Giảm thiểu tác hại thuốc bảo vệ thực vật trên vùng rau

Là vùng trọng điểm rau của tỉnh, Quỳnh Lưu có khoảng 640 ha chuyên canh rau màu. Nhằm giảm thiểu tác hại của tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên vùng rau, huyện tập trung tăng diện tích sản xuất rau sạch, nỗ lực khép kín hệ thống bể thu gom rác thải bảo vệ thực vật trên địa bàn.

Phát triển sản xuất rau an toàn

Xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu có 163 ha trồng rau sạch, với nhiều loại rau, củ, quả giá trị kinh tế cao như hành lá, rau cải, cà chua, bắp cải, sản lượng mỗi năm đạt hơn 9.000 tấn.

Có 3 sào đất trồng rau, gia đình bà Phan Thị Nga ở xã Quỳnh Minh luân canh trồng đủ các loại rau từ cà chua, hành lá, rau cải. Từ mấy năm nay, bà đã chuyển sang trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP.

“Chúng tôi được tham gia tập huấn, tìm hiểu kỹ thuật trồng rau sạch do Hội Nông dân xã tổ chức. Nhận thức được nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời cũng để bảo vệ sức khỏe cho chính gia đình mình, tôi không còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo kinh nghiệm, theo phong trào kiểu thấy người khác phun thì mình cũng phun như trước đây nữa, mà sản xuất đúng quy trình đã được học. Mặc dù chăm sóc công phu hơn, phải đảm bảo đúng kỹ thuật, nhưng nhờ được tập huấn, hướng dẫn cụ thể nên cũng không khó. Cái được lớn nhất là giảm hẳn việc phun thuốc bảo vệ thực vật trên rau”, bà Phan Thị Nga cho biết.

Sản xuất hành hoa ở xã Quỳnh Minh (Quỳnh Lưu). Ảnh: Phú Hương

Huyện Quỳnh Lưu có 640 ha chuyên canh rau màu các loại, chủ yếu tập trung tại các xã vùng bãi ngang như Quỳnh Minh, Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng, với diện tích gần 450 ha. Bà Vũ Thị Bích Hằng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Quỳnh Lưu có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển và nâng cao giá trị sản xuất rau màu các loại. Người dân có kinh nghiệm, tiếp thu nhanh kỹ thuật canh tác tiến bộ, chất đất phù hợp, cùng lực lượng thương lái đông đảo. Phát huy các thế mạnh đó, những năm qua, diện tích sản xuất rau chuyên canh trên địa bàn ngày càng được mở rộng, đặc biệt là diện tích sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP.

Sản xuất rau màu đem lại nguồn thu khả quan cho nông dân. Ảnh: Phú Hương

“Chúng tôi đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng hỗ trợ người dân xây dựng các vùng chuyên canh rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, các nhà màng trồng rau, củ, quả chất lượng cao, nhằm hướng tới xây dựng các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn; đồng thời, liên kết, tạo chuỗi tiêu thụ sản phẩm ổn định cho bà con. Đến nay, diện tích rau VietGAP trên địa bàn đạt 30 ha, diện tích nhà màng sản xuất rau, củ, quả chất lượng cao là trên 25.000m2. Đây là hướng đi được huyện tập trung phát triển trong thời gian tới, vừa giúp nâng cao giá trị và tăng thu nhập cho người nông dân, xây dựng thương hiệu rau sạch Quỳnh Lưu; đồng thời, góp phần giảm thiểu tác hại của việc sử dụng bừa bãi, không đúng cách các loại thuốc bảo vệ thực vật trên vùng rau”, bà Vũ Thị Bích Hằng cho hay.

Theo ông Nguyễn Tiến Đức -Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, quá trình áp dụng sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP có nhiều cải thiện so với phương thức sản xuất rau thông thường, đặc biệt là trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Người dân cần thực hành theo hướng VietGAP nhằm giảm thiểu rủi ro môi trường, sức khỏe. Các cấp chính quyền cần tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, phân phối thuốc bảo vệ thực vật và tạo điều kiện cung ứng sản phẩm thân thiện với môi trường và an toàn sức khỏe cộng đồng.

Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh

Hiệu quả thu gom rác thải bảo vệ thực vật

Có diện tích rau lớn, tập trung, nên mỗi mùa vụ, lượng rác thải từ vỏ bao bì phân bón và thuốc bảo vệ thực vật thải ra trên đồng ruộng ở huyện Quỳnh Lưu cũng rất lớn.

Từ nỗ lực của địa phương và đặc biệt là sự hỗ trợ từ Chương trình ”Xây dựng hệ thống bể thu gom xử lý bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng ngoài đồng ruộng, tuyên truyền cho người dân về tác hại của tồn dư thuốc bảo vệ thực vật tới con người và cộng đồng”, do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh chủ trì thực hiện, huyện Quỳnh Lưu đã dần cơ bản khép kín hệ thống thùng chứa rác thải bảo vệ thực vật tại các xã vùng trồng rau của huyện.

Bao bì thuốc bảo vệ thực vật là yếu tố gây ô nhiễm môi trường tại các vùng rau trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phú Hương

Năm 2023, địa phương này được hỗ trợ lắp đặt 934 bể chứa thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật trên diện tích sản xuất lúa và rau màu tại 12 xã gồm: An Hòa, Quỳnh Giang, Quỳnh Hoa, Quỳnh Hồng, Quỳnh Hưng, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Ngọc, Quỳnh Thạch, Quỳnh Thọ, Quỳnh Thuận, Quỳnh Văn và Quỳnh Yên. Trước đó, trên địa bàn mới trang bị được 1.595 bể, còn thiếu 2.876 bể mới đáp ứng yêu cầu.

“Dù còn nhiều khó khăn, nhưng việc trang bị bể chứa trên diện tích sản xuất rau màu rất được quan tâm, tại các xã trọng điểm trồng rau của huyện đều cơ bản đã được trang bị bể chứa, như xã Ngọc Sơn có 128 bể, xã Quỳnh Minh 100 bể, xã Tân Sơn 100 bể, xã Quỳnh Bảng 60 bể, xã Quỳnh Lương 30 bể...”, bà Vũ Thị Bích Hằng- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chia sẻ.

Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra tình hình sử dụng bể chứa rác thải bảo vệ thực vật tại huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Phú Hương

Cùng với nỗ lực trang bị bể chứa, huyện Quỳnh Lưu cũng rất chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc thu gom, xử lý bao bì, vỏ chai cũng như tác hại của tồn dư thuốc đối với con người và cộng đồng. Hệ thống bể chứa được lắp đặt trên đồng ruộng đã dần thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi ra bờ ruộng, mương nước của một số người dân. Ông Nguyễn Văn Hải ở xóm 8, xã Quỳnh Minh cho biết: "Vườn rau của gia đình tôi nằm không quá xa bể chứa rác. Trước thường tiện tay thả lại bao bì sau sử dụng trên bờ ruộng, nhưng nay đã hình thành thói quen thu gom và bỏ vào bể chứa. Bể chứa cũng nằm trên đồng, xa khu dân cư và có nắp đậy nên không ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân".

Từ khi được trang bị bể chứa, dọc các tuyến đường nội đồng, dưới kênh mương và các bãi đất trống hầu như không còn tình trạng vứt bừa bãi rác thải thuốc bảo vệ thực vật. Chuyển biến đó giúp đảm bảo vệ sinh môi trường tốt hơn, làm giảm ảnh hưởng của tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật tới đất canh tác, nguồn nước và sản phẩm nông nghiệp...

Theo nghiên cứu của Viện Môi trường nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam), mỗi năm cả nước có hàng nghìn tấn bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật do người dân sử dụng vứt bừa bãi ra đồng ruộng. Đây là nguy cơ tiềm ẩn làm mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe con người và cộng đồng; về lâu dài, hóa chất bảo vệ thực vật tích tụ trong đất, đi theo nguồn nước tích tụ trong cây trồng ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng, là một trong những nguyên nhân gây ra các căn bệnh hiểm nghèo cho xã hội hiện nay.

Phú Hương

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/giam-thieu-tac-hai-thuoc-bao-ve-thuc-vat-tren-vung-rau-post281553.html