GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY TẠI 12 BỘ, 4 TẬP ĐOÀN LỚN VÀ MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG

Chiều ngày 13/6, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Đoàn giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội 'Việc thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2020 – 2022' làm việc với 4 Bộ: Bộ Quốc phòng; Bộ Công Thương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.

Toàn cảnh Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy tại 12 bộ, 4 tập đoàn lớn và một số địa phương.

Thực hiện Quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Nghị quyết số 47 năm 2022 về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2023, Kế hoạch số 248 ngày 04/8/2022 của UBTVQH về triển khai chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội và UBTVQH năm 2023, ngày 17/3/2023, UBQPAN đã ban hành Nghị quyết số 901 thành lập Đoàn Giám sát của Ủy ban QPAN về việc thực hiện “Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2020 – 2022”.

Mục đích buổi làm việc nhằm có thêm thông tin, làm cơ sở quan trọng đánh giá toàn diện tình hình thực hiện các quy định về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2020 – 2022 của các Bộ Ngành. Qua đó, làm rõ những kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết 99, xác định được nguyên nhân của những bất cập, hạn chế, trách nhiệm của các ngành, các cấp, cơ quan, các đơn vị, cá nhân; làm cơ sở kiến nghị các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết 99 và hoàn thiện pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trong thời gian tới.

Theo Kế hoạch, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội sẽ làm việc với Chính phủ, 12 Bộ, 4 tập đoàn lớn của Việt Nam và một số địa phương. Chiều ngày 13/6, Đoàn Giám sát làm việc với 4 Bộ gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Công Thương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.

Kiến nghị cụ thể để hoàn thiện thể chế về công tác phòng cháy và chữa cháy.

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát nghe đại diện các Bộ: Bộ Quốc phòng; Bộ Công Thương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính báo cáo tóm tắt về Kết quả thực hiện Nghị quyết 99/2019/QH14.

Điều hành nội dung thảo luận, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, các báo cáo của 4 bộ đã nêu khái quát về công tác tổ chức triển khai thực hiện; kết quả công tác ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy; Công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tổ chức phối hợp; Kết quả cụ thể trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao; Hạn chế, thiếu sót và nguyên nhân; Bài học kinh nghiệm và các kiến nghị giải pháp được đưa ra…

Thiếu tướng Phạm Trường Sơn - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Nghị quyết 99/2019/QH14 tại Bộ Quốc phòng.

Tại buổi giám sát, sau khi nghe đại diện các Bộ: Bộ Quốc phòng; Bộ Công Thương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính báo cáo tóm tắt về Kết quả thực hiện Nghị quyết 99/2019/QH14, thành viên Đoàn giám sát đã đánh giá cao báo cáo các bộ cơ bản khái quát kết quả, những bất cập, tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, từ đó đề ra các giải pháp khắc phục.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, báo cáo của các bộ còn chung chung, chưa làm rõ tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức cá nhân; các giải pháp kiến nghị đề xuất về thể chế, hoàn thiện chính sách chưa cụ thể. Báo cáo của các bộ cần có sự so sánh về công tác phòng cháy chữa cháy của từng đơn vị sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 99 đã có chuyển biến như thế nào; kiến nghị nghị cụ thể với Quốc hội để hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực này.

Phát biểu tại phiên họp, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Việt Trường đánh giá, báo cáo của của 4 bộ cho thấy bức tranh chung tương đối sáng về công tác phòng cháy chữa cháy, nhất là cơ sở sản xuất yêu cầu cao về phòng cháy chữa cháy như tại Bộ Công thương và Bộ Quốc phòng.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Việt Trường nhấn mạnh, giám sát nhằm chỉ ra lỗi thuộc về thể chế, văn phản pháp quy hay tổ chức thực hiện để đề xuất giải pháp khắc phục. Vì vậy, qua cuộc giám sát này, các bộ cần báo cáo rõ hơn để Đoàn giám sát của Ủy ban Quốc phòng và an ninh kiến nghị Quốc hội.

