyện đã phát hiện 17 vụ với gần 117m3 gỗ bị thu giữ.

Dù không nóng như trên tuyến sông Sê San, tại khu vực ngã ba sông Ba và sông Krông HNăng (H. Krông Pa, Gia Lai) - nơi giáp ranh giữa 3 tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Đắc Lắc cũng trở thành điểm tập kết, vận chuyển gỗ lậu. Hoặc lâm tặc đưa gỗ tập kết về bến sông buôn Thu, buôn Học (xã Krông Pa, H. Sơn Hòa, Phú Yên), bờ đập thủy điện sông Ba Hạ… rồi đưa đi tiêu thụ trên các tuyến QL25 (Gia Lai - Phú Yên) và QL29 (Phú Yên - Đắc Lắc).

Gỗ từ Kon Tum vận chuyển trái phép về Gia Lai được Hạt KL H. Ia Grai kiểm tra xử lý.

…ĐẾN ĐƯỜNG BỘ

Có lẽ đây là tuyến đường mà lâm tặc sử dụng nhiều nhất trong việc khai thác, vận chuyển gỗ lậu. Tình trạng trên đã diễn ra liên tiếp trong thời gian qua bất chấp những nỗ lực giữ rừng của các cơ quan chức năng. Hàng loạt tuyến đường tiếp giáp ranh giới giữa Gia Lai với các tỉnh như: Bình Định, Kon Tum, Phú Yên và Đắc Lắc trở thành những “cung đường gỗ lậu”. Bởi ngoài việc các vùng giáp ranh giữa Gia Lai với các địa phương khác vẫn còn diện tích rừng tự nhiên khá lớn thì còn thuận tiện cho việc lâm tặc cất giấu, vận chuyển lâm sản.

Những năm trước, cơn sốt huỳnh đàn, trắc đã biến vùng rừng núi H. Kbang (Gia Lai) trở thành “điểm hẹn” của các đối tượng lâm tặc. Trong đó, có không ít lâm tặc là những huyện của tỉnh Bình Định giáp ranh với tỉnh Gia Lai. Khi “cơn sốt” lắng xuống vì trong những cánh rừng sâu hun hút đã không còn một gốc trắc hay huỳnh đàn nào thì lại nổi lên “cơn sốt” gỗ Hương và lấn chiếm đất rừng. Con đường nối từ H. Vĩnh Thạnh (Bình Định) đến H. Kbang (Gia Lai) trở thành “con đường tơ lụa” trong việc vận chuyển lâm sản trái phép kéo dài trong nhiều năm liền.

Về phía Đông là vậy, ở phía Nam của H. Kbang (Gia Lai) giáp ranh với 2 huyện Kon Rẫy và Kon Plông (Kon Tum), tình hình khai thác lâm sản trái phép luôn là điểm nóng từ trước đến nay. Theo nhận định của Chi cục KL 2 tỉnh Gia Lai - Kon Tum thì các đối tượng lâm tặc thường mở lối mòn vào những cánh rừng giáp ranh tại các xã Kon Pne, Đăk Rong, Sơn Lang (H. Kbang) lén lút thực hiện hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giấu gỗ trái phép. Những tuyến đường thường xảy ra tình trạng lâm tặc lén lút vận chuyển lâm sản trái phép như: từ xã Kon Pne qua các đường mòn về H. Kon Rẫy. Hay từ các xã Đắc Rong, Sơn Lang vận chuyển theo các đường mòn ra vào rừng, đặc biệt là các đường tránh ở các xã vùng sâu, vùng xa hoặc dọc khu vực đường Đông Trường Sơn rồi dùng ô-tô, xe máy vận chuyển về H. Kon Plông rồi đi nơi khác tiêu thụ.

Còn tại huyện biên giới Ia Grai, ngoài lợi dụng các tuyến sông, con đường độc đạo nối hai huyện Ia Grai với Ia HDrai (Kon Tum) cũng trở thành “cung đường gỗ lậu” phức tạp. Con số gần 80% vụ vi phạm vận chuyển lâm sản trái phép trong quý I năm 2015 với nguồn gốc gỗ lâm sản từ Kon Tum về mà Hạt KL H. Ia Grai thống kê được cũng thể hiện phần nào việc lâm tặc vận chuyển lâm sản trái phép. Cá biệt, có lúc chỉ trong ngày 17-4-2015, Hạt KL H. Ia Grai đã khởi tố 2 vụ về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” đối với hai trường hợp vận chuyển lâm sản trái phép có nguồn gốc từ Kon Tum. Trong đó, một ô-tô tải không BKS, nhãn hiệu Hyundai vận chuyển 51 hộp gỗ xẻ các loại bằng lăng, dầu nước với tổng khối lượng 19,535m3 và một ô-tô tải không BKS hiệu Deawo vận chuyển 26 hộp gỗ xẻ các loại sến bô bô, sao cát, dầu nước với tổng khối lượng 16,725m3.

Những “cung đường gỗ lậu” trên chỉ tạm cắt đứt khi có sự vào cuộc quyết liệt giữa các cơ quan chức năng của những địa phương có vùng rừng giáp ranh. Thế nhưng, chỉ cần một phút lơ là, những cung đường này lại được mở và “máu rừng” vẫn chảy!

Minh Tân

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_163272_gian-nan-giu-ru-ng-gia-p-ranh-2-.aspx