Giảm số lượng, tăng chất lượng trong kiểm tra sau thông quan

Để tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, công tác kiểm tra sau thông quan trở nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Với mục tiêu không để sót lọt vi phạm, chống thất thu cho ngân sách nhà nước, tới đây, công tác này sẽ được ngành Hải quan tăng cường.

Công chức Cục Kiểm tra sau thông quan thực hiện kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp. Ảnh: Bình Hà

Đi vào chiều sâu

Thời gian qua, hoạt động kiểm tra sau thông quan toàn quốc tiếp tục được đẩy mạnh, thực hiện theo chiều sâu thông qua việc lập danh sách doanh nghiệp giao cho các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tiến hành kiểm tra theo các chuyên đề, các kế hoạch định hướng; kịp thời trả lời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện; ban hành công văn cảnh báo về công tác kiểm tra, giám sát của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố đối với hàng nông sản nhập khẩu qua biên giới đường bộ.

Cần cập nhật thông tin pháp luật thường xuyên

Kiểm tra sau thông quan là một trong những khâu rất quan trọng, hầu hết các lỗi phát sinh đều bắt nguồn từ việc làm theo thói quen cũng như thiếu kiến thức về các quy định pháp luật. Do đó, cập nhật thông tin pháp luật thường xuyên và biết cách ứng xử giữa doanh nghiệp và cơ quan hải quan là việc cần được thực hiện và thúc đẩy.

Ông Phan Hải Triều - Chuyên gia Tư vấn thủ tục Hải quan Công ty InterLOG

Với tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp, lực lượng kiểm tra sau thông quan cũng tạm “gác lại”, chưa thực hiện theo kế hoạch đối với các cuộc kiểm tra chưa cần thiết. Theo ông Nguyễn Tiến Lộc - Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan), trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và bất ổn, sản xuất của một số ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam suy giảm, việc chưa thực hiện kiểm tra sau thông quan theo kế hoạch đối với các cuộc kiểm tra sau thông quan chưa thực sự cần thiết nhằm tập trung nghiên cứu, lựa chọn các doanh nghiệp để kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm.

Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thu thập phân tích thông tin và tiến hành kiểm tra sau thông quan đối với 194 doanh nghiệp theo 7 chuyên đề trọng điểm. Đến nay đã thực hiện kiểm tra 89/194 doanh nghiệp (chiếm 46%) với tổng số tiền thu về cho ngân sách nhà nước hơn 27 tỷ đồng; số doanh nghiệp không thực hiện kiểm tra 68 doanh nghiệp.

Với cách đi đúng hướng này, dù số cuộc kiểm tra giảm đi nhưng hiệu quả lại tăng lên, trong đó số thuế thu nộp ngân sách từ hoạt động hậu kiểm tăng khá cao.

Tính chung, năm 2023, toàn ngành Hải quan thực hiện kiểm tra sau thông quan 1.820 cuộc (giảm 31% so với cùng kỳ 2022). Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 1.024,23 tỷ đồng (tăng 89% so với cùng kỳ 2022), đã thực thu vào ngân sách số tiền là 920,42 tỷ đồng (tăng 144% so với cùng kỳ 2022).

Tập trung vào doanh nghiệp rủi ro cao

Cũng theo ông Lộc, bên cạnh việc kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm, cơ quan hải quan cũng tăng cường đào tạo, tập huấn để nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra sau thông quan. Song hành với việc xây dựng quy trình kiểm tra sau thông quan mới, gửi xin ý kiến các đơn vị liên quan trên tinh thần lồng ghép với quy trình quản lý doanh nghiệp ưu tiên.

Còn theo ông Nguyễn Đức Vinh - Phó Trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu (Cục Hải quan Đồng Nai), với sự hỗ trợ của cơ quan hải quan, các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu cẩn thận khi áp mã HS code vào các mặt hàng để tránh khai sai thuế. Bên cạnh đó, các đơn vị cần chủ động cập nhật các văn bản pháp luật để sẵn sàng ứng biến khi doanh nghiệp được kiểm tra sau thông quan. Ngoài các nghĩa vụ phải thực hiện, ông Vinh cho biết, các doanh nghiệp cũng có các quyền lợi như yêu cầu cơ quan hải quan kiểm tra lại thực tế hàng hóa đã kiểm tra nếu không đồng ý. Do đó, tìm hiểu kĩ các cơ sở pháp lý sẽ mang lại nhiều lợi ích cho chính doanh nghiệp, hạn chế tối đa các rủi ro và sai sót trong quá trình kiểm tra sau thông quan.

Định hướng công tác kiểm tra sau thông quan thời gian tới, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra là hết sức nặng nề. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Tổng cục trưởng yêu cầu các đơn vị hoàn thiện cơ chế chính sách về công tác kiểm tra sau thông quan, trong đó có quy định liên quan đến doanh nghiệp ưu tiên để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cùng với đó là hoàn thiện quy định và hướng dẫn liên quan đến thẩm quyền khởi tố vụ án của Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan. Đặc biệt là tập trung vào các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ kiểm tra sau thông quan. Đối với các đơn vị hải quan không có đơn vị chuyên trách về kiểm tra sau thông quan, cần huy động lực lượng ở các đơn vị nghiệp vụ khác để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm này…

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giam-so-luong-tang-chat-luong-trong-kiem-tra-sau-thong-quan-144066-144066.html