Đại biểu Lê Việt Trường đề nghị Bộ Quốc phòng báo cáo rõ hơn về công tác phòng cháy chữa cháy không chỉ trong quân đội, mà cả việc sẵn sàng chia sẻ nhân lực tham gia phòng cháy chữa cháy. Báo cáo cần làm rõ lực lượng phòng cháy chữa cháy trong ngành quân đội đã triển khai bao nhiêu đơn vị, đáp ứng bao nhiêu phần trăm trong công tác phòng cháy chữa cháy trong quân đội; khả năng phối hợp với các lực lượng khác tham gia phòng cháy chữa cháy; nhu cầu đầu tư để nâng cấp trang thiết bị phòng cháy chữa cháy…

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, thành viên Đoàn giám sát.

Qua giám sát thực tế tại các khu quân sự và khu vực phòng thủ, một số nhà máy thuộc Bộ Quốc phòng, đại biểu Nguyễn Hải Dũng, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao việc tuân thủ quy trình sản xuất tại các nhà máy được đảm bảo chặt chẽ, nghiêm túc; việc trang thiết bị, cơ sở vật chất ứng phó kịp thời với các sự cố phòng cháy chữa cháy được đầu tư bài bản cả về trang thiết bị, nhân lực, công tác giáo dục, đào tạo, huấn luyện. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy của Bộ Quốc phòng còn huy động hơn 68 nghìn lượt cán bộ chiến sỹ tham gia phòng cháy chữa cháy tại các bộ, ngành, địa phương.

Giám sát về báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về công tác phòng cháy và chữa cháy tại Bộ Công thương, đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho rằng, số liệu báo cáo từ các Tập đoàn, Tổng Công ty, các đơn vị thuộc ngành Bộ Công thương giai đoạn 2020-2022 xảy ra 49 vụ cháy nổ, bị thương 3 người, thiệt hại hơn 22 tỷ đồng, không vụ cháy nổ gây chết người. Đại biểu đề nghị Bộ Công thương nêu rõ trong báo cáo về số liệu đánh giá số tiền và thiệt hại của các tập đoàn, tổng công ty so với tổng tài sản của các đơn vị.

Báo cáo của Bộ Công thương cũng nêu nguyên nhân phần lớn các vụ cháy nổ trực thuộc ngành công thương chủ yếu do cháy nổ máy biến áp sử dụng. Do vậy, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị Bộ Công thương cần có kế hoạch, giải pháp cụ thể thay thế các máy biến áp nhỏ, thiết bị cũ, lạc hậu tiêu tốn điện năng để vừa thực hiện mục tiêu tiết kiệm điện, vừa thực hiện được chức năng chủ động phòng cháy và chữa cháy.

Các ý kiến tại buổi giám sát cũng đề nghị các Bộ bổ sung trong báo cáo về trách nhiệm, nhận thức về công tác phòng cháy và chữa cháy, bởi qua giám sát cho thấy ý thức phòng ngừa của cán bộ, công nhân viên chức các bộ ngành còn chưa cao, còn lơ là nhất là trong việc quản lý sử dụng điện. (Theo thống kê mỗi năm xảy ra 2 nghìn vụ cháy nhưng sự cố về điện chiếm tới 54%). Bên cạnh đó, công tác quản lý, đầu tư trang bị, cơ sở vật chất phòng cháy và chữa cháy vẫn còn khiêm tốn, chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết của Quốc hội đề ra, chủ yếu phó mặc cho các cơ quan chuyên trách. Vì vậy cần phân tích những hạn chế, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bộ ngành, trong đó có người đứng đầu.

Một số đại biểu cũng đề nghị Bộ Tài chính báo cáo việc bố trí ngân sách, phân bổ cho các bộ ngành thực hiện nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy, với nguồn lực như hiện nay có đủ đáp ứng theo yêu cầu đề ra tại Nghị quyết 99 của Quốc hội; báo cáo tổng hợp số liệu ngân sách địa phương chi cho nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy tại các địa phương theo Công văn 7077/BTC-VI năm 2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện hỗ trợ kinh phí cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đóng trên địa bàn từ nguồn ngân sách địa phương.

Thành viên Đoàn giám sát cũng nêu những vướng mắc về quy chuẩn, tiêu chuẩn trong phòng cháy chữa cháy đối với công trình đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực; đề nghị các Bộ thống kê có bao nhiêu cơ sở đang vướng mắc, báo cáo Đoàn giám sát để kiến nghị Quốc hội, Chính phủ kịp thời tháo gỡ…

Tại buổi giám sát, đại diện lãnh đạo Bộ Công an cũng trả lời một số kiến nghị các Bộ nêu liên quan đến việc sửa đổi Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 07 năm 2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy. Bộ Công an cũng đã phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi, tháo gỡ khó khăn trong thực tế khi thực hiệ Thông tư số 06/2022/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình. Đối với quy hoạch hạ tầng phòng cháy chữa cháy, Bộ Công an đã ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.

Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát khẳng định, báo cáo của 4 Bộ: Quốc phòng, Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư đã cơ bản bám sát đề cương Đoàn giám sát gửi; đề nghị các bộ rà soát báo cáo bổ sung việc triển khai văn bản hướng dẫn, đôn đốc lãnh đạo chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25 tháng 6 năm 2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy. Bổ sung các khó khăn, vước mắc, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, đặc biệt rà soát hệ thống pháp luật liên quan tạo sự thống nhất trong thực thi.

Trung tướng Nguyễn Minh Đức đề nghị Bộ Quốc phòng làm rõ khó khăn trong quá trình thực thi trong nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy, đặc biệt là tại các công trình quốc phòng và khu quân sự; nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ, phối hợp với Bộ Công an tham gia phòng cháy và chữa cháy.

Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện báo cáo, bám sát đề cương đoàn giám sát yêu cầu, nêu rõ khó khăn, vướng mắc mâu thuẫn chồng chéo trong hệ thống pháp luật; vai trò của Bộ trong sửa đổi Nghị định 23 về bảo hiểm bắt buộc đối với cháy nổ; thực hiện nhiệm vụ bảo đảm kinh phí thường xuyên đối với lực lượng làm công tác phòng cháy chữa cháy cháy; hướng dẫn UBND các địa phương hướng dẫn sửa chữa, cải tạo các công trình phòng cháy chữa cháy…

Trung tướng Nguyễn Minh Đức cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện báo cáo, bổ sung về phân bổ vốn đầu tư công trung hạn, đặc biệt đối với lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã sát với yêu cầu thực tế và kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo; việc phân bổ vốn ODA xây dựng Trung tâm kiểm định phòng cháy và chữa cháy, Trung tâm huấn luyện quốc gia về phòng cháy và chữa cháy.

Bộ Công thương bổ sung việc thực hiện nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu quy chế sử dụng điện tại hộ gia đình; quy hoạch các cơ sở phòng cháy chữa cháy, cơ sở sản xuất kinh doanh hóa chất, chế biến dầu khí, sản phẩm điện, nhất là điện gió, điện áp mái, điện mặt trời; công tác phối hợp với UBND các tỉnh xây dựng kế hoạch di dời kho chứa công trình, dầu mỏ, khí đốt, hóa chất đảm bảo an toàn, đúng quy định…

Một số hình ảnh tại buổi giám sát:

Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh – Trưởng Đoàn giám sát phát biểu mở đầu phiên họp.

Thành viên Đoàn giám sát và đại diện lãnh đạo các Bộ tham dự buổi làm việc.

Thiếu tướng Phạm Trường Sơn - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Nghị quyết 99 của Quốc hội.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung báo cáo tại buổi làm việc

Đại diện lãnh đọa Bộ Tài chính báo cáo với Đoàn giám sát về kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2020 – 2022.

Đại diện Bộ Công Thương trình bày kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2020 – 2022.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Việt Trường phát biểu tại buổi giám sát.

Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phát biểu.

Thiếu tướng Trần Đức Thuận, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Đại tá Vũ Huy Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm.

Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Lưu Văn Đức

Đại tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) trả lời một số kiến nghị của các bộ tại buổi làm việc.

Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc.

Lan Hương - Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=76982